Đại sứ các nước cảm nhận giá trị Việt trong ngày Tết cổ truyền

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp lễ hội đặc biệt đối với người Việt Nam mà còn là trải nghiệm khó quên của những vị khách nước ngoài. Bởi phong tục ngày Tết thể hiện rõ nét truyền thống văn hóa, cốt cách người Việt và những giá trị Việt thiêng liêng.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, báo VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với các đại sứ nước ngoài, lắng nghe họ chia sẻ ấn tượng về Tết cổ truyền Việt Nam.

Mùa Xuân – mùa của hy vọng

Trải qua hai lần đón Tết ở Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Oman, ông Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri nhận thấy đây là dịp mà gia đình quây quần, bạn bè gặp gỡ và gửi tới nhau lời chúc mừng, trao cho nhau những món quà ý nghĩa. Mọi người đều vui vẻ, già trẻ lớn bé luôn nở nụ cười, hy vọng một năm mới an lành.

Dịp Tết Nguyên đán, Đại sứ cũng nếm thử bánh chưng, tham quan một số cảnh đẹp, hòa mình vào niềm vui của người Việt, trao những món quà ý nghĩa đến những người bạn Việt Nam. Đối với ông, đó thực sự là những kỷ niệm đẹp trên dải đất hình chữ S.

Đại sứ ca ngợi Việt Nam là thiên đường, làm say lòng du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Đại sứ Vương quốc Oman, ông Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri.

“Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, thiên nhiên tươi đẹp. Nơi thì có đồng bằng xanh ngút ngàn, nơi thì có những bãi cát mềm, đâu đó lại là những trang trại bạt ngàn trồng cà phê, hạt điều, lúa và trái cây các loại. Có thể nói, đối với mọi du khách, Việt Nam là vùng đất rất giàu bản sắc,” Đại sứ chia sẻ.  

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 lan rộng, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế,  xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, song Đại sứ tin tưởng rằng những ngày tháng tốt đẹp hơn đang ở phía trước bởi ông nhận thấy rõ nhân dân Việt Nam đang không ngừng nỗ lực vươn lên.

“Nhân dịp Tết đến Xuân về, tôi xin gửi lời chúc mừng tới nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Chúc cho Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng giống như những nụ cười người Việt luôn rạng rỡ trên môi,” Đại sứ chia sẻ.

“Nhân dịp Tết đến Xuân về, tôi xin gửi lời chúc mừng tới nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Chúc cho Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng giống như những nụ cười người Việt luôn rạng rỡ trên môi.”

Đại sứ Oman

‘Phải lòng’ Tết Việt

Với Đại sứ Na Uy Grete Lochen, đây là năm thứ tư và cũng là năm cuối cùng bà đón Tết ở Việt Nam trên cương vị Đại sứ. Vì vậy, bà có khá nhiều cảm xúc.

Bà nhớ từng cái Tết của mình ở Việt Nam nhưng khó quên nhất là Tết Kỷ Hợi 2019. Đó là năm đầu tiên bà đón Tết ở Việt Nam. Bà Grete Lochen đã cùng với các Đại sứ trong nhóm G4 (Canada, New Zealand, Na Uy, và Thụy Sỹ) tới thăm các em nhỏ khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu và cùng các em gói bánh chưng. 

“Hôm đó, trời rất lạnh nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp vì sự thân thiện, và hiếu khách của các em nhỏ. Tôi đã rất xúc động khi được chứng kiến niềm vui và sự thích thú của các em khi được tự mình gói bánh chưng, cảm nhận gạo nếp, thịt mỡ, lá dong… không phải bằng mắt thường mà bằng bàn tay và qua lời mô tả của các anh chị tình nguyện viên,” Đại sứ nhớ lại.

Từ đó, bà yêu Tết Việt, bởi đây thực sự là ngày hội của tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, khả năng, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế…

Bà đặc biệt thích không khí Tết ở Hà Nội. Những ngày giáp Tết, cả thành phố như được khoác một chiếc áo mới bởi muôn vàn màu sắc cỏ cây hoa lá mùa Xuân. Từ những chiếc xe chở đào quất bán rong trên phố, tới hàng trăm loài hoa được bán trong những chợ hoa Xuân, trên những con phố lớn thậm chí cả những ngõ nhỏ.

“Ấy vậy mà không khí bận rộn, hối hả đó hoàn toàn biến mất trong sáng mùng Một. Tất cả trở nên tĩnh lặng, thanh bình, nhẹ nhàng để đón ngày đầu tiên của năm mới,” bà chia sẻ.

Đại sứ Na Uy tự tay đi chọn đào Tết.

