Mega Story

Đạo diễn ‘Những đứa trẻ trong sương’: Tôi yêu hiện thực đa sắc

17/02/2023 14:48

Theo chân một bé gái người Mông 13 tuổi, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã khắc họa thành công bức tranh tuổi thơ đứt gãy cùng hiện thực đa màu sắc quanh một đứa trẻ ở vùng cao Sa Pa.

80214970_139010380863579_7095401735245529088_n.jpeg
bia1text(3).jpg

Theo chân một bé gái người Mông 13 tuổi, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã khắc họa thành công bức tranh tuổi thơ đứt gãy cùng hiện thực đa màu sắc quanh một đứa trẻ ở vùng cao Sa Pa.


halediem_portrait1.jpg
Đạo diễn, nhà làm phim tài liệu Hà Lệ Diễm. (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)


Năm 2017, Hà Lệ Diễm quyết định cầm chiếc máy quay Sony “cục gạch” rong ruổi khắp vùng đồi núi phía Bắc để tìm kiếm câu chuyện, chất liệu cho bộ phim tài liệu mà cô ấp ủ bấy lâu.

Trong hành trình đó, rung động với khoảnh khắc vui đùa của những đứa trẻ ở Sa Pa (Lào Cai), cô gái sinh năm 1991 quyết định kể một câu chuyện về tuổi thơ biến mất của cô bé người dân tộc Mông 13 tuổi tên Di. Bộ phim dần thành hình theo từng bước chân Di trên con đường trưởng thành, mà ở đó, cô bé trải qua tục kéo vợ truyền thống của người Mông, đối mặt với vấn đề tảo hôn đầy rủi ro, bất trắc.

Sau gần 4 năm, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (tựa tiếng Anh: Children of the mist) ra đời và nhanh chóng ghi danh ở nhiều liên hoan phim quốc tế, nổi bật trong đó là IDFA (Hà Lan) – liên hoan phim tài liệu quốc tế lâu đời và uy tín nhất.

Báo chí, giới phê bình quốc tế đã hoàn toàn bị thuyết phục, mô tả bộ phim như một bức chân dung đồng cảm và đầy xúc động về tuổi thơ bị đứt gãy, một hiện thực cuộc sống đa sắc màu của những đứa trẻ vùng cao Việt Nam.

Tháng 12/2022, “Những đứa trẻ trong sương” trở thành phim Việt Nam hiếm hoi lọt danh sách rút gọn (được coi như vòng bán kết) của giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar. Tuy phải dừng chân tại đây, nhưng phim tiếp tục “rinh” nhiều giải thưởng khắp nơi trên thế giới, ở những liên hoan phim tôn vinh giá trị giáo dục, nhân văn.

Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm để khám phá những câu chuyện phía sau bộ phim và những trải nghiệm mà cô thu lượm được trên hành trình thú vị này.


Hiện thực đa sắc
khi xám xịt, khi rực rỡ

- Đâu là cơ duyên để Hà Lệ Diễm nảy ra ý tưởng làm bộ phim tài liệu đầy sắc màu này?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Năm 2017, tôi lên Sa Pa cùng một số bạn trẻ triển khai dự án “Chuyện của chúng mình - Our Stories Project” do nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông  (Action for Hmong Development - AHD) tổ chức. Từ đó tôi biết Di. Thấy tôi hay cầm máy để quay mọi thứ, Di rủ tôi đi quay em và các bạn.

Thế là một hôm, tôi mang máy theo bọn trẻ chơi vui trên sườn đồi, đóng giả các tình huống như đi làm ruộng đồng, đi chơi Tết, đi kéo vợ… y như người lớn, trong liền 4 giờ.

Về Hà Nội (nơi Hà Lệ Diễm sống và làm việc-PV), tôi nhớ lại ngày xưa mình đã vô tư thế nào. Rồi tôi chợt nhận ra tuổi thơ của bọn trẻ sẽ trôi đi rất nhanh, không gì có thể giữ lại được. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định làm phim về tuổi thơ và sự biến mất của nó, trong đó có cả cảm giác sợ hãi và cô đơn trên con đường trở thành người lớn.

Trailer "Những đứa trẻ trong sương." (Video: Film Movement)

- Hẳn có lý do đặc biệt nào đó để Diễm kiên trì đi theo cô bé này?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Ngay lúc đầu gặp, tôi đã thấy Di giống mình. Mặt em tròn tròn, tính cách dễ vui, dễ buồn, thích gì thì cười nói rất vui tươi.

