Đang mặn chuyện, trưởng tàu SE3 Trần Khánh Tâm bỗng dừng lại, ngó đăm đăm chúng tôi rồi hỏi: Có bao giờ các bạn nghĩ chúng tôi ngoài việc phục vụ khách trên tàu còn phải làm nhân viên y tế, hộ sinh thậm chí cả người nhặt xác người tai nạn không?

Thấy mấy người trước mặt mắt tròn mắt dẹt, anh cười ha hả, nhấp nhấp ngụm nước chè đặc xịt rồi thủng thẳng: “Không nói ra thì không mấy người biết, nhưng đúng là khi sự cố trên các toa đột ngột phát sinh, chúng tôi đều phải tự tay mình xử lý.”

Trưởng tàu SE3 đang trao đổi với lực lượng an ninh ga khi tàu tạm dừng chờ khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong lịch sử đường sắt từ năm 1986 trở lại đây, có lẽ ngay cả trong mơ, những người táo gan nhất cũng khó có thể tưởng tượng ra việc sẽ có một ngày, cả chuyến tàu Bắc-Nam bị “chặn” lại làm xe cấp cứu bất đắc dĩ để cứu người.

Câu chuyện như chỉ có trong phim hành động ấy lại đã thực sự xảy ra vào khoảng năm 2003-2004 với chính trưởng tàu Trần Khánh Tâm.

Anh nhớ lại: “Năm đó, tôi được phân công đi tăng cường từ Hà Nội vào Sài Gòn. Tới ga Diêu Trì (Bình Định) thì có một nữ hành khách khoảng 30 tuổi mang theo 3 đứa con nhỏ xíu lên tàu.”

Khi tàu chạy gần tới địa phận Nha Trang, bất ngờ, nữ hành khách lên cơn co giật. Chị ngã vật ra giữa khoang ghế ngồi, bọt mép xùi hết ra. 3 đứa nhỏ nhìn thấy mẹ như vậy òa khóc. Cả toa xe bỗng trở nên nhốn nháo, hoảng loạn.

Tổ phục vụ trên tàu lúc này khẩn trương tiến hành sơ cấp cứu nhưng cũng không giúp cho nạn nhân hồi tỉnh trở lại. Lòng nóng như lửa, trưởng tàu Trần Khánh Tâm sử dụng hệ thống loa phát thanh, đề nghị ai có nghiệp vụ về y tế thì tiến hành giúp đỡ.

“May mắn, có một hành khách là bác sỹ đã chạy lên toa. Tuy nhiên, sau khi khám, bác sỹ cho biết: Nạn nhân bị hiện tượng tụt canxi, nếu không được đưa tới bệnh viện kịp thời thì chắc chắn sẽ chết,” anh Tâm nhớ lại.

Cả tổ phục vụ SE17 như ù đi. Tàu trưởng Tâm nhìn lo lắng nhìn đăm đăm ra cửa sổ hông tàu lo lắng. Tàu mới chuẩn bị vào tới ga lẻ Suối Cát để chuẩn bị nhường đường cho SE3 vượt lên theo đúng hành trình. Suối Cát lại cách bệnh viện quá xa, cộng thêm thời gian nhường, tránh hơn 1 giờ đồng hồ theo lịch trình, thì cho dù sau đó chạy vượt “barem tốc độ” cũng vô vọng.

Tàu ngừng ga lẻ Suối Cát. Cả đoàn vội vã đưa bệnh nhân xuống. Lòng ai cũng bồn chồn. Tình trạng của nữ hành khách mỗi lúc một xấu đi. 3 đứa trẻ thì vẫn ngằn ngặt khóc.

“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ: Bằng mọi cách phải xin chặn được SE3. Bằng mọi cách phải gửi bệnh nhân theo tàu nhanh đến ga Ngã Ba gần bệnh xá Cam Ranh thì cô ấy mới có cơ hội sống tiếp,” anh Tâm hồi tưởng.

Nghề làm tiếp viên trên tàu, vui thì ít mà buồn thì nhiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghĩ thế, anh vội vàng liên lạc xin lệnh dừng SE3, mặt khác xin bệnh xá Cam Ranh “chi viện” khẩn một xe cấp cứu đến ga Ngã Ba chờ sẵn. Không khí nóng lên từng phút cho tới khi quyết định cuối cùng được đưa ra. Nhận thấy tình trạng khẩn cấp, tàu SE3 nhận được thông báo sẽ dừng trong vài phút để đón bệnh nhân lên. Một phó tàu cùng nhân viên của SE17 khẩn trương đưa nữ hành khách không may mắn cùng các con lên tàu mới để vun vút lao về phía gần bệnh xá Cam Ranh.

“Chỉ tới khi, các thành viên của đoàn cấp cứu gọi về thông báo bệnh nhân đã được cứu hồi tỉnh, chúng tôi mới thở phào. Cũng cần phải nói thêm, vào thời điểm lúc đó, SE3 là tàu chạy thẳng. Việc xin dừng tàu chạy thẳng là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành đường sắt,” tàu trưởng Tâm tự hào.

Không chỉ làm nhiệm vụ phục vụ hành khách trên tàu, những nhân viên áo xanh đôi lúc còn kiêm luôn nhiệm vụ “đỡ đẻ.” Ngành đường sắt đã chứng kiến không ít những ông bà đỡ “không chuyên” nhưng đầy “duyên nợ” với thiên chức sinh nở của các nữ hành khách.

Kể về lần đầu tiên làm “ông bà đỡ”, Trưởng tàu SE3 cười như được mùa. Anh bảo, bình thường ở nhà, vợ sinh mình còn không dám tham gia đỡ, ai lại nghĩ sẽ có lúc phải giúp người khác vượt cạn trên chính toa xe lửa.

Chiều 26/1/2016, theo nhiệm vụ được phân công, Đoàn tàu Thống nhất SE18 xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chạy ra Hà Nội. Đây là chuyến tàu Tết nên lượng người cũng như hàng hoá rất lớn.

Khi tàu chạy tới ga Đồng Lê (Tuyên Hoá, Quảng Bình) thì đã vào gần nửa đêm. Nhiệt độ bên ngoài chỉ còn 9 độ C.

“Gần nửa đêm thì nhân viên Nguyễn Sỹ Tú phụ trách toa 2 vội vàng báo tin có một nữ hành khách là Bùi Thị Tỉnh, quê ở Nghệ An đang có hiện tượng chuyển dạ sinh,” anh Tâm kể.

Sau khi kiểm tra sức khỏe, tổ tầu một mặt di chuyển sản phụ sang toa giường nằm để tiến hành sơ cấp cứu, mặt khác liên hệ về Điều độ Trung tâm xin cho tàu dừng khẩn tại ga Hương Phố để đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Tuy nhiên, khi tàu còn cách ga vài chục cây số, chị Tỉnh đã chuyển dạ sinh. Tình huống cấp bách buộc trưởng tàu SE18 phải đưa ra quyết định: Toàn tổ tàu sẽ trở thành những ông bà đỡ bất đắc dĩ ngay trên hành trình.

Lúc này, các nhân viên nam nhận nhiệm vụ căng rèm che chắn gió và đảm bảo sự riêng tư cho sản phụ. Các nhân viên nữa sẽ trực tiếp tham gia đỡ đẻ.

“Ban đầu ai cũng lóng ngóng và căng thẳng vì chưa làm việc này bao giờ. Có người còn phải gọi điện cho người nhà để hỏi cách đỡ,” anh Tâm hồi hộp.

Bởi vậy, mặc dù nhiệt độ mỗi lúc một xuống sâu hơn nhưng cả đoàn ông bà đỡ không chuyên của SE18 lại đều đầm đìa mồ hôi. Chỉ khi thấy đầu cháu bé lọt qua cửa mình, mọi người mới cất được gánh nặng.

“Nghe tiếng khóc của bé chúng tôi sướng lắm, vui lắm. Không gì diễn tả được cảm giác lúc ấy nữa,” anh rạng rỡ nói.

Trưởng tàu SE3 Trần Khánh Tâm đang trao đổi với Phó trưởng tàu về hành trình từ Bắc đến Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Lịch sử ngành đường sắt cũng đã ghi lại nhiều “ông bà đỡ bất đắc dĩ” tương tự. Đó là trường hợp của trưởng tàu SE8 Nguyễn Tấn Tài với 3 lần mát tay đón mẹ tròn con vuông trên chuyến liên vận Thống Nhất. Đó là chuyện của tổ tàu TN2 giúp sản phụ vượt cạn thành công trên tàu SE6 giữa năm 2015.

Nói về hành động của mình cũng như các đồng nghiệp, anh Tâm cho biết: "Những sự cố xảy ra với hành khách là ngoài ý muốn nên mình phải biết chia sẻ, cảm thông, làm hết trách nhiệm giúp đỡ họ. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì giúp đỡ được nhiều người, đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách.”

+

Ám ảnh những cung đường chết

Một trong những điều đáng sợ nhất đối với những trưởng, phó tàu sắt Thống Nhất là những vụ tai nạn kinh hoàng dọc đường đi. Trong các vụ việc này, họ phải làm thêm nhiệm vụ nhặt xác, vận chuyển hết sức ám ảnh.

Một trưởng tàu xin được giấu chia sẻ: Đêm giao thừa năm 2010, anh đã từng ngồi trên xe ôtô, sát ghế là chiếc quan tài của một chàng trai tự tử lao qua ô cửa sổ của toa tàu chỉ vì cãi nhau với người yêu khi chuẩn bị về ra mắt nhà trai. Những người ngồi trên chuyến xe đó phải dấm dúi ăn cơm hộp ven bụi rậm tối um bên đường bởi trên xe đang chở một sinh linh đã về bên kia thế giới.

Rong ruổi hành trình từ 21h tối 30 ở Đồng Hới đến 5h sáng mùng 1 Tết, anh mới tới được Phủ Lý để đưa nạn nhân về quê theo ý nguyện của gia đình.

Còn trưởng tàu SE3 Trần Khánh Tâm cũng có những trải nghiệm không thể quên với những vụ tai nạn thảm khốc trên đường sắt. Anh cho biết, bản thân anh đã phải trực tiếp nhặt từng mẩu thịt người vương vãi trên ray tàu.

“Đó là một cảm giác rất tồi tệ, rất buồn mà không ai muốn gặp phải,” anh thành thật.