2002tiengviet.jpg

Chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc.  Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức ngày 21/2 hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.

Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy. Trước bao thăng trầm và đổi thay của đất nước và đời sống xã hội, tiếng Việt luôn khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình, khẳng định được sự giàu đẹp vốn có của nó.

Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, là thước đo tâm hồn người Việt, là dòng chảy bất tận trong những tác phẩm văn chương, trong lời ca tiếng hát và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Vẻ đẹp của tiếng Việt

Chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy.

Ngay từ thời Thơ Mới (1932-1945), trong hoàn cảnh nước nhà chưa độc lập, tác phẩm của hầu hết các thi nhân đương thời đều giăng mắc một nỗi buồn bàng bạc, Hoài Thanh đã tâm sự: “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng” ("Một thời đại trong thi ca").

2002tiengviet2.jpg

Còn Huy Cận đã bày tỏ tình yêu tiếng Việt bằng những câu lục bát mặn nồng:

“Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con
Tháng ngày con mẹ lớn khôn
Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha
Đời bao tâm sự thiết tha
Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ”

("Nằm trong tiếng nói")

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình yêu tiếng Việt vẫn hiện lên nồng nàn trên những trang văn của Nguyễn Tuân. Trong tùy bút “Về tiếng ta” viết năm 1966, nhà văn đưa nhiều ví dụ để chứng minh về sự giàu đẹp, phong phú và tinh tế của tiếng Việt như những diễn đạt về sự chết, về di truyền nòi giống, về sức gợi cảm của một câu thơ trong “Chinh phụ ngâm” hay “Truyện Kiều”... Nguyễn Tuân cảm thấy mình “chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời. Mà rồi cho đến cái phút cuối cùng không được chứng sống nữa, thì cái câu cuối đời của tôi cũng vẫn lại cứ nói lên vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi.”

vnp_1906docsach1.jpg
Trước bao thăng trầm và đổi thay của đất nước và đời sống xã hội, tiếng Việt luôn khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình, khẳng định được sự giàu đẹp vốn có của nó.  (Nguồn: Vietnam+)

Đối với Nguyễn Tuân, sự cầu kỳ, chăm chút, công phu, cẩn thận khi chọn từ, chọn chữ để diễn đạt ý tình luôn được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng: “Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó.”

Sau năm 1975, tình yêu tiếng Việt tiếp tục tuôn chảy trong nhiều thi phẩm của nền thơ Việt Nam hiện đại, trong đó phải kể đến bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, được sáng tác những năm đầu của thập niên 80. Bài thơ dài tới 60 câu, mang dáng dấp của một trường ca về tiếng Việt, mang trong đó những hơi thở hào hùng như một pho sử thi về tiếng nói của cha ông.

Tất cả những thanh âm của quê hương, của bao lớp người lần lượt hiện lên qua những dòng thơ. Từ tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm đến tiếng kéo gỗ nhọc nhằn, từ tiếng gọi đò trên sông vắng đến tiếng lụa xé đau lòng, từ tiếng nước lũ dập dồn đến lời cha dặn...

Vẻ đẹp của tiếng Việt giàu thanh điệu cho ta những biểu cảm độc đáo về mặt thanh âm mà những ngôn ngữ Tây phương không bao giờ có được:

“Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy.”

Sâu sắc hơn, Lưu Quang Vũ đã qua tiếng Việt mà đánh thức sự quay về nguồn cội, đánh thức sự hàn gắn của những con người còn ở bên kia chiến tuyến. Có phải càng xa quê hương thì cái tình với tiếng Việt càng cháy bỏng, cồn cào hơn lúc nào hết. Và vượt lên mọi cách ngăn về địa lý, về chính trị, thi sĩ tin rằng muôn người Việt có thể trở về đoàn tụ bên nhau trong tình yêu thứ tiếng nghìn đời.

Tám câu thơ khép lại tác phẩm đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi chúng ta:

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình.”

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn là vấn đề mang tính thời sự

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962).

2002tiengviet3.jpg

Trước Cách mạng Tháng Tám, trong "Đề cương văn hoá Việt Nam" (1943), Đảng ta nêu nhiệm vụ "tranh đấu về tiếng nói" thành một nhiệm vụ cần thiết, chủ trương "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói của dân tộc."

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go nhất, đồng chí Trường Chinh kêu gọi "hãy gây một phong trào Việt hoá lời và văn của chúng ta," "kiên quyết bảo vệ tiếng mẹ đẻ."

Từ đầu năm 1966, sau bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" vấn đề này càng được chú ý hơn, và đặc biệt không chỉ trong giới ngôn ngữ học.

