Mega Story

Mảnh hồn tự sự về Hà Nội

Tuệ Lam11/10/2022 08:48

“Những đứa con của cây cầu Long Biên” không phải cuốn sách khảo cứu về chiếc cầu cổ xưa nhất của Hà Nội và những vùng sinh thái bao quanh nó. Đây cũng không phải cuốn hồi ký của một phụ nữ Hà Nội đã sinh ra, lớn lên dưới bóng chiếc cầu.

long-bien-2.jpg

Cuốn sách này, chỉ đơn giản là một mảnh hồn tự sự, thầm kể cho chúng ta những mảnh chuyện về Hà Nội theo lối ẩn ngầm, nguỵ trang bằng lớp vỏ lạc loài.

Hà Nội đang kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10 trong cái lạnh se sắt của đợt gió mùa đầu tiên.

Thật hiếm hoi. Bởi đối lập với phố phường rực rỡ cờ sao, cây cầu Long Biên mặc trầm áo thời gian càng nổi bật vẻ xưa cũ, nhất là khi cơn gió lạnh đang hun hút trên Bãi Giữa, giữa đường ray tàu hoả dẫn vào ga Long Biên, trên nóc chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, hay len lỏi giữa những tàn tích của Bến Nứa.

Nhìn cây cầu Long Biên đó nằm kẹp giữa hai cây cầu trẻ trung hơn và hiện đại hơn là cầu Chương Dương và cầu Nhật Tân, chúng ta mới hiểu tại sao đây mới chính là một trong những biểu tượng của một thủ đô nghìn năm văn hiến, trải dài từ Thăng Long đến Đông Đô và bây giờ là Hà Nội, bên cạnh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Gác Khuê Văn, Tháp Bút, Nhà Hát Lớn, Nhà Thờ Lớn…

Mảnh đất nào, thời kỳ văn hoá-lịch sử nào cũng cần được biểu tượng hoá bằng những kiến trúc, thứ đủ sức khiến những kẻ thiên di, những người đang sinh sống tại đó phải nhắc tới khi muốn nói về mảnh đất chôn rau, cắt rốn đầy yêu thương, trìu mến của mình.

Cây cầu Long Biên rất nhiều giá trị lớn lao để có thể trở thành một niềm tự hào của người Hà Nội bởi nó xứng đáng được coi là một chứng nhân lịch sử. Khi cây cầu Long Biên xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 (tháng 6/1902), với tổng chiều dài 3.186 mét, nó đã giúp Hà Nội thay đổi mạnh mẽ về diện tích, dân số, đi cùng các giá trị khác như kinh tế, chính trị, văn hoá, kiến trúc đô thị kiểu mẫu…

vna_potal_ha_noi_hien_thuc_hoa_khat_vong_song_hong_6256282.jpg
Cầu Long Biên, câu cầu nối giữa hiện tại và quá khứ (Ảnh: TTXVN)

Xuất hiện ở một một thành phố nằm giữa những con sông, luôn tâm đắc với câu “Nhất cận thị, nhị cận giang”, cầu Long Biên đã nhanh chóng trở thành một huyết mạch chủ đạo cho tiến trình vận động xây dựng và phát triển của Hà Nội trong giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Nó trở thành một biểu tượng cho sự ảnh hưởng của nền văn minh và nền văn hoá Pháp tại mảnh đất này, khiến người cha tinh thần của cầu Long Biên - Toàn quyền Paul Doumer - cũng không thể giấu được sự tự mãn khi dùng tên của mình để đặt cho cây cầu là cầu Paul Doumer.

Tính từ năm 1902 đó đến nay đã ngót 120 năm, có nghĩa là đã trải qua 2 lần “đáo tuế”. Cây cầu chào đời năm Nhâm Dần 1902, mừng tuổi 60 vào năm 1962 và giờ vẫn trìu mến nhìn Hà Nội trong ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô năm Nhâm Dần 2022.

Trong 120 năm đó, Hà Nội đã đánh bại đế quốc Pháp để giành độc lập vào năm 1945, sau đó 9 năm lại tiễn những gót giày lê dương bước qua cầu Long Biên để vĩnh viễn không được phép quay trở lại mảnh đất này, đồng thời đón những bước quân hành đầu tiên của bộ đội vào giải phóng Thủ Đô vào ngày 10/10/1954.

