mega-anh-cover-ngang.png

Những ngày chớm Thu, khi người làm báo Thông tấn đang hân hoan hướng về dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành (15/9/1945-15/9/2023) thì chúng tôi đón nhận tin vui: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang khánh thành hai con đường mới mang tên hai nhà báo Thông tấn xã Việt Nam là Đường Trần Kim Xuyến (Khu đô thị hỗn hợp phía Nam, xã Tân Tiến) và Đường Đào Tùng (tại xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang).

4(2).png

9751801be311364f6f009(1).jpg
Nhà báo Trần Kim Xuyến. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử 98 năm xây dựng và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) nói chung và hành trình 78 năm không ngừng lớn mạnh của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng.

Ông sinh ra tại xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), lớn lên, trưởng thành giữa bầu không khí cách mạng sục sôi của phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh.

Theo tài liệu lưu giữ tại Nhà Lưu niệm Nhà báo-Liệt sỹ Trần Kim Xuyến ở xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn), sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh, Nghệ An (1939), ông làm việc tại Tòa sứ tỉnh Bắc Giang và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1943, nhà báo Trần Kim Xuyến hoạt động ở Hà Nội.

Ông từng bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Thế nhưng, đòn roi, chế độ giam giữ hà khắc ở “địa ngục trần gian” đã không khuất phục được ý chí người cộng sản kiên trung. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông cùng một số chiến sỹ cách mạng tổ chức vượt ngục, tham gia vào quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

2483561b3511e04fb900.jpg
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và các đại biểu tại Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, sáng 5/3/2014. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
duong-tran-kim-xuyen.jpg
Một cung đường Trần Kim Xuyến ở thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
vna_potal_hai_nha_bao_liet_sy_cua_thong_tan_xa_viet_nam_duoc_dat_ten_cho_duong_pho_cua_tinh_bac_giang_6283904.jpeg
Các công trình và đường Trần Kim Xuyến được thi công trong năm 2022. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

(Bấm mũi tên để xem loạt ảnh)

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi mới thành lập, Chính phủ lâm thời có 13 bộ, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền do ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Nha Thông tin (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam) là đơn vị thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Ngày 22/8/1945, nhà báo Trần Kim Xuyến được Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, giao nhiệm vụ lập bộ máy của Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Tháng 1/1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I khu vực Bắc Giang.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà báo Trần Kim Xuyến tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam từ Hà Nội về các cơ sở an toàn, tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1ede4a822988fcd6a59910.jpg
Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam Trần Kim Xuyến, người trực tiếp phụ trách VNTTX (ngoài cùng bên phải), xuống tàu Dumont d’Urville dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm Pháp và ký Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946) về nước. (Ảnh tư liệu)

Ngày 3/3/1947, khi mới 26 tuổi đời, nhà báo Trần Kim Xuyến đã anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Chúc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong khi đang thực hiện nhiệm vụ sơ tán tài liệu, máy móc thiết bị của cơ quan. Ông là một trong những nhà báo Việt Nam đầu tiên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Giấy truy tặng ngày 19/3/1947 của Bộ Nội vụ nêu rõ: “Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha Thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại cố gắng dùng hơi thở cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 32/SL ngày 23/4/1949 truy tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất cho nhà báo Trần Kim Xuyến, trong đó ghi nhận công trạng: “Trần Kim Xuyến là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dầu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó đã có công lớn trong việc xây dựng Nha Thông tin và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.”

duong-tran-kim-xuyen-dang-hoan-thien.jpeg
Đường Trần Kim Xuyến (Bắc Giang) có chiều dài gần 600m, lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè 2x4,5m. Đường có hình chữ U nằm trong khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp phía Nam thành phố. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cùng với hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong hai cuộc trường chinh của dân tộc, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cách mạng, sự hy sinh của nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã truyền lửa cho thế hệ sau, nối dài hành trình dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo.

