Khoang lái vẫn hầm hập nóng. Gió rát rạt từ mặt đường hất thẳng vào bên trong khiến tài chính Phạm Quốc Trung khẽ nhăn nhăn trán. Sát ngay bên cạnh, Huy, phụ lái vẫn đăm đăm nhìn về hàng ray hun hút phía trước, mặc mồ hôi đã đầm đìa. Hơi dầu mỡ nồng nặc hơn trong không khí ngột ngạt của khoang tàu trên cung đường sắt Đà Nẵng-Bình Định.

Trung bảo: Nghề này bình thường thì không sao, nhưng cứ có sự cố hay chậm trễ là tổ lái lại là những người chịu trách nhiệm đầu tiên.

“Cực nhọc và áp lực lắm chứ,” Trung cười buồn thành thật.

Phạm Quốc Trung năm nay 33 tuổi nhưng đã có tới gần nửa đời gắn mình với nghiệp “cầm cương” trên những đoàn tàu thiên lý. Da nhám nâu bánh mật, anh cười lành lẽ khi biết chúng tôi có ý định viết về nghề của mình.

“Cái nghề này thì có gì để nói đâu, quanh năm cứ xa nhà mà ôm buồng lái. Ngoảnh tới ngoảnh lui cũng chỉ có hai anh em trong đầu máy ồn ào, nóng nực…,” Trung bắt đầu mở lời.

Các lái tàu từ lâu đã coi buồng lái là ngôi nhà mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ suốt 12 năm nay, Trung đã tự coi căn buồng lái chật hẹp và oi nồng này như mái nhà chính của mình. Anh lẩm nhẩm tự tính, rồi thở đánh sượt: “Đấy, thời gian ôm vô lăng chính ra còn nhiều hơn nằm với vợ. Tháng có 30 ngày thì tới 22 ngày đã phải lên ban rồi.”

“Nhà” trong khái niệm của những người “cầm cương” điều khiển đoàn hoả xa thiên lý có lối “kiến trúc” hết sức đặc thù với nội thất chỉ toàn… máy móc, cần số và bảng điều khiển. Mặc dù được trang bị điều hoà nhưng chủ nhân của căn hộ máy móc ấy lại thường mở cửa để… tiết kiệm điện. Thế nên, ngồi trong cơ ngơi này, cả chủ nhà lẫn khách đường xa đều mướt mồ hôi vì hơi nóng hầm hập giữa trưa theo gió lùa vào.

Để có thể “tạm sở hữu” căn nhà di động này, những thợ lái như Trung phải trải qua cả một giai đoạn thử thách rất dài.

Kể về những ngày đầu tiên chập chững với nghề, gã cười ha hả: “Này nhé, 3 năm đi học, cộng thêm quãng thực tập, phụ lái dài để đảm bảo hàng chục ngàn cây số an toàn thì mới lên được lái chính.”

Anh Huy, phụ lái tàu với 7 năm kinh nghiệm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngồi ngay bên cạnh, Nguyễn Hữu Huy, phụ lái tàu với 7 năm kinh nghiệm đang căng mắt, đăm đăm nhìn vào đoạn đường ray hun hút phía trước. Lái phụ như Huy được xem như là "hoa tiêu" của cả chuyến hành trình; tay lúc nào cũng phải chực bấm hàng chục nút điều khiển. Mỗi lần qua một ga, Huy lại hì hịu phải ghi chép lại thời gian, số liệu của chặng đường. "Tiếng là phụ lái nhưng thực chất trách nhiệm của mình quan trọng như lái chính," Huy chia sẻ.

Sau tràng cười sảng khoái, không khí chợt lắng xuống. Không ai bảo ai, hai gã chủ nhân của đầu máy Đổi mới khe khẽ thở dài. Một nỗi nhớ nhà vô hình len lỏi vào tận sâu bên trong họ. Vì công việc bận rộn, nên toàn bộ việc lớn bé trong nhà các anh đều phó mặc lại cho vợ, cho con.

“Nói vui thì thế, nhưng tất cả chúng tôi, từ lái chính, lái phụ hay tổ tiếp viên đều canh cánh vì vợ con ở nhà anh ạ,” Huy thành thật.

Buồn nhất phải kể đến những năm đầu “ôm lái” đúng dịp Tết đến, xuân về. Khi ấy, chỉ hai gã đàn ông im lặng trong toa tầu trên dặm đường thiên lý, trong khi mọi người xúng xính áo quần, tay cầm cành đào, hộp mứt về quê. Trung bảo: Nhìn cảnh đó, anh em buồn lắm. Phải tới mãi về sau anh mới có thể quen dần khi tự dặn lòng: Mình chấp nhận bỏ niềm vui của cá nhân để người khác được hạnh phúc.

Khoang lái bắt đầu chao đảo theo độ nghiêng của cung đường. Chiếc áo màu xanh của tổ lái ướt đầm mồ hôi. Đoàn tàu cua qua một đường cong hẹp. Tiếng đầu máy vẫn rầm rì, gió vẫn rít bên tai nhưng cả khoang lái như ngột ngạt trong sự thinh lặng đến tê người.

Tàu chạy chừng 10 phút, tài xế chầm chậm xoay vôlăng sang phải, đoàn hoả xa bắt đầu tăng tốc sầm sập lao về phía trước. Kim đồng hồ tốc độ từ 20 km/h nhanh chóng đẩy lên 60 rồi 80 km/h. Bánh tàu rít lên ken két, khoang máy rung nhẹ. Tiếng động cơ vang rền, gió phần phật đập vào 2 khung cửa kính.

Trung cho biết: Hiện nay, mỗi chuyến tàu Bắc - Nam sẽ có 6 kíp gồm 1 lái chính và 1 lái phụ, mỗi kíp sẽ chạy tàu trong 6 tiếng và chỉ có 10 -15 phút nghỉ tại các ga lớn. Chính vì vậy, khi đã lên ban, áp lực dành cho họ cũng vô cùng lớn.

Những áp lực vô hình như thời gian, an toàn giao thông luôn đè nặng lên người lái tàu (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Quả thật vậy, mỗi khi lên buồng lái cả hai tài xế đều làm việc với cường độ công việc hết sức căng thẳng. Ngoài những thao tác điều chỉnh vôlăng, nắm cần hãm phanh, liên tục ấn vào nút chống ngủ gật thì tài xế còn buộc phải thuộc từng đường lên, dốc xuống để canh vận tốc tuyến sao cho phù hợp.

Vận hành trên hệ thống hạ tầng có cả trăm năm tuổi, đầu tàu có độ rung rắc lớn, nhất là khi đi vào những đường cong đầy bất trắc nhưng với lái tàu có kinh nghiệm đó vẫn là chuyện bình thường.

"Phía trước có đường ngang," lái phụ Huy nhắc, trong chốc lát đoàn tàu xả gió ào ạt rồi giảm dần về 15 km/h. Phía xa, nhân viên đường sắt đang căng cờ báo hiệu.

Anh Huy thở dài: "Mỗi lần giảm tốc đến lúc đạt tốc độ trước đó mất 3 phút. Nhiều đường ngang dân sinh như thế này khiến tàu không phải lúc nào cũng về ga đúng giờ được'.

Điều thử thách với những lái tàu như anh Trung nhất chính là thời điểm trước khi băng qua những đường ngang, đặc biệt là đường ngang dân sinh không có gác chắn.

Những pha cắt mặt tại đường ngang dân sinh – còn ngoạn mục hơn cả trong phim hành động - không hề hiếm và chẳng ai biết sẽ có cái gì băng qua bất kể lúc nào tại các điểm khuất tầm nhìn. Điều này còn trở lên khó lường hơn vào ban đêm hoặc trời mưa.

Lái tàu phải liên tục căng mắt tập trung nhìn về phía trước

Lái chính bên trái, lái phụ bên phải, cả hai luôn căng mắt, thậm chí nhoài người ra quan sát. Tiếng còi tàu liên tục vang trong lúc lái chính một tay trực sẵn ở cần hãm. Đằng sau mỗi đường ngang là một tiếng thở phào nhẹ nhõm.

"Gặp tai nạn thì mình gặp nhiều, tông xe ôtô cũng có, tông người cũng có. Những chuyện đó là rủi ro, mình không muốn nhưng họ vẫn cố tình, vì cự li quá ngắn mình không phanh kịp. Nhiều lái tàu bị ám ảnh suốt đời, lương tâm họ không muốn tai nạn nhưng vẫn xảy ra," quệt vội giọt mồ hôi chảy dài trên trán, anh Trung thổ lộ.

Lái phụ Huy, lúc này thủng thẳng tiết lộ: Cái đầu tàu mà chúng tôi đang ngồi cách đây 7 năm đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc tại Hà Nam khi một chiếc xe tải đâm nát đầu tàu, cả khoang lái bẹp rúm, lái chính và lái phụ bị thương nặng.

“Nếu có gan, hãy thử làm lái tàu!”, gã lái chính bỗng cười phớ lớ tự trào lộng chính mình.

Cuốn sổ tay lái tàu như 'cuốn sổ sinh tử' ghi chép giờ tàu chạy qua các ga. Chỉ cần sai lệch vài phút, hậu quả rất khôn lường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chuyến tàu lăn chậm dần về phía ga Tam Kỳ, hành khách đã sẵn sàng dừng chân đi xuống và ở đây thì dù thấm mệt nhưng ban lái vẫn tỉnh táo làm việc để đảm bảo chuyến tàu về ga đúng giờ theo biểu đồ được kẻ . 

Phía dưới sân ga tràn ngập tiếng cười, tiếng hò reo của những hành khách đã đợi tàu từ lâu. Dường như không một ai, không một cái nhìn nào hướng về phía đầu tàu, nơi có những người vừa đưa họ vượt cả nghìn cây số về tới đích.

Hai lái tàu thở phào, lặng lẽ rời khoang máy, tấm lưng mướt mải mồ hôi của cả hai tài xế như oằn xuống. Thế nhưng, cả lái chính và lái phụ như anh Trung anh Huy vẫn cảm thấy vui vẻ, vì điều quan trọng với họ là chuyến tàu đã về đích an toàn, không gặp rủi ro nào trên đường.