Sau 2 mùa thành công, cuộc thi Viet Solutions do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức đã trở thành sân chơi lớn dành cho các startup công nghệ trong và ngoài nước. Đã có nhiều sản phẩm công nghệ Việt bước ra từ cuộc thi ngày càng lớn mạnh, góp phần vào việc giải bài toán chuyển đổi số quốc gia.

Cựu du học sinh 9X vô địch Viet Solution 2021

Viet Solutions 2021 được phát động từ tháng 6/2021 thu hút 257 sản phẩm, giải pháp và ý tưởng từ 17 quốc gia trong 11 lĩnh vực. Trong đó, 80% giải pháp tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia và thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Với giải pháp công nghệ thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho phép chuyển dữ liệu số thành video tương tác đồng thời cá nhân hóa dành cho khách hàng doanh nghiệp, đội thi Vintom đã xuất sắc dành giải Nhất Viet Solution 2021. Đặng Hải – Giám đốc Điều hành khu vực châu Á của Vintom cho biết, anh vẫn không thể tin được đội mình dành ngôi vị quán quân.

Ít ai biết rằng, Đặng Hải là một cựu du học sinh 9x đã quyết tâm quay trở lại Việt Nam để góp phần hiện thực hoá công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Đặng Hải – một cựu du học sinh 9x đã quyết tâm quay trở lại Việt Nam để góp phần hiện thực hoá công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Chàng giám đốc sinh năm 1993 cho hay Vintom không phải một ứng dụng mới được hoàn thiện mà đang hoạt động ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các giải pháp của ứng dụng này cũng được nhiều đối tác trên thế giới sử dụng và đánh giá cao.

Khi đang du học tại Đại học British Columbia (Vancouver, Canada), Hải đã có cơ hội gặp gỡ Marcin Kozlowski, một trong ba đồng sáng lập của Vintom. Ngay sau đó là “cú bắt tay” giữa hai người để bắt đầu triển khai dịch vụ này ở Việt Nam cũng như các nước châu Á.

Theo Hải, sự hợp tác với Vintom chính là một trong những lý do để Hải trở về quê hương và Việt Nam là một trong những thị trường đầy tiềm năng để dịch vụ của Vintom được phát triển.

Tìm hiểu sâu hơn, Vintom là công nghệ cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng phục vụ vào việc giảm Customer Churn và Dollar Churn và tăng ARPU (doanh thu trung bình/khách hàng).

Ứng dụng này sẽ tạo ra một video quảng bá và trong đó, thông tin của từng khách hàng sẽ được đưa vào sao cho người dùng cuối cảm nhận rõ đây là sản phẩm dành riêng cho họ chứ không phải một sản phẩm được tạo ra cho tất cả mọi người.

Một sản phẩm mà Vintom phát triển cho Viettel giúp cá nhân hóa mỗi khách hàng. (Video: Vintom)

Vintom có thể cá nhân hóa tất cả thông tin trong phần trải nghiệm của khách hàng. “Bên mình có thể viết tên của khách hàng, ngày sinh nhật, yêu thích gì và có thể trình bày trong một video cho mỗi người. Với doanh nghiệp đối tác, cá nhân hóa video dành cho từng cá nhân là giải pháp tốt để thể hiện sự thấu hiểu, quan tâm đến khách hàng,” Hải cho biết.

Đối với người dùng cuối, họ sẽ được gợi ý những sản phẩm, ưu đãi phù hợp với sở thích cá nhân thông qua một hình thức thể hiện trực quan và sống động. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao sự tương tác của người dùng cuối, giúp nâng cao hiệu quả của chương trình quảng bá, Hải chia sẻ.

Chia sẻ về những khó khăn khi phát triển sản phẩm tại thị trường Việt, Hải cho biết, khi mang sản phẩm này về Việt Nam cuối năm 2017, đầu năm 2018, đây là một thứ hoàn toàn mới, gần như không một khách hàng nào của Vintom tại Việt Nam từng dùng sản phẩm này trước đây.

“Rất khó để họ hình dung ra lợi ích khi họ áp dụng sản phẩm của công ty là gì,” Hải bộc bạch.

Anh cùng các đồng nghiệp đã phải mất 2 năm rưỡi để tìm được 2 khách hàng muốn “mạo hiểm” với sản phẩm này và một trong số đó chính là Viettel. Tuy chỉ là 2 khách hàng nhưng Hải hào hứng cho biết đây chính là các khách hàng lớn, nhưng đã là đủ để Vintom tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam.

Viettel là một trong những khách hàng lớn đủ để Vintom tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam

Sau khi chạy xong chiến dịch với Viettel, tập đoàn này đã giới thiệu Hải tham gia Viet Solution.

Sau khi lọt vào vòng 32 đội, được tiếp xúc với những người đứng đầu Viettel, với những doanh nghiệp, nhà tư vấn xuất sắc, Hải đã nghĩ rằng đây là cơ hội rất lớn với công ty không thể bỏ qua.

“Giá trị của cuộc thi này không phải giải thưởng mà chính là sự truyền thông cho dịch vụ của Vintom cho mọi đối tượng khách hàng. Từ khi đoạt giải Nhất cuộc thi, rất nhiều khách hàng đã tìm tới dịch vụ của Vintom đặc biệt là các ngân hàng,” Hải hào hứng chia sẻ.

Hải cho biết cuộc thi đã giúp Vintom nâng cao những điểm còn thiếu sót thông qua những câu hỏi của ban giám khảo và chia sẻ từ các chuyên gia hướng dẫn. Sau cuộc thi, Hải học được nhiều bài học rất hay từ các chuyên gia cố vấn hay chính các đối thủ để áp dụng cho các dịch vụ của mình.

