Mega Story

Đầu tư chứng khoán: Tính toán kỹ, không để “tiền rơi”

15/12/2022 13:22

Tâm lý của nhà đầu tư cá nhân đã ảnh hưởng rất lớn đến những thay đổi “đột biến” trên thị trường chứng khoán.

_cuoi_phien_vn-index_-boc_hoi-_gan_18_diem_6357938.jpg

Thị trường chứng khoán bước vào tháng cuối cùng của năm 2023 trong một diễn biến “bùng nổ” - ghi nhận sự phục hồi kỷ lục của VN-Index từ đáy 911,9 điểm (ngày 15/11) lên thẳng một mạch 1.093,67 điểm (ngày 5/12), cộng 181,77 điểm (tăng 20%).

Hiện tại, VN-Index đang ở mức 1.055 điểm (ngày 15/12) và tạo tâm lý khá tốt cho các nhà đầu tư. Trước những diễn biến trên, câu chuyện về tìm kiếm tăng trưởng trước thềm năm mới 2023 đâu đó đã bắt đầu được nhắc đến...

Càng bắt đáy, càng “xa bờ”

Thực tế cho thấy tâm lý của nhà đầu tư cá nhân đã ảnh hưởng rất lớn đến những biến động “đột biến” trên thị trường chứng khoán. Trạng thái tâm lý hưng phấn hay tiêu cực có sức lan tỏa mạnh mẽ và đỉnh điểm là dẫn đến những quyết định đầu tư theo cùng một hướng (tranh mua hoặc tranh bán).

_doanh_nghiep_ben_vung_2021_5865779.jpg
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư trong nước đã trải qua những giai đoạn “cảm xúc” vô cùng khó khăn khi VN-Index điều chỉnh giảm có thể nói là quá đà. (Ảnh: TTXVN)

Thời điểm tháng 10/2021, chị Nguyễn Thanh T (một công chức) bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán do có một người bạn thân chia sẻ chồng cô ấy kiếm hàng tỷ đồng trong một năm qua nhờ đầu tư chứng khoán. Và, anh này đã lập một nhóm những người họ hàng trên thành phố và ở quê trên Zalo với mục đích đầu tư (mua-bán) mã chứng khoán nào sẽ thông tin để giúp cho người thân cùng kiếm tiền.

Niềm tin của các nhà đầu tư bị “bao vây” từ những tin tức về những sai phạm và bị khởi tố, dẫn đến yếu tố “tâm lý đám đông” và ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của họ, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Chị T quyết định tham gia trên cơ sở theo dõi nhóm Zalo đó. Ban đầu, chị đầu tư 600 triệu đồng và ghi nhận ngay khoản lợi nhuận 80 triệu đồng trong tuần thứ nhất. Với niềm vui và sự tin tưởng về khả năng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán, chị T chia sẻ và tư vấn người thân trong nhà cùng đầu tư.

Vốn là một người phụ nữ thận trọng và có uy tín nên câu chuyện về thành công và sự mạnh dạn của chị T đã nhanh chóng thuyết phục được người thân và đồng nghiệp cùng tham gia.

_san_tap_doan_bao_viet_dat_gan_170000_ty_dong_6037133.jpg
Niềm tin của các nhà đầu tư bị “bao vây” từ những tin tức về những sai phạm và bị khởi tố. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, với việc thị trường suy giảm, tới thời điểm này (11/12/2022), tài khoản của chị T chì còn hơn 200 triệu đồng trong khi chị đã đầu tư tổng cộng 1,2 tỷ đồng (qua hoạt động mua vào, cắt lỗ và bắt đáy).

“Do thua lỗ quá nhiều nên tôi quyết định không rút ra khỏi thị trường và hướng tới mục tiêu dài hạn hơn,” chị T nói.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư trong nước đã trải qua những giai đoạn “cảm xúc” vô cùng khó khăn khi VN-Index điều chỉnh giảm có thể nói là quá đà, từ đỉnh cao nhất trong lịch sử thị trường 1.528,57 điểm (ngày 6/1) về đáy xuống đáy 911,9 điểm (ngày 15/11) và mất tổng cộng 616,76 điểm (giảm 40%).

319125508_661448282432476_3531604220085428794_n.png
VN-Index giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. (Nguồn: VNDIRECT)

Về điều này, tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, cho rằng các thị trường chứng khoán-bất động sản-ngân hàng ở Việt Nam có tính liên thông cao.

Theo ông Lực, những bất ổn của các thị trường đã tác động đến tâm lý các nhà đầu tư dẫn đến những phản ứng tiêu cực và gây ra những hệ lụy đáng tiếc như trong thời gian qua.

Ông Lực chỉ ra một số lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh như xu hướng điều chỉnh giảm chung sau một giai đoạn tăng trưởng nóng và kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam bắt đầu gia tăng những rủi ro, thách thức. Theo đó, dòng tiền liên tục sụt giảm và kéo theo áp lực về giải chấp rất lớn.

