Mega Story

Phòng chống thiên tai - Phải lấy người dân làm gốc

30/11/2023 18:00

Yên Bái - tỉnh miền núi có địa hình tương đối phức tạp, phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, nhiều khe suối. Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, nên địa phương này thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cường suất lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

biabaisatlojpg.jpg

Yên Bái - tỉnh miền núi có địa hình tương đối phức tạp, phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, nhiều khe suối. Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, nên địa phương này thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cường suất lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tuy vậy, nhờ sự chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (đặc biệt là giải pháp “4 tại chỗ”), nên thiệt hại về người, tài sản cũng như các công trình thủy lợi, giao thông và nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn đã giảm đi nhiều so với trước đây.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn xoay quanh nội dung trên.

titphu1baisatlodat.png

- Đầu tiên, xin ông cho biết tình hình thiên tai (mưa bão, lũ ống, lũ quét, mưa đá, sạt lở đất…) đã gây ra thiệt hại như thế nào ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây, nhất là trong các tháng đầu năm 2023 vừa qua?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Đúng là trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến khó lường, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra hàng trăm vụ thiên tai do mưa bão gây ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Trong đó, có nhiều vụ gây hậu quả rất nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2022, trên toàn tỉnh xảy ra 102 đợt thiên tai đã làm 91 người chết, 82 người bị thương; hư hỏng 20.512 căn nhà; thiệt hại 17.082 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.412 công trình hạ tầng bị hư hỏng và thiệt hại nhiều tài sản khác. Tổng thiệt hại lên tới 3.211 tỷ đồng.

satlo7.png

Ngày 16/6/2022, đoạn đường qua xã La Pán Tẩn, tỉnh Yên Bái, đã xảy ra một vụ sạt lở taluy dương làm hàng nghìn khối đất đá đổ xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

satlo3.jpg

Một ngôi nhà ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu bị ảnh hưởng do sạt lở taluy dương hồi năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

satlo8.jpg

Lở đất hình thành sau một trận mưa lớn kéo dài hồi tháng 8/2018 trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) khiến 10 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. (Ảnh: TTXVN)

lodat1.jpg
Nạn nhân thiệt mạng vì lở đất được xác định là bà Vũ Thị Lý (sinh 1957), tại thôn Khe Pháo, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, Yên Bái. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 14/6/2021, trên địa bàn xã Châu Quế Hạ (Văn Yên, Yên Bái) đã xảy ra một vụ sạt lở đất đồi khiến một phụ nữ tử vong. (Nguồn: TTXVN)

Riêng trong 10 tháng vừa qua, thiên tai đã làm 8 người chết; 1 người bị thương; hư hỏng 1.612 căn nhà; thiệt hại 1.489,8 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 7 điểm trường, 10 công trình văn hoá, y tế và 169 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; 60.000 m3/225 vị trí sạt lở taluy dương, 475m/22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường; trên 95.000m3 đất đá bị sạt lở tuyến đường dẫn đến các trung tâm xã...

Ngoài ra, các nhà máy thuỷ điện Hồ Bố, thủy điện Mường Kim, thủy điện Ma Lừ Thàng cũng bị sạt lở, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành; 132 cột điện bị gẫy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác. Ước tính thiệt hại khoảng 420 tỷ đồng.

1920x1080-1.png

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến thiên tai (đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất đá) trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến phức tạp trong những năm gần đây?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Lũ quét, sạt lở đất đá do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường với những diễn biến phức tạp và ngày càng cực đoan, khó lường.

lulutyenbai1.jpg
Người dân bản Đồng Hẻo, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn thu dọn đồ đạc còn sót lại sau mưa lũ hồi năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Về mùa mưa, trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa lớn với lượng mưa rất lớn kéo dài liên tục đã gây ngập lụt ở vùng thấp và lũ quét, lũ ống, sạt lở vùng cao.

