Đến ga Sài Gòn, khách đi tàu sẽ có được một trải nghiệm khá khác biệt. Sân ga rộng rãi, thoáng đãng. Rất ít cảnh xe ôm chèo kéo người đi. Dãy hàng quán được sắp xếp nằm gọn ghẽ, dọc hai bên hông hệ thống đường ray cũng khá thưa vắng người.

Từ cổng nhìn vào, khu đặt đầu tàu Tự Lực mang số hiệu 141-158 nổi bật, thu hút mọi ánh mắt nhìn. Lật giở lại lịch sử, đây là chiếc đầu máy hỏa xa lịch sử gắn liền với công cuộc tái thiết đất nước sau ngày giải phóng. Năm 1976, Tự Lực đã kéo theo mình đoàn tàu đầu tiên chạy thông tuyến đường sắt Bắc Nam.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đầu tàu 141-158 được đặt lưu niệm tại ga Sài Gòn và vô tình lại trở thành nhà của gần chục “cư dân” đặc biệt: Mèo.

Mèo bị bỏ rơi từ nhiều nơi được hai người đàn bà tốt bụng, có phần hơi lập dị nhặt đem về nuôi dưới gầm Tự Lực. Đàn mèo sinh con, đẻ cái rồi dần dần trở thành chủ nhân của khoảng sân vốn chỉ dành để tri ân “cụ đầu kéo” lịch sử.

Câu chuyện về những cư dân đặc biệt ở sân ga cuối trong hành trình hỏa xa Bắc-Nam, thật ra cũng là câu chuyện về lòng tốt giản đơn đến nao lòng của người dân tại thành phố phồn hoa đô hội này.

Không ai biết bà tên là gì. Cũng chẳng mấy người rỗi hơi hỏi han xem bà ở đâu tới. Dân quanh ga chỉ quen với việc, cứ độ 5 giờ chiều hàng ngày, một chiếc xe đạp kẽo kẹt lọt thỏm giữa phố đông loạng choạng rẽ vào sân ga, phía trước lủng lẳng treo đầy những túi chứa đầy cơm và cá.

Người đàn bà luống tuổi, chân đi dép lê, tóc lốm đốm bạc xấp ngửa, loay hoay khóa chặt chiếc xe vào rào sắt bao quanh khu đặt đầu máy Tự Lực. Từ tứ phía xung quanh, lũ mèo hoang thoáng thấy bóng người thì vội vã chạy lại, “ngoeo ngoeo” không ngớt. Đã tới giờ chúng được cho ăn....

Từ 3-4 năm nay, bà lão Mèo - theo cách chúng tôi hình dung và tạm định danh - bất kể nắng hay mưa vẫn cặm cụi làm công việc không giống ai như thế.

Trút từng túi cơm đã trộn sẵn cá thịt ra thành từng phần gọn ghẽ ngay trên thanh tà vẹt cũ kỹ, bà Mèo chịp chịp miệng gọi những cư dân đặc biệt nhất trong sân ga thênh thang. Từ các hốc, các bánh sắt bóng loáng của đầu tầu Tự Lực, lũ mèo lớn, nhỏ nhao nhao ùa vào tranh nhau ăn.

“Đấy, con lớn nhất, mắt xanh, lông có khoang hơi tím tím là con đầu tiên được đưa về đây từ lúc còn bé xíu. Giờ nó già, to hơn rồi nên khó bế. Còn mấy đứa kia thì mới có 2 tuổi thôi,” bà Mèo vừa lúi cúi vuốt ve một chú nhóc tam thể bé như nắm tay đang vục miệng vào phần cơm, vừa kể như tự nói.

Cách đây chừng vài năm, bà lão Mèo thấy Mắt Xanh, con mèo già nhất nhì bây giờ bị vứt chỏng chơ ngoài đường. Bà nhặt Mắt Xanh, nhưng không thể đem về nhà vì còn nuôi hai chú chó. Thế là bà đưa nó về ở tạm dưới gầm chiếc đầu máy lịch sử. Rồi thêm Đuôi Cụt, Vàng... được một tay bà “di cư” khắp nơi về với sân ga. Ngày nào, bà cũng ra chợ, mua 20 ngàn tiền cá về nấu nấu, trộn trộn rồi kẽo kẹt còng lưng trên xe đạp mang ra cho chúng.

“Nhìn chúng nó bị bỏ rơi, tôi thương lắm. Nên mang về đây chăm. Có khi tiền ăn cho bọn này còn tốn hơn tiền ăn cho chính tôi,” bà lão thật thà kể. Theo thời gian, Mèo trở thành những chủ nhân đặc biệt trong khu kỷ niệm đầu máy Tự Lực. Những gia đình nhỏ dần sinh sôi. Chúng thảnh thơi ngồi vắt vẻo trên trục truyền lực, luồn lách lên các toa, các két chứa hơi nước ngày nào.

Có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với người phụ nữ này chính là nhìn thấy những chú mèo hoang được sống, được chăm sóc như những con mèo nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người đàn bà cần mẫn gắp từng chút thịt cá nhỏ cho những chú mèo hoang dưới gầm đầu máy xe lửa.

Cứ mỗi chiều, người đàn bà này lại mang từng chút thức ăn mà mình chuẩn bị sẵn mang đến nuôi những chú mèo.

Những chú mèo dưới đầu máy Tự Lực dường như đã quen với việc mỗi ngày có người mang thức ăn đến cho chúng.

Chú mèo con mới được sinh ra tại đây nhưng đã rất dạn người.

Mặc cho hàng chục ánh mắt vây lấy xung quanh, chúng vẫn điềm nhiên chơi đùa.

Người tốt bụng nào đó còn dựng cho chúng một căn nhà nhỏ bằng những mảnh ván ghép để những 'cư dân' tại đây được sống một cách an toàn.