Không chỉ có vậy, niềm tin của các nhà đầu tư bị “bao vây” từ những tin tức về những sai phạm và bị khởi tố, dẫn đến yếu tố “tâm lý đám đông” và ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của họ, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

dien-bien-thi-truong-theo-cac-su-kien.png
Những bất ổn của các thị trường đã tác động đến tâm lý các nhà đầu tư dẫn đến những phản ứng tiêu cực và gây ra những hệ lụy đáng tiếc như trong thời gian qua. (Nguồn: VNDIRECT)

Trước đó, căn nguyên của chuỗi biến động “đột biến” được ông Lực chỉ ra chủ yếu bắt nguồn từ giai đoạn xuất hiện dịch bệnh COVID-19. Thời điểm đó, VN-Index nhanh chóng trượt quanh khu vực 1.000 điểm (cuối năm 2019) xuống đáy 662 điểm (tháng 3/2020).

Rồi, rất nhanh sau đó trạng thái hồi phục của thị trường được thiết lập lại với đà đi lên kéo dài (từ cuối tháng 3/2020 đến cuối tháng 12/2021) theo cùng xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán thế giới.

Cụ thể, số liệu từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay trong thời gian trên chỉ số S&P500 (Mỹ) đã tăng 2,04 lần, Euro Stoxx600 (châu Âu) tăng 1,7 lần, MSCI Asia (châu Á) tăng 1,6 lần. Bám sát diễn biến toàn cầu, VN-Index (Việt Nam) cũng nhảy vọt từ mức 662 điểm lên trên 1.500 điểm, tăng 2,3 lần.

Sau khi tăng trưởng nóng, thị trường chứng khoán toàn cầu chuyển sang giai đoạn điều chỉnh (từ đầu năm nay đến hết tháng 10), kết quả chỉ số S&P 500 đã giảm 20%, Euro Stoxx600 giảm 14%, MSCI Asia giảm 29% và VN-Index rơi từ mức 1.500 điểm xuống 1027.36 điểm, giảm 32%.

vna_potal_chung_khoan_my_dong_loat_di_len_dong_usd_giam_gia_sau_khi_fed_nang_lai_suat_6087963.jpg
Dòng tiền mới từ khối ngoại được đẩy mạnh và tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn. (Ảnh: TTXVN)

VN-Index “lóe sáng” dịp cuối năm

Sang đến tháng 11 và những ngày đầu của tháng 12, nhà đầu tư trong nước đã có những bước chuyến biến rất lớn về mặt tâm lý.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho biết thanh khoản trong tuần thứ 2 của tháng 11 rơi về mức cạn kiệt khi VN-Index giảm rất sâu. Điều này cho thấy sự bi quan cực độ của các nhà đầu tư cá nhân. Song đến đầu tháng 12, tình hình có sự thay đổi khi thị trường bước đầu xuất hiện lực cầu tại nhóm các cổ phiếu bị giải chấp đồng thời các thông tin hỗ trợ cho nhóm ngành bất động sản (nhóm được coi là đang gặp nhiều khó khăn nhất bắt đầu xuất hiện).

“Sự lạc quan nhanh chóng đã giúp VN-Index lấy đà quay lại và chiếm ưu thế, dòng tiền mới từ khối ngoại được đẩy mạnh và tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn. Điều này đã giúp thị trường giao dịch sôi động rõ rệt hơn trong các phiên gần đây,” bà Phương chia sẻ.

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã kích hoạt dòng vốn nước ngoài giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, trong đó dòng tiền đầu tư đã lan tỏa ở nhiều quỹ ETF (9/14 quỹ ghi nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, dòng vốn ETF đầu tư có giá trị kỷ lục gần 18.900 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.500 tỷ đồng của cả năm 2021.

Nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.722 tỷ đồng), VNDiamond (+1.952 tỷ), VanEck (+972 tỷ), VFM VN30 (+689 tỷ), VNFIN Lead (+468 tỷ) và FTSE Vietnam (+354 tỷ). Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt tới xấp xỉ 7.000 tỷ đồng trong tháng 10. Đây là giá trị cao nhất ghi nhận kể từ tháng 4/2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay, dòng vốn ETF đầu tư có giá trị kỷ lục gần 18.900 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.500 tỷ đồng của cả năm 2021.

Bên cạnh đó, các quỹ chủ động cũng đồng loạt được giải ngân trong tháng 11 với tổng giá trị vào ròng đạt gần 900 tỷ đồng và đây mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.

vnp.png
Din biến dòng vn vào c phiếu theo tun trong tháng 11/2022 các th trưng chính ca khu vc châu Á. (Nguồn: SSI)

“Tín hiệu tích cực từ các quỹ chủ động là cường độ giải ngân khá đồng đều, bao gồm cả các quỹ nội và quỹ ngoại trong tháng 11,” bà Phương nói.

Trên thị trường, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng đẩy mạnh mua vào, tổng giá trị mua ròng trong tháng 11 đạt 16.900 tỷ đồng trên 3 sàn đồng thời là mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018. Tỷ trọng giao dịch trên toàn thị trường của khối ngoại đã đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân của 11 tháng năm 2022.