Việc mưa kéo dài cũng làm đất đá bão hòa, giảm sự liên kết; ma sát giữa các lớp đất đá giảm xuống, gây ra là các hiện tượng như sạt trượt, dẫn đến sạt lở đất.

satlo8.jpg
Sạt lở đất tại Yên Bái vào năm 2018

Thứ hai là do ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên. Như tỉnh Yên Bái là vùng trung du và miền núi, với các điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt nhiều sông, ngòi, khe suối.

Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất thường dễ xảy ra.

Thứ ba, bên cạnh các yếu tố tự nhiên thì một số tác động của con người cũng là nguyên nhân làm cho thiên tai diễn biến phức tạp hơn.

quote1yenbai.png

Thực tế cho thấy các hoạt động dân sinh, quá trình phát triển kinh tế xã hội (như chúng ta phát triển hạ tầng, san gạt mặt bằng, xây dựng các công trình như đường giao thông, dự án thủy điện nhỏ, các công trình hạ tầng khác) cũng đã tác động lên bề mặt của đất.

Ngoài ra, chất lượng rừng hay thảm phủ thực vật cũng có suy giảm. Thực tế này đã làm mất cân bằng sự ổn định của các sườn dốc, tác động làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến thoát nước của các sông suối, từ đó gây nên sạt lở đất.

yenbailu3.jpg
Trong đợt mưa lũ hồi năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái đã có 26 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ; hơn 3.000 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi hoàn toàn, hư hỏng, úng ngập. (Ảnh: TTXVN)
cuuho.jpg
Lực lượng cứu hộ và người dân bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đang di chuyển cây cối bị lũ cuốn để tìm người mất tích. (Ảnh: TTXVN)
lamgoc.png

- Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là giải pháp “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; và hậu cần tại chỗ. Đây là giải pháp cần quan tâm hàng đầu trong bối cảnh trong điều kiện thực tiễn hiện nay.

quote2.png

Đặc biệt là phải lấy người dân làm gốc và người dân cần phải “hành động” trước khi lực lượng, phương tiện từ bên ngoài tiếp cận tới. Do vậy, chúng tôi xác định là cần phải nâng cao ý thức chủ động của người dân, cộng đồng ở các khu vực có thiên tai. Với các đồng bào, người dân sống trong vùng lũ quét thì phải có ý thức và có sự am hiểu cũng như sự chủ động trong việc phòng, tránh.

Thứ hai, đối với địa phương, chính quyền thì chúng tôi sẽ nâng cao công tác cảnh báo các thiên tai có thể diễn ra đối với các vùng có nguy cơ cao.

Thứ ba, chúng tôi củng cố bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp và bảo đảm tính năng lực chỉ huy, điều hành và rà soát các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Hằng năm, tỉnh Yên Bái có xây dựng điều chỉnh kế hoạch cũng như phương án phòng, chống thiên tai ở các cấp rồi mua sắm các trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai.

Đến nay, 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đều xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm và chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình, dự án (nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, dự án thủy điện nhỏ), trong đó đặc biệt lưu ý tới việc tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phần lớn các điểm sạt lở xảy ra trong thời gian qua tại nhiều địa phương, phần lớn là xảy ra ở ven các tuyến đường giao thông. Liên hệ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đồng chí nhìn nhận thực tế này thế nào?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Đúng là ở ven các tuyến đường giao thông thì thường dễ xảy ra các hiện tượng, điểm sạt lở so với những khu vực khác.

yenbaighep.png
Vụ sạt lở ta luy dương diễn ra vào tháng 6/2022, tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã khiến một lượng lớn đất, đá tràn xuống, gây ách tắc tỉnh lộ 172. (Ảnh: TTXVN)

Một trong những nguyên nhân chính là bởi trong quá trình thi công, đào, san gạt mặt bằng xây dựng các tuyến đường giao thông đã làm mất cân bằng sườn dốc tự nhiên.

Tại những điểm xung yếu, địa chất kém nếu không có các biện pháp gia cố, gia cường sườn dốc bảo đảm chắc chắn, an toàn đã làm tăng nguy cơ sạt lở đất, đá.