Bóng ma thực dân, thuộc địa đã bị quét sạch, nhưng Hà Nội vẫn trân trọng và gìn giữ những dấu ấn của văn hoá Pháp còn lưu lại ở mảnh đất này, bởi chúng đã thẩm thấu để trở thành một phần lịch sử và văn hoá của người Hà Nội, tạo ra một sinh cảnh cho những “lớp người mới” được sinh ra giữa Hà Nội an bình có cây cầu Long Biên 19 nhịp thân thương, trong đó có Đông Di.

img_1896(1).jpg
Nữ tác giả Đông Di (Ảnh: TL)

Đông Di là một người xa lạ với văn chương và viết lách, nhưng điều đó không ngăn cản được chị viết về cuộc đời mình, về biểu tượng cây cầu Long Biên, về tình yêu dành cho Hà Nội và về vẻ đẹp của văn hoá Hà Nội - thứ giá trị vừa mạnh mẽ nhưng ẩn mật, vừa kiêu hãnh nhưng không hề phô trương.

Kỹ năng viết lách của Đông Di thể hiện qua cuốn sách “Những đứa con của cây cầu Long Biên” không cao, không tinh xảo. Ở những dòng chữ đó không có nghệ thuật xây dựng cốt truyện hay cách sử dụng những từ ngữ bóng bẩy, hoa mĩ có thể thao túng tâm lý của người đọc như một số cuốn sách viết về Hà Nội, người Hà Nội những năm gần đây - lối kỹ năng viết có thể biến món bún thang Hà Nội trở thành một cái gì đó “huyền thoại, truyền thuyết, hoang đường”.

Chữ của Đông Di còn lâu mới đạt đến tầm vóc đó, nhưng chữ của chị là thật, mộc mạc song lại có sức quyến rũ khó hiểu vì mô tả được ngôn từ, kiểu cách, phong thái, tư duy và các tiếp biến văn hoá Hà Nội truyền đời. Chỉ cần vài từ ngữ miêu tả của Đông Di, ta nhìn thấy ngay một Hà Nội đã không còn nữa.

“Tôi còn nhớ dáng ngồi của những ông nhạc sĩ già, tấm lưng vẫn thẳng và vững chãi trên những chiếc ghế nhỏ, dạy chúng tôi học ký xướng âm, học đàn Tây ban cầm mộc một cách đầy kiên trì qua nhiều năm tháng” – (Trích trang 40 Những đứa con của cây cầu Long Biên”.

img_1736.jpg

Hoàn toàn không có gì hoa mỹ, tinh xảo trong câu văn này của Đông Di, nhưng đập vào thị giác của chúng ta là tư cách và phẩm giá lịch lãm, ngay thẳng, đàng hoàng của những nhạc sĩ “già”.

Năm tháng, tuổi tác, thời buổi khó khăn không khiến họ phải ngồi cong lưng, ngả ngớn dựa dẫm. Bởi họ đã phải được dạy dỗ, rèn luyện và biến thành phong cách sinh hoạt của cả cuộc đời, từ khi phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, phải ngồi ngay lưng, phải sống ngay thẳng, không luồn cúi bon chen, làm mất nhân cách và phẩm giá của con người.

Chỉ cần một hình ảnh “tấm lưng vẫn thẳng và vững chãi”, người đọc có thể thấy được lề lối, phép tắc sinh hoạt của người Hà Nội mực thước và chỉn chu như thế nào mới tạo ra được giá trị của cụm danh xưng “người Hà Nội”. Giá trị đó không thể có trong ngày một, ngày hai hay có lập tức có ngay lúc mua nhà ở Hà Nội.

Có rất nhiều những hình ảnh mộc mạc như thế trong “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của Đông Di, và nhớ chính những hình ảnh đó mà độc giả được tiếp cận một khối lượng Hà Nội hào hoa, tinh tế rộng lớn.

