Các nữ kỹ sư người Việt của Samsung Việt Nam. (Ảnh Minh Sơn)

Chuyện chưa kể về những nữ kỹ sư đầu tiên của Samsung Việt Nam

Tháng 5, 2008...

Ba cô sinh viên trẻ của Khoa Điện tử Viễn thông Đại học Bách khoa Hà Nội chân ướt chân ráo ứng tuyển thành công vào Samsung Việt Nam. Không ai trong số cả ba người dám nghĩ, mối lương duyên của mình lại kéo dài tới tận hơn 10 năm. Và họ cũng chính là lứa kỹ sư đầu tiên đã đặt nền móng cho Samsung Việt Nam sau này.

Trong ‘hành trình’ ấy, Samsung nổi lên là một điểm sáng khi trong suốt một thập kỷ qua, doanh nghiệp này liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng.

Chọn Samsung để... thử thách chính mình

Gây ấn tượng mạnh với người đối diện bởi nụ cười thường trực, Trưởng phòng Kiểm thử tính năng điện thoại, Samsung Việt Nam, Đoàn Hương Giang như trẻ hẳn lại khi nhớ về những ngày đầu chập chững vào công ty.

Năm ấy, Giang đang thực tập và có cơ hội làm việc tại một công ty viễn thông “số má” nhất nhì Việt Nam thì Samsung tới tận trường Bách khoa… tìm nhân tài. Vào thời điểm đó, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc cũng mới chỉ bắt đầu khởi động những kế hoạch đầu tiên trong việc xây dựng chuỗi nhà máy và xưởng sản xuất tại một số tỉnh phía Bắc.

Đoàn Hương Giang. (Ảnh Minh Sơn)
Đoàn Hương Giang. (Ảnh Minh Sơn)

Thế nhưng, với cá tính mạnh mẽ của con gái khối kỹ thuật, Giang lại cảm thấy… bị kích thích bởi những khó khăn trước mắt. Và cô quyết định sẽ ứng tuyển để thử thách chính mình trong một môi trường hoàn toàn mới.

Cũng giống như Giang, cô sinh viên trẻ Trương Thị Sâm cũng vì “tò mò xem môi trường làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia” có gì hay ho... nên đã bỏ qua cơ hội làm cán bộ Nhà nước.

“Khi ấy, tôi đang thực tập tại Bưu điện tỉnh Bắc Ninh và cũng có ý định sẽ làm ở đó. Tuy nhiên, khi nghe đến Samsung, dù biết sẽ rất vất vả, nhưng tôi vẫn muốn thử sức một lần. Chúng mình ngoài tuổi trẻ và đam mê thì cũng chẳng còn gì để mất,” chị cười tâm sự.

Có chung lựa chọn như hai bạn đồng khóa, chị Phạm Thị Loan, Trưởng phòng Bộ phận phần mềm, Samsung Việt Nam cũng từ chối cơ hội được làm việc tại một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất nhì những năm 2008.

Với suy nghĩ đầy bản lĩnh và có phần “ngông” của những năm tháng vừa rời giảng đường đại học, 3 cô gái cũng là 3 người bạn cùng học chung một khóa tại Đại học Bách Khoa ngày ấy bắt đầu hành trình chinh phục “từ con số 0” của mình cùng Samsung Việt Nam.

Vào thời điểm này, nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Vì vậy, nhiệm vụ của nhóm những cán bộ, kỹ sư đầu tiên là… học. Họ bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về các giai đoạn để một chiếc điện thoại ra đời, các thành tố cấu thành nên loại công cụ liên lạc “thời thượng” bậc nhất bấy giờ. Các kỹ sư trẻ háo hức khi được tiếp cận với những kiến thức mới tinh mà trước đó họ không sao hình dung ra nổi. Đến độ, Sâm – cô sinh viên Điện tử Bách Khoa phải ồ lên vì quá choáng ngợp. Càng tìm hiểu sâu, chị càng thấy… say. Chiếc điện thoại có một ma lực khủng khiếp khiến tất cả các thành viên trong khóa học đều bị cuốn hút không sao dứt ra nổi.