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần, Đại sứ gửi lời chúc độc giả của VietnamPlus và toàn thể người dân Việt Nam một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Bà khẳng định quan hệ ngoại giao 5 thập kỷ vừa qua là nền tảng vững chắc để Na Uy và Việt Nam tiếp tục các hoạt động hợp tác trên bình diện song phương và đa phương.

“Hy vọng năm con Hổ sẽ đem tới cho chúng ta sức mạnh, cùng nhau đẩy lùi đại dịch và phục hồi kinh tế, không để ai bị bỏ lại phía sau,” Đại sứ bày tỏ.

‘Khó khăn mới biết ai là bạn’

Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan đã ăn Tết ở Việt Nam 10 năm nay nhưng ông vẫn luôn cảm thấy háo hức, xốn xang mỗi độ Xuân về. Có lẽ bởi Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét văn hóa tương đồng, đặc biệt là phong tục đón Tết cổ truyền.

Như những người dân Việt Nam, ông cũng hồi hộp chờ đón vị khách đầu tiên xông đất, cũng ăn bánh chưng và lì xì trẻ nhỏ.

Đại sứ Park Noh-wan mặc áo dài Việt Nam trong MV mừng Xuân thực hiện năm 2021.

“Năm mới luôn đặc biệt, nhưng năm nay đặc biệt hơn cả bởi Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chính phủ hai nước thiết lập nền tảng vững chắc để cùng mở ra tương lai hợp tác trong 30 năm, 100 năm tới…,” Đại sứ chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Hàn Quốc đã hỗ trợ vật tư phòng chống dịch như vaccine, xylanh tiêm cho Việt Nam, ngược lại, Việt Nam đã hỗ trợ vật tư chiến lược là u rê cho Hàn Quốc.

“Trải qua khó khăn, tôi đã có thể hiểu rõ hơn câu tục ngữ ‘Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai’,” ông Park Noh-wan chia sẻ.

Cùng xem lại video ca nhạc Đại sứ Hàn Quốc và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán thực hiện trong năm 2021.

Đại sứ xúc động khẳng định các cán bộ nhân viên của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện vai trò cầu nối vững chắc giữa Chính phủ và nhân dân hai nước để Việt Nam và Hàn Quốc trở thành hai nước anh em, hai nước thông gia của nhau. Ông cho rằng với sự phát triển kinh tế năng động và bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, cơ hội hợp tác, giao lưu giữa hai nước là vô biên.

Giá trị cốt lõi chính là gia đình

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn ngoại giao, có lẽ là chính khách đặc biệt nhất với trải nghiệm 20 năm đón Tết tại Việt Nam.

Tết của ông cũng như Tết của bất cứ người Việt nào, có cành đào, cây quất, mứt Tết, cùng vài món bánh của Palestine.

Vị Đại sứ tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, nói tiếng Việt và thuộc nhiều ca dao, tục ngữ như bất kỳ người Việt Nam nào. Tết đối với ông cũng vô cùng thiêng liêng và đẹp đẽ.

Với Đại sứ Saadi Salama, Tết là những bữa cơm sum họp gia đình, là bầu không khí hân hoan, là đào mai khoe sắc khắp phố phường, là thứ “mùi Tết” rất riêng mà chỉ Việt Nam mới có.

Chứng kiến nhiều sự đổi thay của Việt Nam suốt những năm qua, Đại sứ Salama khẳng định giá trị cốt lõi của người Việt chưa bao giờ thay đổi, đó là sự gắn kết gia đình. Ông rất ngưỡng mộ điều đó bởi gia đình chính là cơ sở vững chắc để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Nhìn lại năm 2021, Đại sứ cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiến hành bầu cử toàn dân và đặc biệt là ghi dấu ấn trên trường quốc tế với chiến dịch chống COVID-19 diễn ra song song với phát triển kinh tế-xã hội.

“Nhìn lại những gì đã qua, chúng ta có thể đặt niềm tin vào một tương lai sáng sủa. Trong không khí mùa Xuân và sự hân hoan của người Việt, tôi cảm nhận một điều gì đó mới mẻ rất đẹp đang đến.”

Đại sứ Saadi Salama

Đại sứ bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, đặc biệt là dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm 2022.

“Nhìn lại những gì đã qua, chúng ta có thể đặt niềm tin vào một tương lai sáng sủa. Trong không khí mùa Xuân và sự hân hoan của người Việt, tôi cảm nhận một điều gì đó mới mẻ rất đẹp đang đến,” ông chia sẻ.

Minh Thu
Minh Thu

(Vietnam+)