Tại ngôi nhà nhỏ gần chợ Đầm, thành phố Nha Trang, từ nhiều năm nay, ông Đặng Anh Tuấn đã trang trọng dành hẳn một căn phòng rộng thoáng để lưu trữ, trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gắn bó với ngành đường sắt từ năm 1975, từ vị trí phụ lái đến anh công nhân sửa chữa đầu máy, tình yêu với những đường ray, toa xe cứ dần dần lớn lên trong ông Tuấn (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tình yêu hỏa xa đã thôi thúc ông sưu tầm và giữ lại những kỷ vật nhỏ nhất liên quan đến ngành đường sắt (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong bộ sưu tập mini của mình, ông Tuấn nâng niu và trân trọng nhất là 8 cây búa do chính tay làm ra. Đây là những "người bạn" đã gắn bó với đời thợ máy của ông từ những ngày đầu tiên cho tới lúc lui về nghỉ ngơi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau hàng thập kỷ tồn tại, ga Nha Trang hiện tại có lối kiến trúc giao thoa giữa cổ kính và hiện đại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiếc huy hiệu mang tên mình những ngày còn làm việc được ông Tuấn đặt trang trọng trong chiếc tủ kính chính giữa phòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thân búa được làm bằng gỗ bách. Sau ngày nghỉ hưu, ông Tuấn đem toàn bộ "tài sản" về nhà, cẩn thận quét sơn và ngày ngày mang ra lau rửa. (Ảnh: MInh Sơn/Vietnam+)

Bộ sưu tập của ông Tuấn có khoảng vài trăm hiện vật với đủ loại như: huy hiệu, huân chương, thiết bị, dụng cụ đường ray và xe lửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong tủ kính của ông bày nhiều kỷ vật của ngành đường sắt mà hồi còn làm việc ông đã lưu giữ lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ sưu tập của ông Tuấn do chính ông giữ lại những hiện vật từ lúc còn làm nghề hoặc ông đi xin lại. Một số người bạn của ông thấy vậy cũng mang tặng góp phần làm phong phú thêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong 'bảo tàng' hoả xa của ông Tuấn còn có những hiện vật hết sức đặc biệt, hàm chứa ý nghĩa lịch sử đối với cả ngành đường sắt. Tiêu biểu nhất là một loạt phù điêu biểu tượng đúc bằng thép được xếp gọn trên kệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hay mô hình con tàu đầu máy hơi nước với tỷ lệ 1:1 được những người bạn của ông mang từ bên Mỹ về tặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những năm 1980, theo chủ trương, ngành đường sắt tiến hành dỡ bỏ thanh lý hệ thống đầu tàu cũ. Theo đó, nhiều kỷ vật đã bị bán theo... cân. Ông Tuấn đã phải rất vất vả để nhờ cậy bạn bè giữ lại giùm những phù điêu biểu tượng này. Trong ảnh là logo được gắn trên đầu máy xe lửa hơi nước qua nhiều thập kỷ trước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đây là chiếc đe đầu tiên trong những năm làm nghề của ông Tuấn, tính đến nay đã hơn 30 năm tuổi. Nguyên thủy đây vốn là thanh ray tàu bị hỏng, ông Tuấn nhặt về, dũa gọt mất vài ngày mới thành hình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiếc đèn báo của ngành đường sắt Việt Nam sử dụng những năm trước đây, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là kỷ vật của một đồng nghiệp đã tặng lại ông Tuấn trước khi rời Việt Nam sang Mỹ định cư. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chiếc đèn tín hiệu trên nóc tàu vốn bị mang đi thanh lý cũng được ông Tuấn xin lại mang về cất trong nhà với tất cả sự nâng niu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không chỉ lưu giữ kỷ vật bằng vật chất, những kỷ vật tinh thần như hàng trăm con tem về ngành Đường sắt cũng được ông Tuấn cất công đi sưu tầm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Tuấn khoe rằng, mình đã sưu tập được hơn 700 con tem quý hiếm liên quan đến ngành Đường sắt Việt Nam và thế giới. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những tấm vé tàu bàng bạc, sờn rách qua thời gian với đủ hình dáng kích thước được ông Tuấn nâng niu gói trong những tấm nilon mỏng. Có nhiều người không để ý, khi cầm những tấm vé tàu trên tay hay bỏ đi, nhưng để lưu giữ lại như ông Tuấn đó là cả một kỳ công và sự trân trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong suốt hành trình hơn 30 nhặt nhạnh và lưu giữ lại những thứ bị người ta vứt đi để biến chúng thành những kỷ vật đáng giá về hoả xa, 'ông già hỏa xa' chỉ mơ ước rằng, cả ngành đường sắt sẽ có một bảo tàng cỡ lớn, được làm tỉ mỉ, công phu để các hiện vật không bị mai một. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bài trước Bài tiếp