Nhưng càng thích thú và choáng ngợp bao nhiêu thì nhóm kỹ sư “tiên phong” càng cảm thấy áp lực lớn bấy nhiêu. Bởi họ chính là những người được giao trọng trách phải đặt nền móng xây dựng bằng được một nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong 1 năm tiếp theo.

Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật này, ngay sau khi khóa đào tạo tại Việt Nam kết thúc, 3 cô gái trẻ cùng với hàng chục kỹ sư tiên phong khác lại cập rập xách vali bay sang các nhà máy Samsung tại nước ngoài… tu nghiệp. Xưởng sản xuất lúc này trở thành lớp học. Những dây chuyền chuyển động hóa thành dụng cụ trực quan. Giang, Sâm và Loan lần đầu tiên được thấy một “line” vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả đến vậy.

“Không khí cực căng thẳng. Có lần trong lúc học, phiên dịch viên dịch quá khó hiểu khiến chúng tôi không thể hiểu nổi. Lúc đó các anh có kinh nghiệm trong đoàn đã chia sẻ kiến thức và chúng tôi đã thảo luận sôi nổi để hiểu ra nhiều vấn đề. Ngoài ra chúng tôi được trải nghiệm thực tế lắp ráp thử, đo đạc trên các trang thiết bị mà chưa từng được thực nghiệm tại trường đại học”, chị Sâm bồi hồi nhớ lại.

Choáng - đó là cách trưởng phòng Loan hình dung về cảm xúc của mình khi đứng trước chuỗi sản xuất hiện đại của Samsung.

Những chủ nhân của Samsung Việt Nam

May mắn cho Loan cũng như các thành viên trong đoàn là trong lúc họ hoang mang nhất thì những chuyên gia đến từ Hàn Quốc lại vô cùng tin tưởng những “học trò” người Việt.

Chia sẻ của các kỹ sư Việt Nam

Câu nói ấy khiến toàn bộ thành viên trong “nhóm mở đường” bừng tỉnh. Nó cũng chính là động lực khiến họ vượt qua được giai đoạn đầu đầy khó khăn và bỡ ngỡ. Sau vài tháng “tu nghiệp nước ngoài,” các kỹ sư và cán bộ quay về mảnh đất Kinh Bắc, chính thức bắt tay vào thiết kế và xây dựng nên Samsung Việt Nam sau này.

“Đó tiếp tục là một giai đoạn khó khăn khi tất cả thêm một lần phải căng mình ra,” chị Giang nhớ lại.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong thời gian đầu hỗ trợ chạy thử ở dây chuyền sản xuất, nhóm kỹ sư trẻ gặp rất nhiều trở ngại.

Không hiếm những lúc khi vừa mơ màng chợp mắt, Loan phải bật dậy vì nhận được điện thoại báo lỗi line từ xưởng.

“May mà sau chừng 1 tháng thì mọi việc dần đi vào quỹ đạo. Lúc này tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm,” chị Loan thành thật.

Ngồi ngay bên cạnh, trưởng phòng kỹ thuật sản phẩm ứng dụng Trương Thị Sâm cũng góp chuyện. Chị cho hay, trong giai đoạn đầu tiên, một trong những công việc không kém phần quan trọng là phân tích và phát hiện lỗi trước khi dây chuyền chính thức vận hành. Có những lỗi mà ngay cả bên Hàn Quốc cũng chưa từng gặp. Vấp phải những ca này, chị và các đồng nghiệp buộc phải tự mổ xẻ, mày mò ngày đêm để khắc phục.

“Vất vả là thế, nhưng không ai phàn nàn. Chỉ cần nghĩ: Đây sẽ là bước then chốt để cả hệ thống vận hành ổn định, chúng tôi lại càng cố gắng hơn,” chị Sâm chia sẻ.

Không phụ lòng người, nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của họ, tới tháng 4/2009, nhà máy sản xuất điện thoại Samsung Việt Nam chính thức vận hành. Vào thời điểm đó, đây cũng là nhà máy duy nhất có dây chuyền khép kín hiện đại nhất sản xuất thành phẩm phân phối ra thị trường Việt Nam và thế giới.