Chúng ta sẽ biết cách một bà mẹ Hà Nội gọi con dậy bằng việc ngâm một bài Đường thi, cách ăn bánh gối theo kiểu cắt đầu bánh và rưới nước chấm vào lòng bánh, biết cách dạy dỗ con cái trong gia đình hay những phác thảo chân dung mà chỉ cần nghe một tiếng chửi, xem xoè một que diêm châm đóm hay nghe một nhận xét bâng quơ là biết ngay đấy là “người Hà Nội”.

cau-long-bien.jpg

Đọc “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của Đông Di, không thể nào không liên tưởng tới tình yêu của đám con trai dành cho khu đất trống - tổ quốc nhỏ bé của mình - trong tiểu thuyết “Những cậu con trai phố Pál” của Molnar Ferenc (Hungary) hay “Những đứa con phố Arbat” của Anatoli Rybarkov (Nga).


Lạ lùng thay, chính kỹ năng sử dụng ngôn ngữ văn chương và xây dựng cốt truyện yếu đã khiến cho văn của Đông Di trở nên đặc biệt. Có lẽ, chất Hà Nội đã ngấm sâu vào trong từng tế bào của chị nên khiến những dòng chữ thực tâm, phi kỹ thuật viết lách có sức hút riêng.

Cái chất đó không phải tác gia nào viết về Hà Nội cũng có, nhất là khi họ không sống đủ sâu, đủ chậm trong một bầu khí quyển Hà Nội thuần chất đã biến mất. Tây Thi khẽ chau mày đủ khiến nhân gian chao đảo, người khác cố tình bắt chước ôm ngực đau tim cũng chẳng khiến ai mảy may xao động.

Ba mươi khúc đoản văn của Đông Di trong “Những đứa con của cây cầu Long Biên” thoạt lướt tiêu đề thì thấy chúng chẳng chảy cùng một mạch, nhưng khi đọc, chúng ta sẽ thấy rằng, à ở mỗi đoản văn đó, chị lại hé lộ một mảnh giá trị về Hà Nội và người Hà Nội vùng địa lý của cây cầu Long Biên.

Có khi, Đông Di bắt đầu bằng một vài dòng tự sự về đời mình ở cái xứ xa lơ lắc nào đó nhưng rồi đột nhiên lại rẽ ngoắt về Hà Nội của những đứa con dưới chân cầu Long Biên. Mảnh giá trị hồi ức, chiêm nghiệm, tái hiện ngôn ngữ đó rất bé nhưng đấy lại là viên ngọc trên đỉnh vương miện, khiến cho khúc đoản văn trở nên duyên dáng và hữu dụng, như một chút hương hoa bưởi thoảng trong bát tào phớ.

Cũng có khi Đông Di lợi dụng vốn am hiểu văn hoá phương Tây của mình, để tấn công trực diện vào con mắt khác biệt của phương Tây khi nhìn vào giá trị Hà Nội và văn hoá Việt Nam. Chị yêu văn hoá Pháp, giỏi ngoại ngữ nhưng lại sử dụng chúng để làm rõ giá trị độc đáo của Hà Nội.

Những cuộc tranh luận Đông - Tây thường xuất hiện trong “Những đứa con của cây cầu Long Biên”, qua những vấn đề nhạy cảm như quyền bình đẳng nam nữ, quá khứ chiến tranh, cách hưởng thụ ngày lễ tết, cách tiếp đón khách khứa… hay đơn thuần chỉ là góc nhìn về một thứ vừa xảy ra.

Những điều trên sẵn sàng gây ra những cuộc tranh luận tràng giang đại hải, nhưng Đông Di luôn giải quyết rất ngắn gọn bằng cái chất “Hà Nội tỉnh như ruồi, tự nhiên như ruồi” của mình.

Không ai có thể hiểu được cái chất Hà Nội đó nếu không phải là người Hà Nội, cho dù có học rộng tài cao hay giàu có thế nào. Nếu cố khiên cưỡng áp đặt, Đông Di sẽ duyên dáng thốt ra một câu chửi tục của phương Tây dành cho gã phương Tây cứng đầu kia. Một phong cách Hà Nội “vừa biết cắm hoa, vừa biết nói tục” cũng rất đặc sắc.

img_1901.jpg


Đông Di là ai? Có lẽ chúng ta cũng chẳng cần biết, mà chỉ cốt rằng, đó là một người phụ nữ Hà Nội, và có rất nhiều câu chuyện “hay ho” về Hà Nội với vùng địa lý là cây cầu Long Biên để kể cho chúng ta. Chị yêu Hà Nội của mình, song cũng đầy dằn vặt về những biến đổi khiến Hà Nội của chị bị biến dạng thái quá.