Theo nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), mặc dù nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã ra đi hơn bảy thập kỷ nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi cùng lịch sử dân tộc, để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là tấm gương sáng về tinh thần dấn thân, sáng tạo, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, điều kiện khắc nghiệt.

5(1).png

Với nhà báo Đào Tùng, ông là người giữ cương vị cao nhất tại Thông tấn xã Việt Nam suốt một phần tư thế kỷ (1965-1990), đưa toàn ngành vượt qua nhiều thách thức, khó khăn trong chiến tranh và hoà bình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan Thông tấn Quốc gia.

nha-bao-dao-tung(1).jpg
Nhà báo Đào Tùng. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Đào Tùng sinh ngày 15/10/1925 và mất ngày 15/9/1990, tên thật là Đỗ Trung Thành, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang; sớm tham gia hoạt động cách mạng, đã từng được cử đi học ở Liên Xô cũ và trở về làm công tác lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VIII, nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).

Với Thông tấn xã Việt Nam, ông là người có công xây dựng hãng thông tấn vững mạnh trong thời chiến và trở thành trung tâm thông tin chiến lược quốc gia trong thời bình; tiên phong trong lĩnh vực vi tính hóa, điện tử hóa công nghệ truyền phát; khởi xướng ấn hành ba ấn phẩm Tuần Tin Tức, Thể thao&Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Thế giới đồng thời mở mang quan hệ đối ngoại báo chí trong khối xã hội chủ nghĩa.

Với Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Đào Tùng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động và phát triển Hội. Ngày 7/7/1976, tại Hội nghị hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam ở miền Bắc và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam tại Hà Nội, ông được bầu vào Ban chấp hành, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ tư Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 1983-1989, nhà báo Đào Tùng khi đó là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

d906306e5364863adf755.jpg
Tổng Biên tập Đào Tùng (giữa) trên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975)

Trong ký ức nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Đào Tùng là người có cuộc đời thanh bạch giản dị, đối xử với cán bộ nhân viên cấp dưới hết sức chân tình.

Nhà báo Trần Mai Hạnh cũng là người được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu.

“Gần hết cuộc đời, đi qua mấy cuộc chiến tranh, chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc và đến tận lúc yên nghỉ ông chưa bao giờ rời cây bút. Những khao khát mãnh liệt của ông về sự nghiệp thông tấn và sự nghiệp báo chí cách mạng mà ông đã cả đời dấn thân, vẫn cháy trong chúng ta, truyền cho chúng ta niềm cảm hứng sáng tạo và nguồn năng lượng đi tới,” nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.

068488c6ebcc3e9267dd7.jpg
Các nhà báo Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng viếng mộ cố Tổng Giám đốc Đào Tùng tại nghĩa trang thành phố Bắc Giang

Cá nhân nhà báo Trần Mai Hạnh từng cảm kích và thấm thía khi được Thủ trưởng Đào Tùng động viên, khích lệ bằng những câu nói mà ông còn nhớ mãi đến bây giờ: “Nếu không dám dấn thân biến cái không thể thành cái có thể thì mình rốt cuộc cũng chỉ là một người bình thường thôi. Mà đời chỉ mở cửa cho thằng liều. Tất nhiên đó là sự liều lĩnh có trí tuệ, có suy nghĩ…”

Nghe câu nói đó từ một lãnh đạo cấp trên, một người thầy, người anh trong nghề, nhà báo Trần Mai Hạnh như tìm thấy một con đường sáng giữa lúc ông đang loay hoay trong “đường hầm” bế tắc.

duong-dao-tung-3-.jpg
Đường Đào Tùng ở Bắc Giang có chiều dài gần 1.200m, lòng đường rộng 12m, vỉa hè 2x6m. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
duong-dao-tung-1-.jpg
Toàn cảnh đường nhìn từ trên cao. (Ảnh: Danh Lam-TTXVN)

mega-tit-phu-2-.png

Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, việc các nhà báo, nhà lãnh đạo của Thông tấn xã Việt Nam được vinh danh luôn là niềm vinh dự, tự hào và là nguồn cổ vũ đối với các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của ngành. Bởi lẽ, hiếm có cơ quan báo chí nào ở Việt Nam có danh xưng của hai nhà lãnh đạo được chọn làm tên cho những con đường. Không chỉ vậy, tên của một số nhà báo-chiến sỹ Thông tấn như Bùi Đình Túy, Lâm Hồng Long, Trần Bỉnh Khuôl cũng đã là tên của các địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Bạc Liêu.