Gầm đầu máy xe lửa Tự Lực trước cổng ga Sài Gòn đã trở thành một căn nhà đúng nghĩa cho đàn mèo.

Từng chút nước cũng được người đàn bà kia chuẩn bị để những chú mèo không phải mò mẫm tìm kiếm bên ngoài.

Chú mèo con là một 'công dân' mới được sinh ra ở đây.

Không những được cho ăn uống, những chú mèo này còn được bà lão Mèo tắm táp cho thường xuyên nên nhìn rất sạch sẽ, nhìn qua không ai nghĩ đây là mèo hoang.

Nói đoạn, bà gạt nốt chỗ thức ăn thừa dồn vào một góc, nhìn lũ mèo đã no nê rồi đứng dậy ra về.

Đặc biệt, bầy mèo sân ga ở đây rất dạn người. Thấy khách tới thăm quan Tự Lực, cả lũ uốn éo sát lại gần... xin ăn. - “Có ai trả công cho bà để chăm mèo không?,” chúng tôi hỏi. - “Không có đâu. Tôi thấy chúng nó thương quá nên tự làm. Con cái ở nhà la rầy suốt đấy,” bà lão đáp.

Ngoài bà lão Mèo, những cư dân đặc biệt của sân ga còn có một người “đỡ đầu” không kém phần tốt bụng. Cô tên là Ánh Hồng, người gốc xứ dừa Bến Tre, lên Sài Gòn phụ rửa ly cho quán cafe gần bến tàu. Chiều chiều, hết giờ làm, người phụ nữ ấy lại ra khoảng sân đặt đầu hoả xa Tự Lực lịch sử để.... nhặt rác và lấy nước cho Mèo.

Khu kỷ niệm đầu tàu số hiệu 141-158 vốn được quy hoạch khang trang án ngữ ngay khu nhà hành chính. Khi xây dựng, các kỹ sư và công nhân thực hiện đã đắp nổi thành một ngọn đồi nhỏ, trồng kín cỏ. Tự Lực nằm ngay ngắn, hiên ngang trên một đoạn đường rày cũ. Công trình được bao quanh bởi một dãy rào sắt thưa với khuôn viên khá rộng rãi. Đây là địa điểm nổi bật thường được du khách thăm quan mỗi lần đến với ga Sài Gòn.

4 giờ chiều, chị Ánh Hồng sau giờ rửa ly thuê lại vào Tự Lực để vừa chăm vừa chơi với mèo.

Thấy tấm bạt bên trên đầy lá, người phụ nữ 35 tuổi nhào tới, vơ đống lá nhét đầy các túi nilong cỡ lớn. Xong việc, cô lại đi quanh, gom nhặt những vỏ chai, bao thuốc bị người ta vứt la liệt quanh đầu tàu chứng nhân lịch sử.

“Có ai thuê chị làm việc này không?,” tôi hỏi

“Không ai thuê em cả. Em tự làm thôi,” Ánh Hồng ngây ngây đáp.

“Chị làm được bao lâu rồi?”

“Cũng vài năm chi đó anh. Nhặt rác xong, em sang để bên gốc cây bên kia kìa,”

Hồng hướng ánh mắt, trỏ tay sang khu tập kết rác mé trái nhà ga.

Người phụ nữ Bến Tre có vẻ không tỉnh táo và khá... chậm. Trước mỗi câu hỏi, chị thường nghĩ rất lâu mới trả lời được. Nhưng ngày ngày, cô vẫn âm thầm nhặt nhạnh quanh khu tưởng niệm, giống như đấy là một phần trách nhiệm của mình.

Nhặt chán, dọn chán, khi đã thảnh thơi, Ánh Hồng leo lên quả đồi đặt đầu máy, mang ca, bát nhựa hứng nước cho bầy mèo. Cô bảo: Bà lão cho ăn, còn em cho uống. Rồi cô hồn nhiên khoe: “Em thấy chúng nó đông quá, mà không có chỗ nằm, nên mang cả kính, gỗ lót dưới nữa.”

Ngày nào chị Ánh Hồng cũng chơi với những người bạn của mình đến tối mịt mới về.

Ngày nào, cô cũng đều đều làm những việc ấy mà không biết chán. Chỉ tới khi sân ga lác đác lên đèn, cô mới tha thẩn đi bộ trở về.

Bà lão Mèo, cô... lẩn thẩn nhặt rác và bầy chủ nhân kêu ngoeo ngoeo cứ thế hồn nhiên tồn tại, hồn nhiên làm những việc mình cho là đúng. Có người bảo họ… điên, không bình thường. Nhưng họ đều gạt ngoài tai. Khách đến và đi quen dần với họ như một phần không thể tách rời của ga.

Ngày nào chị Ánh Hồng cũng chơi với những người bạn của mình đến tối mịt mới về.

Không chỉ bà lão Mèo, còn có một vị khách nữa cũng rất đặc biệt khi chiều nào cũng ra khuôn viên chơi với những chú mèo.

Không chỉ bà lão Mèo, còn có một vị khách nữa cũng rất đặc biệt khi chiều nào cũng ra khuôn viên chơi với những chú mèo.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều đứa trẻ tỏ ra thích thú khi đi qua dừng lại ngắm những cư dân đặc biệt ở đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến Sài Gòn, nghe chuyện hai người đàn bà chăm mèo hoang, chúng tôi chợt nghĩ đến lòng tốt hồn hậu của con người Nam Bộ. Đó là thứ lòng tốt không cần trả giá, không cần ai khen thưởng. Nó tạo nên một nhịp điệu, bản sắc rất riêng và yên bình cho điểm tàu dừng cuối cùng trên hành trình hỏa xa Bắc-Nam...