Chứng kiến “đứa con tinh thần” mình ra đời, 3 cô gái mừng rơi nước mắt. Họ ôm chầm lấy nhau trong niềm tự hào khôn xiết.

Ngừng lại một lát, chị Giang cho biết thêm: Một trong những điều khiến cho tâm đắc trong suốt thời gian làm việc đó chính là: Samsung không chỉ trao kiến thức mà còn trao quyền cho chính các cán bộ, kỹ sư người Việt.

“Trong mọi lúc, các bạn Hàn Quốc đều nhắc chúng tôi rằng chính chúng tôi mới là linh hồn của nhà máy. Chúng tôi được trao quyền để làm chủ công nghệ, thậm chí phát triển những mảng riêng mà chỉ Samsung Việt Nam mới có,” chị Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ của chị Đoàn Hương Giang

Điển hình nhất, nếu như ở giai đoạn đầu tiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam chỉ tham gia khâu cuối cùng khi sản xuất hàng loạt theo hướng dẫn chi tiết của chuyên gia Hàn Quốc, thì hiện nay toàn bộ các sản phẩm, bao gồm cả những dòng thiết bị hiện đại và cao cấp nhất như Galaxy Note 10/Note 10+ đều được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam trước rồi mới sang công đoạn sản xuất hàng loạt ra thị trường. Điều này có nghĩa là chính những kỹ sư người Việt Nam đã tiếp quản công nghệ, tự sản xuất thử nghiệm, phân tích, đánh giá, điều chỉnh rồi thiết lập nên những dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh hàng loạt sau đó.

Dấu ấn về quyền làm chủ công nghệ không chỉ nằm bên trong những công xưởng sản xuất khổng lồ của Samsung, mà còn được nối dài bởi sự hiện diện của đội ngũ kỹ sư phần mềm người Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển điện thoại Di động Samsung Việt Nam SVMC. Đây cũng chính là nơi chị Giang đang đảm nhận vị trí trưởng phòng kiểm thử các tính năng của điện thoại. Nhiều ứng dụng cho các dòng sản phẩm của Samsung, kể cả những dòng sản phẩm hội tụ công nghệ đỉnh cao nhất (Flagship) cũng đang được các kỹ sư của SVMC phát triển hoặc tham gia đóng góp.

Được thành lập từ năm 2012, đến nay SVMC đã thực hiện hàng trăm dự án lớn nhỏ, trong đó nổi bật là các ứng dụng S Note, “mạng xã hội” PEN.UP cho chiếc bút S Pen - thiết bị gắn liền với dòng Galaxy Note, Smart Switch – một công cụ cực kỳ hữu dụng để chuyển đổi dữ liệu giữa các điện thoại với nhau hoặc từ điện thoại sang máy tính…

10 năm sau cái ngày lịch sử ấy, cả ba nữ kỹ sư trong thế hệ đầu tiên ấy vẫn gắn bó với Samsung bằng một mối lương duyên bền chặt. Loan và Sâm ngày ngày vẫn dành hơn 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ Hà Nội về Bắc Ninh để làm việc. Giang thì chuyển về Trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty trong nội đô. Cả ba đều trở thành những trưởng phòng uy tín và giàu kinh nghiệm. Dù công việc khác biệt, nhưng mỗi lần có cơ hội gặp mặt, họ lại líu ríu cuốn lấy nhau như những ngày… còn trẻ.

Với họ, 10 năm tuổi trẻ rực rỡ nhất cũng chính là 10 năm đồng hành, lớn lên và trở thành những người chủ đích thực của Samsung Việt Nam.

Sản phẩm của VietnamPlus
Những người thực hiện:
Phạm Trung Hiền, Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngọ Xuân Quảng, Phạm Thanh Trà.

Xem thêm

  • Thu hút FDI Thu hút FDI
  • Bệ phóng Bệ phóng
  • Nữ kỷ sư Samsung Nữ kỷ sư Samsung
  • Người mở lối Người mở lối
  • Phúc lợi Phúc lợi
  • Trung tâm R&D Trung tâm R&D
  • Dự án tỷ USD Dự án tỷ USD
  • Thuyền trưởng Thuyền trưởng