Đọc “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của Đông Di, không thể nào không liên tưởng tới tình yêu của đám con trai dành cho khu đất trống - tổ quốc nhỏ bé của mình - trong tiểu thuyết “Những cậu con trai phố Pál” của Molnar Ferenc (Hungary) hay “Những đứa con phố Arbat” của Anatoli Rybarkov (Nga).

Sự gắn bó với vùng địa lý đó đại diện cho sự gắn bó với một không gian lớn lao lơn. Cây cầu Long Biên của Đông Di không khác gì ngọn tre làng hiện hữu trong tâm trí kẻ đi xa, và là thứ đầu tiên đập vào mắt kẻ sắp trở về. Không gian của cây cầu Long Biên là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, Bến Nứa, ga Long Biên, Ô Quan Chưởng, ngõ Thanh Hà, Bãi Giữa huyền thoại hay bờ đê xa vời bên Ngọc Thuỵ.

Không gian đó có những Lan “Xinh” cầm đầu đám nhóc chạy hàng cho dân buôn, có Hùng “đồng cô” tưởng khờ khạo mà tầm nhìn vượt thời đại, có Thuỷ “Baby” lưu lạc tới khu Bolsa của nước Mỹ… Và có cả những cô giáo dù gia cảnh sa sút vẫn mặc chiếc áo dài hoàng hoa, dẫu cũ kỹ song không giảm chất phong lưu.

Đông Di coi mình luôn là đứa con của cây cầu Long Biên để không lạc lối khi đơn phương bước chân du học và khám phá một phương Tây hoàn toàn xa lạ. Cây cầu cũng là điểm tựa để Đông Di lấy lại sức mạnh mỗi khi tiếp đất trong cuộc chiến văn hoá với phương Tây độc đoán và cao ngạo.

Cây cầu Long Biên cũng là đường dẫn để chị về với ký ức tuổi thơ, về người mẹ thục hiền nhưng nghiêm khắc, và về với niềm tự hào Hà Nội của thế kỷ 20 - thành phố thấm đẫm tinh thần khai phóng, cao đẹp của văn hoá Pháp.

Chúng ta hy vọng sẽ tìm thấy gì ở “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của Đông Di? Một tuyệt tác văn chương về Hà Nội? Một kho tư liệu khảo cứu về Hà Nội? Một “Hà Nội băm sáu phố phường” phiên bản mới? Có thể và không thể, bởi Đông Di không viết cuốn sách này với những mục đích đó.

Đây chỉ là cách một người phụ nữ Hà Nội yêu đắm say Hà Nội thể hiện tình yêu đó. Từng câu chữ sạch sẽ, nền giấy trang nhã, có kèm theo rất nhiều tranh vẽ về Hà Nội cùng sự hiện diện nhận xét của các nhân vật “am hiểu Hà Nội như: Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Lai Thuý, Phạm Xuân Nguyên… cũng chỉ là những chi tiết chỉn chu trong việc phơi bày tình yêu đó.

Hãy để Đông Di cho thấy Hà Nội đẹp đẽ thế nào, đáng yêu thế nào, và cũng mong manh ra sao: “Tôi không muốn quay về thế kỷ trước. Tôi muốn đi tới tương lai hoặc ít nhất là được suy nghĩ, tưởng tượng về tương lai của Hà Nội, của những người con Hà Nội…

Một trăm năm nữa Hà Nội sẽ thế nào?”.

vna_potal_ha_noi_nguoi_dan_muu_sinh_tai_cac_khu_dat_bai_ven_song_hong_6263974.jpg
Dưới chân cầu Long Biên, vẫn còn rất nhiều những thân phận nhiều long đong như chiếc lá rơi xuống dòng sông Hồng đỏ quạch phù sa (Nguồn: TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mảnh hồn tự sự về Hà Nội