Cách mạng Tháng Tám mở ra một giai đoạn phát triển mới của tiếng Việt. Đó là giai đoạn tiếng Việt được nâng lên địa vị ngôn ngữ chính thức của Nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, phạm vi sử dụng của tiếng Việt được mở rộng một cách không hạn chế.

ttxvn_2002anh9(1).jpg
Đại biện lâm thời Văn Công Thắng phát biểu tại lễ khai giảng khóa học tiếng Việt tại Venezuela. (Ảnh: TTXVN phát)
ttxvn_2002anh10.jpg
Các học viên tham gia khóa học tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức. (Ảnh: TTXVN phát)
ttxvn_2002anh11.jpg
Trung tâm tiếng Việt tại Hungary khai giảng năm học mới. (Ảnh: TTXVN phát)
ttxvn_2002anh12.jpg
 Trao chứng chỉ hoàn thành xuất sắc khóa học về giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên của Trung tâm tiếng Việt tại Hungary. (Ảnh: TTXVN phát)
ttxvn_2002anh13.jpg
Các thí sinh Nhật Bản làm thủ tục đăng ký tham dự kỳ thi năng lực tiếng Việt (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
ttxvn_2002anh14.jpg
Số lượng thí sinh người Nhật tham gia kỳ thi năng lực tiếng Việt ngày càng tăng. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
ttxvn_2002anh15(1).jpg
Hai cuốn Tiếng Việt hiện đại 1 và 2 được giới thiệu tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/ TTXVN)
ttxvn_2002anh16.jpg
Nga tổ chức cuộc thi phiên dịch tiếng Việt toàn Nga lần thứ nhất. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
ttxvn_2002anh17.jpg
Sinh viên tiếng Việt tại khoa châu Á và Bắc Phi học, trường Đại học Ca’ Foscari tại thành phố Venice (Italy) trình diễn truyện Kiều và múa rối Việt tại Venice. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN phát)

Ngày nay, quan sát về sự vận dụng tiếng Việt trong đời sống hằng ngày, từ sinh hoạt đời thường cho đến những bài viết đăng báo, cho đến những tác phẩm văn học nghệ thuật, chúng ta không khỏi chạnh lòng về việc sử dụng tiếng Việt trong nhiều trường hợp còn cẩu thả, tùy tiện. Những tít báo vi phạm lỗi ngữ pháp, tạo ra sự mơ hồ trong cách hiểu có thể bắt gặp trên các trang báo mạng.

Trong các ca khúc Việt những năm gần đây, người nghe nhiều khi không khỏi nhăn mặt, khó lọt tai vì những lời ca được viết quá dễ dãi, ngây ngô, tùy tiện cùng một thứ ngữ pháp lủng củng, chẳng hạn: “Qua bao ngày gian truân ngày xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh, mà ngu sao làm chi để vụt bay, mất tình sẽ đau..." (Tình yêu trong âu lo); “Vô tư đi cứ bám vào anh này, suy tư anh u não cả tháng ngày, không may cho em yêu tìm đến phải đúng thằng điên rồ trên khinh khí cầu” (Không phải dạng vừa đâu)…

Và giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cách viết tiếng Việt chen tiếng Anh như thế này: Thứ high, thứ bar (thứ hai, thứ ba); xỉu up, xỉu down (xỉu lên, xỉu xuống)… Tiếng Việt đang bị biến dạng do những sáng tạo hoặc chuyển nghĩa từ mới, thuật ngữ mới không chính xác, thiếu trong sáng của các cơ quan chức năng.

Người ta thích dùng “start-up” trong khi tiếng Việt đã có từ “khởi nghiệp,” thích dùng “kit test” trong khi tiếng Việt đã có “bộ xét nghiệm,” thích dùng “smartphone” trong khi tiếng Việt đã có “điện thoại thông minh”

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ông cha ta đã bảo vệ và phát triển tiếng Việt như một gia tài lớn. Tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc. Tiếng Việt là sức sống, là tâm hồn, lối sống, tư duy người Việt. Nhưng hiện nay, nhân danh sự tiện lợi, nhân danh tốc độ của thời tự động hóa, nhân danh hội nhập, người ta đang làm lai tạp, biến dạng tiếng Việt.

Thiết nghĩ, những lệch chuẩn về tiếng Việt nêu trên cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa của các cơ quan chức năng, kiểm duyệt, những nhà quản lý văn hóa, những đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản, những cơ quan báo chí-truyền thông để cùng nhau góp phần trả lại vẻ đẹp trong sáng, tinh tế cho tiếng Việt.

2002tiengviet4.jpg

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là những tấm gương mẫu mực trong sự nghiệp bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong bài viết về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" (Tạp chí Văn học số 3-1966), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh :"Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao bảo đảm cho sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó." Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự./.

ttxvn_2002anh17.jpg
 Sinh viên tiếng Việt tại khoa châu Á và Bắc Phi học, trường Đại học Ca’ Foscari tại thành phố Venice (Italy) trình diễn truyện Kiều và múa rối Việt tại Venice. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN phát)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt