Điều kỳ lạ, là phàm những người đã gắn hơn mấy chục năm cuộc đời với những con tàu liên vận giữa hai đầu Tổ quốc đều “tự vận” vào mình nỗi ám ảnh... tàu. Những hồi rú dài, những tiếng bánh xe kin kít xiết chặt vào hơn 17.00 km đường ray, những âm thanh huyên náo mỗi ga dừng... từ lâu đã trở thành thứ nhịp điệu ăn sâu vào máu thịt họ.
Nhắc tới nỗi ám ảnh không tên ấy, Trưởng tàu SE3 Trần Khánh Tâm, khi đã ở sát trước ngưỡng “về vườn” sau 35 năm lăn lộn với hàng trăm chuyến liên vận Hà Nội-Sài Gòn cười buồn buồn bảo: “Lắm lúc, đêm nằm ở nhà mình mà vẫn giật mình vì nhớ tiếng tàu xe...”
Trưởng tàu Trần Khánh Tâm là một trong số những “cựu binh” gắn bó lâu năm nhất với cung đường Bắc Nam như thế. Tính đến nay, vị trưởng tàu người gốc Huế ấy đã “lận lưng” vốn liếng tới 32 năm tuổi nghề và 22 năm phục vụ trên tàu xuyên Việt.
Dáng người đậm thấp, da đen bóng vì thường xuyên phải chịu hơi nóng hầm hập từ các toa xe, anh gây ấn tượng mạnh với người đối diện bằng cái cười lỏn lẻn, hơi bẽn lẽn rất... Nam Bộ. Tâm tự gọi mình là gã “đam mê” tàu, “cuồng” tàu khi gần như cả cuộc đời anh đã được đếm bằng nhịp chạy của những chuyến tàu liên vận.
“Thì đấy, năm 1985 tốt nghiệp ra trường là ngay lập tức mình được làm phục vụ trên tàu. Lúc đầu là những chuyến đi ngắn giữa Sài Gòn và Nha Trang. Sau 10 năm, thì mình chính thức gắn bó với đường sắt Nam Bắc, ” vị trưởng tàu lẩm nhẩm kiểm đếm lại.
Anh vẫn chưa thể quên thời kỳ đầu mới đi tàu hàng tuyến ngắn. Đây là giai đoạn ngành đường sắt nói riêng và ngành giao thông vận tải còn vô cùng khó khăn. Trên chuyến tàu dài cả chục toa xe chỉ có duy nhất hai người phục vụ là trưởng tàu hàng và trưởng tàu an ninh. Anh em phải kiêm thêm đủ thứ chức vụ như bảo vệ, giao nhận hàng, xem xét các sự cố về kỹ thuật.
“Đường đi thì dài ngày. Việc cắt nối các toa tại ga lẻ liên tục diễn ra khiến cho chúng tôi cũng không biết khi nào tàu sẽ cập vào ga cuối. Anh em làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi trên toa trưởng tàu trống huơ trống hoác, không bàn làm việc cũng không có giường. Chỉ trải chiếc chiếu hoặc mắc võng. Ban đêm thì thắp đèn dầu. Tàu dừng ở ga còn đỡ, còn dọc đường, tranh thủ tàu dừng tránh vượt thì xuống suối, xuống khe tắm rửa, vệ sinh hoặc vào nhà dân xin nước,” anh bùi ngùi nhớ lại.
Mặc dù, về sau này, chất lượng của những chuyến tàu đã được nâng lên, nhưng những khó khăn không vì thế mà vơi bớt đi với những người làm nghề phục vụ.
Cực nhất là những dịp gần giáp ngày lễ, tết, lượng người từ khắp mọi nơi ùn ùn đổ về. Những toa xe ì ạch “ngậm” hàng chất ngất và người như nêm cối. Có những hành khách trong lúc nóng giận lại trút vào đầu các anh đủ thứ bực dọc, những ngôn từ chợ búa nhất.
Thoáng lặng lại trong căn phòng nhỏ chỉ chừng 8m2, vị trưởng tàu luống tuổi khe khẽ thở dài: “Nghề tàu thì nỗi buồn thì lắm mà có mấy niềm vui đâu.”
