Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đã và đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xã hội càng phát triển thì các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái càng biến tướng khôn lường. Đây được coi là trở ngại lớn trong quá trình xóa bỏ bất bình đẳng giới và đạt được Các mục tiêu Phát triển bền vững.

Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc công bố cuối năm 2020, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác, tinh thần hoặc tình dục

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang có được những thay đổi tích cực về vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Vào tháng 3/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP, theo đó, trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2021, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Từ ngày 15/11-15/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan của Liên hợp quốc phát động thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới.

Chủ đề của Tháng hành động là “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.” Chủ đề này một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và nhấn mạnh sự cần thiết của nam giới trong việc tham gia chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.

Hưởng ứng Tháng hành động này, Báo điện tử VietnamPlus đã phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức chương trình Podcast song ngữ về vấn đề ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các số Podcast là cuộc trao đổi giữa các khách mời xung quanh chủ đề này. Điều đặc biệt là các số Podcast đều được thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Các số Podcast này được phát sóng trên các nền tảng Spotify, Apple Podcast, Google Podcast và Báo điện tử VietnamPlus.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong chia sẻ công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, trong số Podcast đầu tiên về chủ đề bình đẳng giới, VietnamPlus đã lựa chọn vấn đề vai trò của nam giới trong việc phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Khách mời của số này là bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và diễn viên Hoàng Tùng – một người đã có quá trình hợp tác với CSAGA trong các dự án phim về đề tài bạo lực với phụ nữ. Diễn viên Hoàng Tùng từng đảm nhận vai nam giới gây bạo lực trong phim ngắn “Đừng im lặng” do CSAGA sản xuất và tham gia một vở kịch về đề tài này. Trước khi vào vai, ông thường xuyên làm việc trực tiếp với nạn nhân của bạo lực giới để có thể thể hiện nhân vật của mình một cách tốt nhất.

Tại cuộc trò chuyện, bà Vân Anh cho rằng sự tham gia của nam giới trong việc thay đổi các khuôn mẫu về nam tính sẽ góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Hơn ai hết, nam giới sẽ hiểu rằng việc dừng đối xử thô bạo đối với người phụ nữ của mình sẽ góp phần làm thay đổi tình trạng bạo lực giới cũng như góp phần làm cho chính người nam giới hiểu thế nào là hạnh phúc thực sự.

Cũng theo bà Vân Anh, cần thúc đẩy sự tự cường, sức mạnh nội tại của người bị bạo lực.

“Chúng tôi khích lệ sự tự cường, khích lệ sức mạnh bên trong của mỗi người, để mọi người có thể thấy rằng chúng ta có thể thay đổi được, chúng ta có thể làm chủ được cuộc đời mình thay vì việc để cho người khác kiểm soát, quản lý và điều khiển đời sống của mình. Khi mình hiểu được điều đó thì mình có thể tìm kiếm những sự hỗ trợ từ những người khác, còn khi không có sức mạnh, không tìm được sự hỗ trợ từ ai cả. Vì của mình, mình còn không tìm thấy cơ mà. Chúng tôi luôn luôn khích lệ mọi người hãy dám lên tiếng, dám thay đổi và cuộc sống của mình là do mình quyết định,” bà Vân Anh nói.

Êkíp thực hiện Podcast và hai vị khách mời. (Nguồn: Vietnam+)

Còn theo diễn viên Hoàng Tùng, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tồn tại, vẫn đang phát triển và thậm chí còn phát triển ở nhiều khía cạnh và nhiều hình thức khác nhau. Với tư cách là diễn viên, với kỹ năng nghề nghiệp của mình,  tôi đặt mình vào nhân vật đàn ông đó xem diễn biến tâm lý của anh ta thế nào, mong muôn của anh ta là gì, rồi làm sao anh ta lại sử xự như vậy. Tôi cho rằng nam giới có vai trò quyết định trong việc thay đổi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Vì cũng là đàn ông nên tôi hoàn toàn hiểu tự tôn của chúng tôi hay cái sức mạnh giới của chúng ta, hay quyền lực mà chúng ta nghĩ là chúng ta có. Tuy nhiên, hãy dùng sức mạnh, năng lượng của mình để làm những điều thực sự to lớn, sử dụng sức mạnh đó để có thể giúp đỡ những người xung quanh hạnh phúc hơn, rồi dần dần làm cho thế giới tốt đẹp hơn,” diễn viên Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Nội dung số Podcast tiếp theo do Đại sứ quán Hà Lan và Báo điện tử VietnamPlus thực hiện nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới là cuộc trao đổi giữa ông Daniel Stork – Tổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh và bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.

Theo Tổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Lan coi vấn đề bạo hành đối với phụ nữ thực sự là một vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe cộng đồng, cũng là những vi phạm đến quyền con người.

“Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người là nạn nhân của bạo hành thể xác hay bạo hành tình dục. Ở Hà Lan, chúng tôi nỗ lực loại bỏ mọi dạng bạo hành đối với phụ nữ. Để có thể đạt được điều đó, chúng tôi đang tập trung vào 3 mức độ: luật pháp và chính sách, thực thi luật pháp-chính sách, và thay đổi những tiêu chuẩn và giá trị đang cho phép việc bạo hành phụ nữ tiếp diễn.

Vào năm 2018, Hà Lan đã đệ trình Nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ giải quyết nạn bạo hành phụ nữ và những hành vi tình dục không phù hợp. Kể từ đó, chúng tôi cũng tập trung vào yêu cầu giải quyết nạn bạo hành phụ nữ thông qua chiến dịch OrangeTheWorld hằng năm.

Hà Lan cũng cam kết tăng cường thúc đẩy quyền phụ nữ và bình đẳng giới tại các hội nghị quốc tế, các nghị quyết và thỏa thuận. Ví dụ điển hình là nghị quyết hai năm một lần của Liên hợp quốc mà chúng tôi cùng với Pháp khởi xướng, kêu gọi quốc tế tập trung nỗ lực giải quyết nạn bạo hành phụ nữ và những hành vi không phù hợp,” ông Daniel Stork nói.

Còn bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: “Tôi nghĩ điều này hết sức quan trọng. Tôi đã dự rất nhiều hội nghị bàn về bình đẳng giới – các sự kiện mà chúng tôi có các cuộc trao đổi giữa phụ nữ với nhau. Việc phụ nữ trao đổi với phụ nữ không phải là vấn đề, nó giống như việc chúng tôi than phiền hay chia sẻ những phiền muộn của bản thân. Điều cốt yếu là ở đàn ông. Có một điều thật lạ, không chỉ trong một tình huống giao tiếp xã hội bình thường mà còn trong nhiều đoàn thể lớn: mỗi khi chúng ta bàn luận về vai trò của phụ nữ, tôi thấy phần lớn người tham gia trong phòng là phụ nữ. Chúng ta không cần phải trấn an phụ nữ về việc họ quan trong như thế nào. Điều cốt yếu là ở đàn ông. Chúng ta cần có nam giới tham gia vào các cuộc thảo luận. Trừ khi họ hiểu và chia sẻ quan điểm, sẽ khó để có được những điều tốt hơn bởi, xin nhắc lại, chúng ta mới đang cố gắng xử lý những “triệu chứng” chứ không phải những vấn đề gốc rễ. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng.”

Những kinh nghiệm từ Hà Lan và những chia sẻ hữu ích trong cuộc trò chuyện sẽ góp thêm góc nhìn cũng như giải pháp để đẩy lùi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nội dung số Podcast thứ ba liên quan đến chủ đề bình đẳng giới là cuộc trao đổi của bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam và bà Pascalle Grotenhuis – Đại sứ Hà Lan về quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

Theo bà Pascalle Grotenhuis, ở góc độ kinh tế, chi phí phải trả cho việc không hành động để ngăn chặn bạo lực giới tại Hà Lan là 14,1 tỷ euro mỗi năm và “đó là một số tiền quá lớn.”

“Tôi luôn đề cập con số này với những người làm ở bộ kinh tế hoặc tài chính để họ thấy rằng, cái giá phải trả cho việc không hành động là rất lớn,” bà Pascalle Grotenhuis nói.

Cũng theo bà Pascalle Grotenhuis, có sự gia tăng đáng kể việc bắt nạt trên mạng khi mà chúng ta “online” nhiều hơn.

“Tôi nghĩ COVID-19 thực sự nhắm đến những người trẻ tuổi… thực ra người trẻ có những kinh nghiệm và cách giải quyết rất riêng, vì vậy cần có một đại sứ thanh niên về quyền và sức khỏe sinh sản. Tôi nghĩ nếu không có giới trẻ, chúng tôi sẽ không thể đưa ra những chính sách và can thiệp một cách bền vững,” Đại sứ Hà Lan về quyền phụ nữ và bình đẳng giới chia sẻ.

Có thể nói, hai năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Đại dịch đi kèm với các hoạt động giãn cách cũng khiến cho việc thực hiện các giải pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ngày gặp thêm nhiều khó khăn.

Thật đáng buồn khi thời gian vừa qua, những câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo lực phụ nữ, bạo hành trẻ em vẫn diễn ra.

Cùng với sự tham gia của nam giới, truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất. Với chuỗi chương trình về chủ đề xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, VietnamPlus hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi vấn nạn này./.

Thực hiện: Nguyệt Ánh-Ngọc Duy-Bích Hằng-Vũ Hà-Thanh Bình