“Cuộc thi mang lại cho chúng tôi cơ hội mở rộng hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác sâu, rộng hơn với Tập đoàn Viettel và các doanh nghiệp lớn khác. Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng trong quá trình mở rộng hoạt động của Vintom ở châu Á bên cạnh châu Mỹ, châu Âu và các nước Arab như hiện nay,” Hải chia sẻ.

“Bệ phóng” cho các startup Việt

Không chỉ có Vintom, đã có rất nhiều giải pháp của các doanh nghiệp lớn mạnh đáng kể sau khi rời “bệ phóng” Viet Solution. Trong đó, nhiều giải pháp đã trở thành mắt xích quan trọng trong việc giải bài toán chuyển đổi số quốc gia.

Các đội đoạt giải Viet Solution mùa 2021. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ở mùa giải Viet Solution 2020, vượt qua nhiều đối thủ, MiSmart – Giải pháp xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái đã giành ngôi vị quán quân. Anh Phạm Thanh Toàn, đồng sáng lập MiSmart cho biết quy mô của MiSmart đã tăng 500% so với trước khi tham gia cuộc thi.

Viet Solution 2020 cũng vinh danh startup Cyradar với vị trí thứ Ba. Anh Nguyễn Minh Đức, founder Cyradar cho biết startup của mình đã đạt được nhiều thành tựu. So với trước cuộc thi, nhân sự công ty đã tăng 30%, doanh thu Cyradar tăng 50%. Là một sản phẩm bảo mật, Cyradar đã phát huy hiệu quả khi có cơ hội hợp tác với Viettel sau cuộc thi.

Tương tự đối với Map4D – nền tảng bản đồ số 4D thuần Việt đầu tiên tại Việt Nam (giải Nhì Viet Solutions 2020). Theo anh Trịnh Công Duy – founder Map4D IoTLink (startup phát triển Map4D), đây chính là bước ngoặt nâng cánh cho startup này sau nhiều năm loay hoay tìm thị trường.

Trước khi tham gia cuộc thi, Map4D gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, phải tự đi tìm khách hàng để chứng tỏ năng lực của mình. Cuộc thi giúp sản phẩm Map4D tiếp cận tới nhiều đối tác quan trọng giúp sản phẩm ngày càng phát triển.

Ngay sau cuộc thi, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) đã phối hợp với IoTlink để tổ chức buổi lễ công bố chính thức chương trình nền tảng chuyển đổi số quốc gia và Map4D đã được chọn là một nền tảng cho chương trình này.

Viet Solution là nơi ‘chắp cánh’ cho rất nhiều startup Việt Nam vươn ra quốc tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cụ thể, Bộ đã giới thiệu Map4D để triển khai trong đề án chuyển đổi số ở khu ATK của tỉnh Thái Nguyên. Liền sau đó, sản phẩm này cũng được giới thiệu để triển khai trong các đề án khác ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng và nhiều tỉnh thành khác.

Ngoài ra, hàng loạt tập đoàn, công ty logistics như Viettel, VNPT, AhaMove…  đã tiếp cận và ký kết hợp tác với Map4D sau cuộc thi.

Rõ ràng, MiSmart, Map4D, Cyradar là những kết quả rõ ràng nhất cho việc những startup Việt thành công nhờ sự tiếp sức từ cuộc thi Viet Solutions.

Mô hình vườn ươm ba bên (Nhà nước, tập đoàn và các giải pháp của startup) mà Viet Solutions tạo ra được các đội thi đánh giá là quan trọng nhất. Nhà nước đưa ra chính sách, đầu bài cụ thể để giải quyết vấn đề trong xã hội. Các tập đoàn mạnh về tài chính, có tập khách hàng, nhiều kinh nghiệm. Startup có nhiều ý tưởng mới mẻ, công nghệ mới góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Mô hình vườn ươm ba bên (Nhà nước, tập đoàn và các giải pháp của startup) mà Viet Solutions tạo ra được các đội thi đánh giá là quan trọng nhất.

Thứ trưởng Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho hay: “Thực tế, có rất nhiều bài toán mà chỉ cần có một ý tưởng đúng là sẽ có lời giải đúng. Nó giống như khi bạn đặt ra câu hỏi đúng, thì chắc chắn có câu trả lời. Cứ có câu hỏi đúng thì khó thế nào cũng có một người trả lời được nó. Đấy là tư tưởng cho việc tìm kiếm ý tưởng mới về giải pháp số của cuộc thi năm nay.”

“Tôi mong Viet Solutions 2022 sẽ có đổi mới mạnh mẽ và giải được nhiều bài toán Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển bứt phá,”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Còn ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Mô hình vườn ươm ba bên mang tính cộng hưởng, tìm những giá trị của mỗi bên, tạo ra một sức mạnh tổng hợp lớn hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị tạo ra hành lang pháp lý, đưa ra các bài toán cụ thể. Viettel có thị trường rất lớn trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp đưa vào thị trường. Còn cộng đồng các doanh nghiệp có những ý tưởng giải quyết bài toán kiến tạo xã hội số. Sự hợp tác này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy được quá trình chuyển đổi số quốc gia”./.

Viet Solutions mùa giải 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động nhằm tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển 100 ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã kêu gọi các kỹ sư công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học, các doanh nghiệp, các cá nhân kinh doanh, các tổ chức, các địa phương, các bộ, ngành và người dân hãy tham gia Viet Solutions, người thì đặt bài toán, người thì nêu vấn đề của mình, người thì giải bài toán. Và người đứng ra tổ chức quá trình này chính là Bộ Thông tin và Truyền thông.