Nhiệm vụ của người Trưởng tàu vất vả hơn mọi người vẫn nghĩ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bằng chất giọng hơi khàn khàn, anh kể: Năm ấy, khách đi tàu rất đông. Khi tới Nha Trang, thì có tới hơn 200 hành khách xuống ga. Cả trăm người khác cũng lục tục chuẩn bị lên tàu, trong khi thời gian dừng chỉ vỏn vẹn 5 phút.
“Lúc đó, tôi đã yêu cầu anh em mở toàn bộ hai cửa để cho khách lên xuống. Tuy nhiên, vẫn có người cố chen lên gây ùn tắc cả đoàn. Tôi bảo: Mọi người cứ từ từ, mặc dù quy định là dừng 5 phút nhưng tàu sẽ không bỏ lại khách. Đến khi nào khách lên xuống đủ mới thôi,” anh Tâm hồi tưởng.
Mới chỉ nói thế, “gã cuồng tàu” Trần Khánh Tâm ngay lập tức bị một số người xông vào chửi xối xả.
“Họ chửi tục lắm, văng vào mặt mình đủ thứ cả. Họ bảo: Chúng mày là dân vô học, lên tàu làm quét dọn chứ làm cái gì mà dạy đời. Thậm chí có người còn định lao vào đánh. Lúc ấy mình ức lắm, tức lắm mà vẫn phải cố nhịn, đợi khách lên hết thì bỏ ra ngoài đoạn nối giữa hai toa, đấm cái rầm vào tường sắt một cái đau điếng,” anh cười hề hề kể lại.
Chuyện khách mắng, chửi, khách gây gổ với đội phục vụ trên tàu vì những lý do trời ơi đất hỡi như thế đã trở thành thứ “gia vị” đắng ngắt mà cũng rất quen thuộc với những người phục vụ. Nhưng không vì thế mà họ nản lòng hay bỏ cuộc. Bởi, đường sắt và những chuyến tàu đã cho họ quá nhiều thứ.
Hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, đi đến đâu trên dải đất hình chữ S này, anh Tâm cũng có bạn bè tay bắt mặt mừng.(Ảnh:Minh Sơn/Vietnam+)
Riêng với trưởng tàu SE3, tàu còn là “ông bà mối” se duyên vợ chồng khi bà xã anh bây giờ là cô gái bán cơm ở ga phố biển anh từng “tán đổ” trong những ngày phục vụ tuyến Sài Gòn-Nha Trang. Tàu cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm khó quên trong đời. Ngày cậu con trai thứ Phương Nam ra đời, anh chỉ kịp bế cháu vào lòng rồi lại vội vã lao mình theo chuyến tàu ra Bắc.
Hơn 30 năm gắn bó với ngành cũng là hàng chục cái Tết xa quê, xa vợ con. Những lúc ấy, tàu lại trở thành một người bạn tri kỷ, chia sẻ mọi khoảnh khắc vui buồn với anh. Tàu mang nỗi nhớ gia đình, tàu chở đầy niềm vui ngày đoàn tụ.
“Lắm lúc, tết đến Xuân về, đưa hành khách ra Bắc xong, nhìn cảnh mọi người đoàn tụ sát giao thừa, anh em trên tàu lại chảy nước mắt vì tủi thân. Xong hết việc, mỗi người lại chui vào một góc riêng mình,” anh thở dài kể lại.
Cực là thế, buồn là thế, nhưng chưa bao giờ những người như anh Tâm nghĩ tới việc sẽ bỏ nghề. Mỗi lần phải xa đường ray, họ lại nhớ tha thiết tiếng còi tàu, tiếng vặn mình ken két của những toa xe, tiếng ồn ào huyên náo trong từng khoang khách. Bởi như họ nói, cả cuộc đời họ đã gắn với tàu.
Nhịp tàu, trong vài chục năm qua, đã vô tình trở thành nhịp thở, nhịp sinh hoạt và lớn hơn nữa, nó hoá thân thành nhịp đời đủ buồn vui của chính họ...