Tuy nhiên, tại tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, các tuyến đường giao thông, nhất là tại các điểm xung yếu, thường bị sạt lở vào mùa mưa đã được đầu tư gia cố, xử lý nên hiện tượng sạt lở xảy ra vào mùa mưa bão đã giảm đi nhiều.

hung2.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus-TTXVN. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

- Thực tế trên phần nào cho thấy cùng với “thiên tai”, chính cách làm của con người cũng làm cho thiên tai ngày càng dữ dội hơn. Liên hệ thực tế tại tỉnh Yên Bái trong những năm qua, đồng chí nhìn nhận thực tế trên thế nào?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Thiên tai mưa bão, lũ lụt là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể ngăn chặn được và chỉ có thể chủ động trong phòng, chống để hạn chế tác hại của thiên tai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiên tai gia tăng cũng có nguyên nhân từ con người, đặc biệt là tình hình phát triển kinh tế của các địa phương.

Đơn cử như việc mở đường phát triển giao thông đã làm tăng nguy cơ sạt lở dọc các tuyến đường, chuyển đổi đất rừng làm đường giao thông cũng làm giảm độ che phủ thực vật làm gia tăng sạt lở, gây xói mòn đất; sự hiện đại hóa phát triển ở các khu đô thị, thị trấn mật độ bê tông hóa tăng lên, hiện tượng san lấp hồ, ao làm mất chỗ chứa nước, dẫn đến gia tăng ngập lụt…

Để hạn chế các ảnh hưởng của thiên tai, cùng với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, tỉnh Yên Bái xác định phải thực hiện hiện tốt và đồng bộ quy hoạch tỉnh vừa mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 và Phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro.

Chúng tôi cũng xác định tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, phòng chống thiên tai các cấp; lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và người dân, nhất là người dân sống tại các khu vực vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

titphu3bailodathung.png

- Các vụ sạt lở đất thường khó kiểm soát hậu quả. Theo đồng chí, chúng ta cần làm gì để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về người và tài sản? Điều gì là quan trọng nhất đối với công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chúng ta cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm thiên tai để đưa ra những khuyến cáo, biện pháp ứng phó phù hợp nhanh nhất.

quote3.png

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang được Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) triển khai thực hiện “Dự án nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.” Dự án đã lắp đặt thử nghiệm 2 hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Trong công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay, theo tôi điều quan trọng nhất là sự chủ động phòng tránh là người dân sống ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Người dân cần được thông tin cảnh báo kịp thời để di chuyển đến nơi an toàn; xây dựng bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp ở các địa phương. Vấn đề này đã được Trung ương chỉ đạo, được triển khai, nhưng trên thực tế mới chỉ xây dựng được bản đồ tỷ lệ lớn (tỷ lệ 1:50.000), chưa xác định được chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân.

Trên cơ sở bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp, các địa phương sẽ quy hoạch, phân bố, bố trí lại dân cư hợp lý và có những đầu tư hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người dân.

lodat(1).jpg
Lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm lũ lụt ở Yên Bái. (Ảnh: TTXVN)

Trước mắt, các địa phương cần tập trung rà soát những điểm, khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở, lũ quét để xây dựng phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ này.

- Thưa đồng chí, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ làm gì để góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra? Đặc biệt là việc bố trí quy hoạch lại khu dân cư để hạn chế thiệt hại do thiên tai bão lũ?

Chủ tịch Trần Huy Tuấn: Trong thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh Yên Bái cũng sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực mà có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nâng cao đời sống, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực miền núi; đảm bảo an ninh quốc phòng và giảm thiểu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã sắp xếp ổn định được cuộc sống cho trên 2.200 hộ dân; hỗ trợ khắc phục, di dời an toàn gần 2.300 nhà bị ảnh hưởng. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 944 hộ trong vùng nguy cơ thiên tai cần di chuyển đến nơi an toàn thuộc 18 dự án di dân tập trung.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các quỹ đất để bố trí, sắp xếp lại dân cư, đồng thời tiếp tục bố trí nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất./.

Trân trọng cảm ơn chủ tịch!

tac-giabaiyenbai.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống thiên tai - Phải lấy người dân làm gốc