Mega Story

Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!

28/12/2023 14:12

“Ông Trời” ngày càng giáng xuống hạ giới những đòn đánh khốc liệt, nhưng chính cách tàn phá của con người cũng làm cho thiên tai dữ dội hơn.

bai-sat-lo-hungfinal.png

“Ông Trời” ngày càng giáng xuống hạ giới những đòn đánh khốc liệt, nhưng chính cách tàn phá của con người cũng làm cho thiên tai dữ dội hơn.

Những cơn bão bất thường nối đuôi nhau, những trận lốc xoáy kèm với mưa lớn vượt mức lịch sử, rồi những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đồi núi, đất đá liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế trong những năm gần đây, đang dấy lên nỗi lo ngại trong nhân dân về sự “phẫn nộ” của thiên nhiên, biến đổi khí hậu.

Thực tế từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt​ vụ trượt, sạt lở đất đá đã xảy ra tại nhiều khu vực trên cả nước, kéo theo biết bao hệ lụy, không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn khiến nhiều người dân, cán bộ bị chết ngay cả khi đang làm nhiệm vụ.

Sau hàng loạt vụ sạt lở, lũ ống, lũ quét xảy ra, nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia đều có chung nhận định: Thiên tai ngày một khốc liệt cũng bởi “bàn tay tàn phá” của con người.

Minh chứng trong những năm gần đây cho thấy rất nhiều khu rừng trên cả nước đã bị chặt phá, san phẳng để nhường chỗ cho hàng loạt “đại” dự án đô thị. Việc xẻ núi làm đường giao thông ít chú trọng tới việc phòng chống sạt lở, cùng với đó là khai thác tài nguyên quá mức, thủy điện “nuốt” rừng thi nhau “đua nở” với hàng loạt hồ chứa dày đặc trên thượng nguồn các dòng sông, con suối, đã làm thay đổi quy luật dòng chảy… Tất cả đều là những tác nhân góp phần gia tăng các tác động của thiên tai tới cuộc sống.

screenshot_12.png

Con số thống kê gần 500 trận động đất nhỏ, động đất kích thích do việc tích nước của hồ chứa thủy điện; Hơn 1.100 trận thiên tai xảy ra trong năm 2023, từ các cơ quan chức năng, càng khẳng định một thực tế rằng: Trong “cuộc đua” phát triển, nếu cứ bạt núi, phá rừng, lấp sông suối, quy hoạch nóng vội,… vì cái lợi trước mắt, mà không nghĩ hệ quả của nó, thì thiệt hại về kinh tế, tính mạng mà người dân và Nhà nước phải gánh chịu gấp 100 lần cũng không thể bù đắp nổi.

Nêu ra thực trạng trên để thấy muốn hạn chế thiệt hại của thiên tai có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền và mọi người dân cần phải tham gia. Hơn hết là cần phải khắc phục và loại bỏ tư tưởng “chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường.”

Nếu không quyết liệt sửa sai hay ngăn chặn những hành vi tiêu cực gây hại tới núi rừng, sự sống, thì Việt Nam sẽ còn phải gánh chịu ngày càng nhiều thiên tai thảm khốc mà trong đó có “bàn tay” của con người. Nói thẳng là càng phá sẽ càng đau!

Để rõ hơn thực trạng trên, mời bạn đọc cùng Báo Điện tử VietnamPlus đi vào thực tế tìm hiểu, từ đó rộng đường dư luận vì sao thiên tai ngày càng khốc liệt; sạt lở, lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nặng nề về người và của ngày càng nhiều. Đó cũng là lời “khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai, qua đó đưa ra những giải pháp căn cơ nhất để giảm thiểu tối đa những “thảm họa” lũ quét, tai biến địa chất có thể xảy ra./.

Mời độc giả đón đọc Bài 1: Những “phát súng” dồn dập từ thiên tai: Mất mát, đau thương

hungvo.jpg


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!