Ngày xưa tôi cũng như vậy. Nhưng khi có biến cố lớn vào khoảng thời gian chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10, bà nội tôi mất rồi hai người bạn rất thân của tôi cũng phải nghỉ học để đi lấy chồng, tôi trở thành một người khác. Tôi dần thu mình, không nói chuyện nhiều với ai. Di cũng có một giai đoạn biến đổi như vậy khi em dần trưởng thành.

Di là một đứa trẻ thông minh, có sự khôn lanh của riêng em. Di cũng rất quan tâm đến người khác, có thể đoán ý rất nhanh, suy nghĩ rất già dặn. Nhưng khi lên lớp 9 – giai đoạn Di bắt đầu dùng điện thoại trong phim, cô bé rất hay gắt gỏng với bố mẹ. Bố của Di còn cảm thấy hoảng loạn vì không hiểu nổi con đang nghĩ gì trong đầu. Đó có lẽ cũng là thời điểm mà nhiều ông bố bà mẹ không thể nhận ra con mình.

Khi đứa trẻ lớn lên, nó bước sâu vào thế giới riêng của mình. Chúng không còn là trẻ thơ. Tôi coi Di như một người bạn, một đứa em gái. Nhưng bấy giờ, cô bé như một con tắc kè hoa, lúc thì kiểu này, lúc thì kiểu khác khiến tôi cũng không hiểu nổi.

306267648_172405938638689_881099597353752928_n.jpg
Di làm lồng đèn ông sao, một cảnh trong phim. (Ảnh: NVCC)

- Trong phim, cô bé Di phải đối mặt với tục kéo vợ khi mới 14, 15 tuổi. Từ câu chuyện của Di và những gì mà bản thân được biết, được tiếp xúc khi ở cộng đồng của Di, quan điểm của Hà Lệ Diễm về vấn đề này như thế nào?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Nhiều người Mông không coi kéo vợ là hủ tục, mà là phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông. Họ tin rằng người nam giới đầu tiên hỏi cưới mình là người tốt nhất, những người sau sẽ không tốt bằng.

Trong phim, khi là người bị kéo vợ, Di có một sự phản kháng nhất định, có cả sự phản đối bằng lời nói, thậm chí giãy giụa, gào khóc. Mẹ của Di cũng có một tâm lý rất phức tạp trong tình huống này, không rõ ràng là muốn giữ con lại hay gả con đi. Ở góc độ muốn giữ con lại, mẹ của Di sợ nếu bây giờ làm “căng” mọi chuyện thì sau này, đến khi đến khi em trai Di đi kéo vợ, người ta sẽ không nhìn mặt, nói xấu gia đình mình.

Nhưng bên cạnh đó, mẹ Di cũng tin rằng là khi được kéo vợ, con gái bà có nhiều quyền lực hơn trong cuộc hôn nhân sau này. Nếu bị chồng say rượu, đánh đập... cô gái có thể chạy về nhà bố mẹ, bởi cô gái có thể lấy lý do “ngày xưa em có thích anh đâu, anh kéo em đấy chứ...”

Các cảnh phim trong "Những đứa trẻ trong sương." (Ảnh: NVCC)

Khi tiếp xúc với thực tế xã hội quanh Di, tôi thấy rõ hơn sự phức tạp trong quan niệm của người Mông nơi đây. Ví dụ như khi một bạn nữ bị kéo nhưng không chấp nhận lấy người kéo mình, thì bạn nam đó cũng sẽ bị người khác chê cười.

Ngay cả khi mới kéo được vợ thôi, hai bên đã có thể gọi bố mẹ bên kia là bố, là mẹ rồi. Vì vậy khi đã đồng thuận với việc kéo vợ, bạn nam và bạn nữ đã được coi như vợ chồng. Sự chia tay sau đó sẽ giống như ly dị và hai người sẽ bị mang tiếng đã có 1 đời chồng/vợ.

Thế nhưng, cũng có những người cho rằng đây là hủ tục cần loại bỏ, mà đơn cử như ở gia đình chú của Di. Khi con gái bị kéo, người cha thể hiện sự không đồng tình và báo ngay cho công an xã, gọi cả thầy cô giáo đến để đưa con gái về ngay trong đêm. Bởi người cha quan niệm rằng con gái mình còn đang trong độ tuổi đi học, sau này khi học xong lớp 12 thì có thể lấy chồng nếu muốn…

Qua hiện thực mà tôi tiếp xúc, tôi nhận ra mỗi người không hoàn toàn tốt hay xấu, đúng hay sai, giống như thực tế không chỉ là thuần đen hay trắng. Thực tế đôi khi chỉ là màu xám, đôi khi lại rất rực rỡ. Những con người trong câu chuyện có hơi xấu một chút, hơi tốt một chút, hơi khó hiểu, hoặc ở giữa tất cả.

Theo tôi, những màu sắc ấy mới làm nên con người. Tôi muốn kể được sự phức tạp của cuộc sống, sự phức tạp của con người khi họ phải sống. Ở nhiều tình huống khác nhau, họ có màu sắc khác nhau và tôi thực sự yêu những màu sắc ấy.


"Phim tài liệu mở đường cho tôi ra thế giới"

- Dừng chân tại vòng danh sách rút gọn 15 phim xuất sắc nhất hạng mục phim tài liệu giải thưởng Oscar năm 2023, bạn có nuối tiếc gì không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Vào buổi sáng mà ban tổ chức Oscar công bố danh sách rút gọn 15 phim, tôi nhớ mình tỉnh dậy nhưng không cầm điện thoại ngay mà còn đi chơi. Đến khi bạn bè “nháo nhào” liên hệ và đi tìm để báo tin, tôi mới ngỡ ngàng.

Tất cả đều quá xa vời với tôi. Bấy giờ tôi nghĩ thầm “Mình đi được xa thế cơ à?” bởi khi làm, tôi đâu tính đến chuyện đạt giải thưởng, chỉ nghĩ “cứ làm thôi!”

Tôi mong mọi người hiểu không chỉ có duy nhất giải Oscar mới quý giá, mà còn rất nhiều giải thưởng khác nữa.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm

Tôi quan niệm khi đã làm xong phim là xong. Giờ đây, tôi coi bộ phim là một thực thể độc lập, có một đời sống riêng. Nó tồn tại như thế nào là do mọi người tự đánh giá theo ý kiến cá nhân.

Trong danh sách 5 phim tranh giải cuối cùng tại Oscar năm nay, tôi có biết 2 dự án vì đã quen các tác giả từ những chuyến trao đổi quốc tế về phim tài liệu trước đây.

Có bộ phim về những đứa trẻ trong trại tị nạn do chiến tranh tại Ukraine, cả rạp chỉ xem 10 phút đã dàn dụa nước mắt; có bộ phim của đạo diễn người Ấn Độ được một hãng khổng lồ như HBO sản xuất… Tôi hiểu những phim được chọn đều mang vấn đề toàn cầu, bởi chúng có tư tưởng và câu chuyện mang tầm ảnh hưởng rất lớn.

Vì vậy khi các bạn động viên, tôi đều nói tôi không buồn, một phần vì mình vẫn được rất nhiều giải thưởng khác công nhận. Tôi cũng mong mọi người nhận ra không chỉ có duy nhất Oscar mới quý giá mà còn nhiều giải thưởng khác. Vậy nên tôi thấy vui vẻ, không buồn đâu!

- “Những đứa trẻ trong sương” đã mang đến cho Diễm nhiều giải thưởng quốc tế, đưa bạn ra thế giới. Có cánh cửa mới mẻ nào khác đang mở ra cho Diễm từ đây không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Nhiều lắm! Tôi làm báo từ năm 2013 nhưng ngay từ thời điểm đó, tôi đã thích làm những gì liên quan đến phim tài liệu. Tôi thường tự cầm máy đi quay nhân vật, làm những phóng sự ngắn chỉ 5-10 phút. Các đề tài tôi chọn đều gần với đời sống. Tôi luôn nghĩ thích làm phim tài liệu, thích cầm máy quay hơn làm báo.

Trước hết, việc làm phim cho tôi nhiều thời gian hơn để kể câu chuyện mình muốn. Tôi được tự do hơn, được chu du khắp nơi với đủ những câu chuyện hiện thực, vừa đi làm phim vừa kiếm tiền, vừa dành thời gian cho gia đình, bản thân lại được đi học nhiều thứ khác... Nhờ vậy, cuộc sống tinh thần của tôi giàu có thêm.

331415307_3419760094915568_5882128708644329381_n.jpg
Hà Lệ Diễm tại Liên hoan phim quốc tế Tournai Ramdam (Bỉ) đầu năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Làm phim tài liệu, tôi thấy mình luôn phải học. Tôi làm phim về người Mông thì tôi phải tìm hiểu đủ thứ về lịch sử văn hóa người Mông, nguồn gốc, sự cư trú của họ. Họ có nhân sinh quan thế nào, vì sao lại ở những vùng núi rất xa người khác như vậy, rồi vì sao có cả sự di cư của họ sang Mỹ… tôi phải đọc để biết hết.

Có thể nói, phim tài liệu đã mở đường cho tôi ra thế giới. Có những liên hoan phim quốc tế, ban tổ chức vừa nhận phim dự thi, vừa mời tác giả tới tham quan nước họ. Từ đó, tôi có cơ hội đến nhiều liên hoan phim, xem những bộ phim mà hiếm ở đâu chiếu. Ví dụ như lần tôi được xem Abbas Kiarostami (một đạo diễn lừng danh người Iran, 1940-2016) cùng những thước phim tài liệu ông quay ở thời còn dùng phim nhựa, được xem trên một rạp tiêu chuẩn khiến tôi rất xúc động...

Tôi yêu phim. Và tôi thấy phim tài liệu cũng có thể có chất điện ảnh, hấp dẫn không kém phim truyện. Dù cũng có những phim tài liệu “ảo diệu” lắm, chẳng biết thật-ảo thế nào, hay có phim phức tạp tới mức tôi xem mà không hiểu gì…

Nhưng cũng có những phim thú vị khiến mình đắm chìm trong thế giới của nó. Những phim ấy còn hấp dẫn hơn phim truyện, bởi nó kể về những con người thực, việc thực đã xảy ra như thế nào.

- Yêu mến trẻ em như vậy, phải chăng những dự án trong tương lai của Diễm vẫn sẽ xoay quanh nhóm đối tượng này?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Tôi vẫn thích làm việc với trẻ con, được chơi những trò mà có lẽ người lớn cho là vô bổ. Được chăn trâu cắt cỏ thôi cũng vui! Nhiều lúc tôi cảm thấy mình chơi chưa đã nên vẫn thích làm việc với trẻ con. Nhưng ở một mặt nào đó, sau khi làm phim về Di, tôi thấy mình thay đổi và trưởng thành lên nhiều.

Có thể tôi vẫn sẽ làm phim về trẻ con. Có thể là người trẻ. Đợt trước tôi đã đi một chuyến từ Tây Nguyên đến Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam rồi lại đi ngược lên Quảng Trị nhưng chưa tìm được nhân vật nào mình muốn ghi hình lại. Và tôi cũng thích Hà Giang, Cao Bằng vì cảnh đẹp, hợp với mình…, nhưng hiện tại tôi vẫn đang trên hành trình đi tìm chất liệu cho bộ phim tiếp theo của mình.

Cảm ơn Hà Lệ Diễm về cuộc trao đổi!


Gần 3 năm sau khi Hà Lệ Diễm đóng máy, Di đã hoàn thành chương trình học phổ thông. Cô gái trưởng thành, giờ đây hơn 19 tuổi, đã kết hôn và sinh được một bé gái xinh xắn. Bên cạnh dự kiến tiếp tục đi học trong năm sau, Di cùng mẹ ruột đã lập một fanpage Facebook nhỏ để bán đồ thủ công.

Với “Những đứa trẻ trong sương,” bộ phim vẫn tiếp tục chu du nhiều giải thưởng quốc tế như giải Claren cho phim tài liệu ở đề tài nhân văn tại Liên hoan phim Cinéma du Réel (Pháp), giải cho dự án thay đổi góc nhìn tại Liên hoan phim Vision du Réel (Thụy Sỹ), giải của ban giám khảo tại Liên hoan phim One World (Liên hoan phim Một Thế giới, Séc)…

Trong tháng 3/2023, “Những đứa trẻ trong sương” sẽ xuất hiện trên sóng chương trình POV thuộc đài PBS của Mỹ. Hàng năm, POV sẽ phát sóng 14-16 phim phi hư cấu ấn tượng nhất, được chọn lọc trên toàn thế giới, liên quan đến hành trình con người đối mặt với các vấn đề đương đại.

Cùng lúc, bộ phim đang tìm kiếm những cơ hội, kinh phí để được chiếu tại Việt Nam trong năm 2023./.

Thực hiện: Minh Anh


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đạo diễn ‘Những đứa trẻ trong sương’: Tôi yêu hiện thực đa sắc