_tri8395.jpg
Thị trường chứng khoán lấy lại nhịp hồi phục trong các tuần đầu tháng 12 trong nhờ các chính sách mới về hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được Chính phủ công bố. (Ảnh: Vietnam+)

Nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền từ khối ngoại chủ yếu là các mã vốn hóa lớn và là trụ cột đầu ngành, tiêu biểu tại nhóm bất động sản (VHM, KDH, VIC), tài chính (STB, SSI, CTG), tiêu dùng (MSN, VNM).

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán lấy lại nhịp hồi phục trong các tuần đầu tháng 12 trong nhờ các chính sách mới về hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được Chính phủ công bố.

Trên cơ sở đó, VN-Index tăng gần 20% kể từ mức đáy thiết lập trong phiên ngày 16/11. Song sự hồi phục nhanh cũng dẫn đến hệ số định giá P/E (chỉ số giá/lợi nhuận) dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index lập tức tăng lên mức 11,3 lần (từ mức 9,7 lần ở thời điểm giữa tháng 11).

Vì vậy, bà Phương cho rằng mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng đà hồi phục nhờ vào động lực từ khối ngoại nhưng trên thực tế, mặt bằng giá trên thị trường đang đi vào vùng “nhạy cảm” và tâm lý chung dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.

Không lao vào “vòng xoáy” của đám đông

Trên thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư mới giống như trường hợp của chị T là không ít. Kiến thức và thời gian đầu tư cho thị trường chứng khoán không nhiều cộng thêm đầu tư theo phong trào rất dễ dẫn đến những kết quả không được như mong đợi.

Do vậy, giới phân tích cũng cho rằng đã đến lúc các nhà đầu tư phải ra những quyết định có “trách nhiệm” hơn là chạy theo xu hướng tâm lý đám đông.

doan_bao_viet_dat_gan_170000_ty_dong_6037134.jpg
Đầu tư theo phong trào rất dễ dẫn đến những kết quả không được như mong đợi. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Cấn Văn Lực, các nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh khi đưa ra các quyết định đầu tư. Đặc biệt là không nên rơi vào các “vòng xoáy” mua và bán lấy được. Mỗi nhà đầu tư tham gia thị trường cần phải trang bị đủ kiến thức, thời gian và năng lực kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, để từ đó đa dạng hóa kênh đầu tư và hạn chế đòn bẩy.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRET chỉ ra nguyên nhân thị trường tăng trưởng trong những phiên vừa qua phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn. Song, đà tăng như vậy là khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp. Hơn nữa, áp lực về lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra - năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn nguyên đó.

Về triển vọng trong năm 2023, bà Hiền kỳ vọng ở nửa cuối của năm đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vững chãi hơn khi triển vọng nới lỏng các chính sách tiền tệ dần sáng tỏ đồng thời mức định giá chứng khoán cũng trở nên hấp dẫn hơn. Cùng với đó, những chính sách tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thực thi quyết liệt hơn và hy vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm so với dự kiến.

Đã đến lúc các nhà đầu tư phải ra những quyết định có “trách nhiệm” hơn là chạy theo xu hướng tâm lý đám đông.

“Thị trường trong nước cần ưu tiên cho mục tiêu ‘phòng thủ’ trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị hoặc cổ tức hấp dẫn và nhà đầu tư có thể chuyển dần sang chiến lược ‘tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng’ từ nửa năm 2023,” bà Hiền chia sẻ.

vnp_ck11.jpg
Thị trường trong nước cần ưu tiên cho mục tiêu ‘phòng thủ’ trong ngắn hạn. (Ảnh: Vietnam+)

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh không nên nhận định thị trường chứng khoán tăng là thành tích và khi đi xuống lại ‘đổ lỗi’ các chính sách còn thiếu sót.

Thị trường về cơ bản sẽ luôn tự điều tiết và trách nhiệm quản lý Nhà nước là giữ cho thị trường vận hành an toàn, minh bạch đồng thời có sự giám sát quản lý kịp thời và đầy đủ. Khi phát hiện những sai phạm, cơ quan quản lý sẽ có trách nhiệm xử lý nghiêm minh.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã và đang triển khai một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác... để ổn định tâm lý nhà đầu tư và tăng cường tính minh bạch trên thị trường.

Bên cạnh công tác thanh tra, giám sát, Ủy ban Chứng khoán đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.

Nhằm hướng tới một thị trường chứng khoán ổn định và minh bạch, chuyên gia Cấn Văn Lực kiến nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định hay những tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán, để từ đó tăng cường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư.

Về lâu dài, ông Lực cho rằng cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính, qua đó nâng cao năng lực của nhà đầu tư và giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý cũng như giảm thiểu tâm lý đám đông.

“Các cấp quan quản lý cần chú trọng phát triển nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản… Các quỹ này sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường, từ đó hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư như thời gian qua,” ông Lực khuyến nghị./.

chung_khoan_ha_noi.jpg
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
Copy Link

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư chứng khoán: Tính toán kỹ, không để “tiền rơi”