Mega Story

Chủ tịch Fidel Castro - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

13/09/2023 14:15

Trong trái tim của mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro luôn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc.

fidel-cover-desktop-1.png

Trong trái tim của mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro luôn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tình đoàn kết trước sau như một với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, vì mục tiêu lý tưởng cách mạng cao đẹp và sẽ làm hết sức mình để quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Cuba mãi mãi xanh tươi.

chuyen-tham-lich-su.png

Cách đây 50 năm, ngày 12/9/1973, khi chiến trường Quảng Trị vẫn còn nồng mùi thuốc súng, từ bên kia bán cầu, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm vùng đất vừa được giải phóng của tỉnh Quảng Trị.

Vượt nửa vòng Trái Đất, lãnh tụ Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cuba đã đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam để được tận mắt chứng kiến chiến trường ác liệt và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta.

vna_potal_quan_he_viet_nam_-_cuba_moi_quan_he_doan_ket_dac_biet_hiem_co_trong_quan_he_quoc_te_6688440.jpg
Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc míttinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ngày nay, nơi con sông từng là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Đây từng là điểm dừng chân của Fidel trước lúc vào thăm vùng đất Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà vừa mới giải phóng năm 1973.

Cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đón đoàn tại khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại huyện Cam Lộ, có Trung tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, ông Hồ Sỹ Thản Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Lê Xích, Chủ tịch Mặt trận, ông Lê San, Chủ tịch Ủy Ban Quảng Trị, ông Võ Anh Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Cu Ba.

Trong những ngày đó, Chủ tịch Fidel Castro đã vượt qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ.

Tại Cao điểm 241 thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, còn gọi căn cứ Carol lúc bấy giờ đang ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tại đây, Chủ tịch Fidel đã nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”

vna_potal_quan_he_viet_nam_-_cuba_moi_quan_he_doan_ket_dac_biet_hiem_co_trong_quan_he_quoc_te_6688444.jpg
Đồng chí Fidel Castro, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Cuba cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh kỷ niệm bên đồn An ninh Nhân dân Bến Hải, địa cầu của miền Nam trong chuyến đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Câu nói nổi tiếng này đã đi vào lịch sử, trở thành một trong những biểu tượng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Cuba. Câu nói nổi tiếng ấy xuất phát từ lòng yêu mến, sự khâm phục của người đại diện cho hơn 10 triệu trái tim sục sôi khí thế cách mạng của nhân dân Cuba trước tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam chiến đấu vì độc lập và tự do của Tổ quốc.

Phát biểu này không chỉ là phương châm hành động của mối quan hệ thủy chung trong sáng Việt Nam-Cuba trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại và tương lai.

Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sỹ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn.

Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sỹ ta lúc đó.

Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm này của lãnh tụ Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

vna_potal_quan_he_viet_nam_-_cuba_moi_quan_he_doan_ket_dac_biet_hiem_co_trong_quan_he_quoc_te_6688441-1-.jpg
Đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thị sát Căn cứ quân sự Tân Lâm - Dốc Miếu trên Hàng rào điện tử McNamara, bị quân và dân miền Nam phá hủy (ngày 15/9/1973). Ảnh: TTXVN

Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và hơn 6 triệu USD để mua thiết bị, đồng thời cử chuyên gia sang Việt Nam cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên ở trình độ đại học và cao học; vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc… Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp và đúng lúc.

Người ta thường nói, lịch sử được tạo nên bởi những con người biết vượt ra khỏi khuôn khổ. Nếu đúng là như vậy thì Fidel Castro đã làm nên lịch sử tại Việt Nam.

Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm này của lãnh tụ Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

cuba-bach-khoa.jpg
Đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chính phủ Cuba thăm trường Đại học Bách khoa-Hà Nội, ngày 23/2/2003, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
hon-ca-moi-loi-noi.png

Tháng 12/1995, Fidel Castro sang thăm Việt Nam lần thứ hai, khi Việt Nam vừa vượt qua một chặng đường thử thách không nhỏ để khẳng định một cách đầy sức thuyết phục sự đúng đắn và thành công của đường lối đổi mới và bắt tay vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Còn Cuba lúc ấy đang trải qua “thời kỳ đặc biệt,” chạm đáy khủng hoảng, khó khăn kinh tế tưởng chừng không vượt qua nổi, đang tìm lối ra cho mình để rồi bứt lên lấy lại đà tăng trưởng trong những năm sau đó.

Và sau hơn 20 năm kể từ lần đầu, chuyến thăm của Fidel năm 1995 đến Việt Nam đánh dấu một bước chuyển, một mốc son mới của tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước.

vna_potal_ky_niem_112_nam_ngay_sinh_dai_tuong_vo_nguyen_giap_2581911-2582023_dau_an_cua_vi_tuong_huyen_thoai_qua_hai_cuoc_khang_chien_vi_dai_cua_dan_t_6897300.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Thủ tướng Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, tối 13/9/1973, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đến Việt Nam trong chuyến thăm lần thứ hai, Fidel và các thành viên trong đoàn đại biểu đều cảm nhận như được về lại chính nhà mình, được sống giữa những người thân trong gia đình. Những nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng đều chào đón Fidel với tình cảm và suy nghĩ như vậy.