vuviettrang3.jpg

*

Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang khẳng định nhà báo Trần Kim Xuyến và nhà báo Đào Tùng là những nhân cách lớn, hiến dâng cuộc đời, tâm huyết của mình để dòng thông tin của Thông tấn xã Việt Nam phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc. Đây là động lực để mỗi thành viên trong Ngôi nhà Thông tấn làm tốt hơn sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao gửi.

“Bản thân tôi vô cùng cảm phục và trân trọng những đóng góp của thế hệ đi trước. Trong các cuộc kháng chiến, các bác, cô, chú, anh, chị là những người không chỉ dùng ngòi bút, máy ảnh để ghi lại cuộc chiến anh dũng và bi tráng của dân tộc mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến giành độc lập, tự do cho đất nước. Trong những năm tháng hòa bình, bằng tư duy vượt trội, chính họ lại dũng cảm thay đổi những thứ cũ kỹ, không còn phù hợp để đổi mới cơ chế và hiện đại hóa Thông tấn xã Việt Nam như ngày hôm nay,” nhà báo Vũ Việt Trang bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng việc tỉnh Bắc Giang quyết định đặt tên hai con đường mới theo tên của nhà báo Trần Kim Xuyến và nhà báo Đào Tùng thể hiện sự trân trọng và biết ơn những cống hiến của hai nhà lãnh đạo tiền bối của Thông tấn xã Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

vnp_nguyenducloi.jpg

Đây là việc làm có ý nghĩa tri ân, tôn vinh cống hiến, hy sinh của những nhà báo-chiến sỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước và những người làm báo đang hướng về dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Báo giới nói chung và thế hệ trẻ sẽ được biết đến nhiều hơn những tấm gương cao đẹp, từ đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi

Về phía địa phương, ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang cho biết việc thi công hai con đường mới có ý nghĩa trong công tác quản lý hành chính, đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quan hệ giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh đô thị.

"Bên cạnh đó, việc đặt tên đường theo tên hai nhà báo góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa của địa phương, tôn vinh những nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong tiến trình dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng, trong đó có danh nhân xuất thân từ nghề làm báo, từ đó khơi dậy và nâng cao niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ," ông Đào Công Hùng nói.

Việc chọn tên danh nhân văn hóa, lịch sử, các vị anh hùng có công với đất nước, địa phương để đặt tên đường, phố và các công trình công cộng là một truyền thống đẹp, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn,” cũng là một cách để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử.

Như lời thơ của nhà thơ-nhà báo Trần Mai Hưởng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, họ là “Những con người thầm lặng hy sinh/ Vì danh xưng chung - Người phóng viên Thông tấn/ Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn/ Trên mỗi nẻo đường chiến tranh.”

Những chiến sỹ Thông tấn không tiếc máu xương vì nền độc lập ấy đã mãi mãi được ghi danh cùng dặm dài đất nước, để từ nay chúng ta có “Những con đường sáng mãi mỗi dòng tên”./.

108d2de24ee89bb6c2f94(2).jpg

Những con đường Thông tấn

(Trích)

Những con người thầm lặng hy sinh
Vì danh xưng chung - Người phóng viên Thông tấn
Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn
Trên mỗi nẻo đường chiến tranh


Đất nước mãi không quên các anh
Trong lớp lớp người điệp trùng ra trận
Những con người không tiếc máu xương vì nền độc lập
Những con đường sáng mãi mỗi dòng tên.

Trần Mai Hưởng


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những con đường sáng mãi dòng tên nhà báo-chiến sỹ Thông tấn