Cung đường sắt chạy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh dài gần 20km cắt ngang nhiều giao lộ như Trần Khắc Chân, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hưu. Tại đây, nhiều người có thể nhận ra ngay những dãy nhà nhỏ nhắn, ẩn hiện tạo thành những 'xóm đường tàu'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cũng giống như các xóm đường tàu khác của Sài Gòn, xóm giao lộ đường Chiến Thắng và Trần Khắc Chân (Quận Phú Nhuận) khá nhộn nhịp dù là ngày hay đêm. Mỗi ngày có khoảng 10 chuyến tàu chạy qua. Ở đây, chuyện nghe thấy tiếng còi tàu là điều hết sức bình thường. Thế nhưng dù đã quen như thế, người dân ở đây vẫn rất vui khi nhìn thấy sự xuất hiện của những chuyến tàu, dù cho họ không hề sống bám vào nó. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con tàu cứ đi theo đúng lịch trình, không ngày nào ngơi nghỉ, còn người dân hai bên đường cứ lặng lẽ, bình thản sống cuộc sống của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi ngày trôi qua là một ngày người dân nơi đây sống chung, ăn, ngủ cùng những chuyến tàu. Ánh sáng, mùi dầu, tiếng còi, tiếng bánh tàu nghiến ken két như đã hóa thân thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên trong lòng những ngóc ngách chật chội của một xóm đường tàu là một nhịp sống rất yên bình, chậm rãi. Với những người lao động nơi đây, con tàu là hình ảnh quen thuộc và chẳng ai nghĩ, việc sống ngay sát mép đường ray này là một điều gì đó thực sự nguy hiểm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều người vẫn nghĩ sống cạnh đường ray với hằng hà những chuyến xe lửa xình xịch lao đi ầm ầm như sẵn sàng san ủi mọi thứ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thậm chỉ một số nơi tàu đi qua chỉ cách nhà dân chừng 5, 6 mét nhưng nó vẫn trở thành nơi mọi người sinh hoạt, trồng rau như mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như vậy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hình như người dân ở đây đã xem tiếng tàu hỏa kia kia cũng quen thuộc như việc mỗi sáng thức dậy phải đi học, đi làm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sài Gòn bề nổi là một thành phố lộng lẫy, sực nức mùi thơm và những nhà hàng tiệm ăn sang trọng. Nhưng vẫn còn đó một Sài Gòn của những người lao động sống trong những con hẻm nhỏ đầy bụi bặm, cáu bẩn như xóm đường tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo người dân đã sống ở xóm đường ray này cho biết, tại đây hầu hết đều di cư từ Bắc vào những năm 54. Ngày đó nhà cửa thưa thớt, chỉ có mỗi đường ray bao bọc bởi cánh đồng bao la mà ở đó mỗi chiều, người ta tụ họp nhau rôm rả như một sân chơi sinh hoạt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nếu như đi lạc vào đây, không cẩn thận bạn sẽ tưởng như mình lạc vào một con phố nào đó ngoài miền Bắc. Người dân nơi đây bao năm nay vẫn giữ cho mình tiếng 'địa phương' đặc sệt và không pha lẫn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với những người sinh ra và lớn lên cạnh đường tàu này, mỗi ngõ ngách, mỗi con hẻm ở đây đều là một phần của ký ức. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô Ngô Thị Hồng vốn là người Nam Định gốc đã bán hủ tiếu hơn 30 năm cạnh đường ray tâm sự, ngày xưa chưa có hàng rào, mỗi chiều người ta hay tụ tập, cười đùa nói chuyện với nhau vui lắm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

10 giờ sáng, tiếng chuông kêu leng keng, tiếng còi hú từ xa. Dăm phút sau, con tàu chạy băng băng như một con thú hung mãnh. Đứng nép sát vào những ngôi nhà cạnh đường ray vẫn cảm nhận rõ tiếng đất rung bần bật. Cái âm thanh nghe qua đã thấy sợ đó từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây suốt mấy mươi năm qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chờ cho tiếng xình xịch đi xa thì mọi thứ lại tiếp diễn, như chưa hề có một chuyến xe nào vừa ngang qua đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cách đây độ hơn chục năm, những người dân xóm đường tàu vì nhường đất giải tỏa để dựng hàng rào an toàn đường sắt nên nhà nào cũng bị lùi sâu vào bên trong vài mét. Nhiều ngôi nhà vẫn còn dấu tích của những mảng tường chưa bị phá bỏ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều người còn quen thuộc đến nỗi biết được giờ chạy của xe lửa, cứ tầm đó ngoảnh mặt ra 'hóng' tàu. Họ lặng lẽ nhìn đoàn tàu vun vút lao qua, thầm gửi một lời chào tới cố hương qua các ô cửa kính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiếng tàu hỏa cũng như tiếng còi xe hay vài ba âm thanh náo nhiệt của đường phố, cái ồn ào của nó chỉ xuất hiện vài giây ngắn ngủi rồi đi mất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhịp sống nơi đây bao nhiêu năm qua vẫn thế, vẫn bình yên và êm dịu đến lạ lùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chú Bùi Văn Thông (75 tuổi) đang cần mẫn đi nhặt từng cọng rác, túi nilon. Chú Thông đã sống bên đường tàu này hơn 40 năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đa phần người dân ở đây sống trong những ngôi nhà chật chội vỏn vẹn từ 10m2. Những đứa trẻ được sinh ra ở đây rồi sẽ quen với sự chật chội, sẽ sống, ăn và ngủ cùng những chuyến tàu như ông bà cha mẹ chúng đã từng như vậy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bài trước Bài tiếp