Từ lâu lắm rồi và cho đến sau này cũng vậy, Fidel Castro thường nói với những người đồng chí và nhân dân của ông rằng: "Việt Nam luôn cảm ơn sự ủng hộ hết mình và tình đoàn kết chí tình của Cuba; nhưng chính chúng ta, những người Cuba và cả nhân loại phải biết ơn Việt Nam vì nhân dân Việt Nam không chỉ đổ máu cho dân tộc mình, mà đã thật sự đổ máu cho Cuba và cho các dân tộc khác." Có lẽ chính chân lý đích thực và logic sâu xa này là cội nguồn của tình cảm vô tư, trong sáng mà nhân dân Cuba đã, đang và sẽ tiếp tục dành cho nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ ba đến Việt Nam. Người ngạc nhiên và phấn khởi trước những thành quả về kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam đã đạt được và chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa.

1-2-.jpg
Đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Trần Nam Trung tại buổi mít tinh của nhân dân Quảng Trị (tháng 9/1973). Ảnh: TTXVN
2-2-.jpg
Các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế nồng nhiệt đón mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro đến thăm Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN
3-2-.jpg
Ngày 15/9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). Ảnh: TTXVN
4-2-.jpg
Ngày 15/9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba tới thị sát Căn cứ quân sự Tân Lâm-Dốc Miếu trên Hàng rào điện tử McNamara, bị quân và dân miền Nam phá hủy. Ảnh: TTXVN
5-2-.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm thị trấn Đông Hà (Quảng Trị) bị chiến tranh phá hủy, đang được khôi phục lại (Tháng 9/1973). Ảnh: TTXVN
9.jpg
Đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba và nữ anh hùng Tạ Thị Kiều tại Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (Tháng 9/1973). Ảnh: TTXVN
8.jpg
Bí thư Đảng ủy Vĩnh Linh Trần Đồng tặng đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba khẩu súng trường của đồng chí Hồ Đức, dân quân người dân tộc Vân Kiều, chỉ bằng 2 viên đạn đã bắn rơi 1 máy bay lên thẳng của Mỹ (Tháng 9/1973). Ảnh: TTXVN
1920x1080-4.png
1920x1080-2.png

Người cũng khẳng định nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Fidel Castro đã phát biểu rất chân thành: "Câu nói của tôi mà các bạn thường trích dẫn để cảm ơn không bao giờ chỉ là những lời nói suông. Hôm nay, tại đây, trên đất nước của các bạn, tôi xin nhắc lại rằng nhân dân Cuba thực sự đã luôn luôn sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì Việt Nam, bởi lẽ chúng tôi luôn đánh giá cao ý nghĩa của cuộc đấu tranh với tinh thần dũng cảm tuyệt vời và chủ nghĩa anh hùng vô song của nhân dân Việt Nam.”

Đó chính là những lời nói từ trái tim người con vĩ đại của dân tộc Cuba hào hiệp, người đã trực tiếp quyết định việc Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963) và cũng là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).

Đúng như lời nhận xét của một nhà lãnh đạo Mỹ Latinh: “Fidel là một người bạn lớn của các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập tự do, ông luôn coi những vấn đề của các nước anh em, bè bạn như những vấn đề của chính đất nước mình, luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước một cách hào hiệp và vô tư nhất.”

Những câu nói bất hủ xuất phát từ trái tim và những hành động cụ thể của lãnh tụ Fidel vì Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời vượt thời gian.

Việc kỷ niệm chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng 9/1973 còn là sự tôn vinh mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống mẫu mực và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc. Dưới ánh sáng tư tưởng bất diệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro, thế hệ trẻ Việt Nam và Cuba sẽ tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang của mối quan hệ hai nước.

Đối với người Việt Nam, Lãnh tụ Fidel Castro mãi mãi là người bạn lớn, người đồng chí, người anh em thân thiết. Nhân dân Việt Nam nguyện giữ vững mối tình hữu nghị thủy chung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro đã dày công vun đắp.

Với tất cả tình cảm chân thành nhất dành cho Chủ tịch Fidel Castro, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông Huân chương Sao vàng (năm 1982) và Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1989).

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960. Sau đó, giữa lúc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang Việt Nam giúp chữa trị cho các thương binh và nhân dân. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng, vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam.

Cuba cũng cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, đồng thời vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và mời đặt cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại La Havana. Sau đó Cuba đã cử Ðại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng.

Cuba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (23/9/1963) do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez sáng lập. Hằng năm, Cuba giúp Việt Nam 3 vạn tấn đường và nước bạn đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 2/1/1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít-tinh có trên 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời đến từ nhiều nước châu Á, Phi, Mỹ Latinh, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”

Sau đó, hàng ngàn thanh niên Cuba đã viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ.

Tháng 9/1973, bất chấp tình hình nguy hiểm, Chủ tịch Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đến thăm một vùng giải phóng của miền Nam.

Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), tuyến đường Sơn Tây-Xuân Mai, Trại bò ở Mộc Châu, Xí nghiệp gà Lương Mỹ.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Fidel Castro - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam