Bóng đá "phủi" và "những người tình không bao giờ bội bạc"

Bóng đá "phủi" và "những người tình "không bao giờ bội bạc"

Tháng Tám này, hàng chục nghìn người hâm mộ bóng đá tại Hà Nội đang sục sôi vì những trận cầu nảy lửa của giải bóng đá "phủi" trên sân Bộ Công an vào chiều Chủ Nhật hàng tuần.
Bóng đá "phủi" và "những người tình "không bao giờ bội bạc" ảnh 1Hàng nghìn người hâm mộ kéo tới xem giải "phủi" Hà Nội. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)

Tháng Tám này, hàng chục nghìn người hâm mộ bóng đá tại Hà Nội đang sục sôi vì những trận cầu nảy lửa trên sân Bộ Công an vào chiều Chủ Nhật hàng tuần. Đó là nơi diễn ra giải bóng đá Ngoại hạng Hà Nội lần 2 - giải bóng “phủi” của những người yêu bóng đá Hà thành.

Trong các giải đấu chuyên nghiệp, ban tổ chức thường phải xoay sở tìm cách đưa khán giả đến sân. Nhưng ở Hanoi Beer HPL-S2, một giải đấu cấp... nghiệp dư, ban tổ chức lại phải trăn trở tìm cách để có đủ chỗ ngồi cho khán giả. Ngồi ở sân, thỉnh thoảng còn nghe ban tổ chức “phàn nàn” với nhau một cách rất sung sướng rằng chẳng lẽ lại bán vé cho khán giả bớt đông.

Ngày khai mạc HPL-S2 2014, khán giả đã phải trèo lên nóc nhà sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ câu lạc bộ Hà Nội (Mỹ Đình) để có thể theo dõi các trận cầu. Ngay sau đó, ban tổ chức đã phải đổi địa điểm thi đấu sang sân Bộ Công an để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ. Số lượng khán giả tăng từ 6 ngàn người lên 17 ngàn người chỉ sau một tuần - một con số đáng kinh ngạc.

Sang tuần này (lượt trận ba), lượng khán giả không hề có dấu hiệu giảm xuống mà còn tăng mạnh hơn. Để tiện so sánh, số lượng khán giả trung bình trên sân nhà của Hà Nội T&T sau 24 trận V-League là 3.667 người/trận. Sân Hàng Đẫy cũng có sức chứa hơn 20 ngàn chỗ ngồi và tọa lạc ngay ở trung tâm thủ đô.

Trong khi đó, “nhà vô địch khán giả” tại V-League là Than Quảng Ninh cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình 10.182 người/trận.

Lịch thi đấu vòng hai HPL trùng với lịch vòng cuối V-League. Lịch thi đấu vòng ba HPL cũng trùng với trận chung kết Cúp quốc gia. Nhưng khi hỏi người hâm mộ trên sân Bộ Công an về những trận đấu này, họ đều trả lời “không hề biết” và nếu biết thì “vẫn sẽ chọn đến xem giải phủi," thay vì đi xem V-League

Bóng đá "phủi" và "những người tình "không bao giờ bội bạc" ảnh 2Nếu được chọn, cổ động viên bóng "phủi" liệu có tới xem V-League. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)

Bạn Nguyễn Thị Ngọc - một cổ động viên trên sân Bộ Công an thẳng thắn chia sẻ lý do chọn sân “phủi” là vì: “Họ cống hiến cho khán giả bằng lối bóng đá đẹp, không giống như những sân chơi chuyên nghiệp hiện nay.”

Huấn luyện viên Đặng Phương Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Bóng đá phủi là một thứ bóng đá sạch. Trong bối cảnh V-League - bóng đá chuyên nghiệp, đang để cho người ta nhiều thất vọng thì khi ra đây, người ta được sống với không khí bóng đá rất sôi động và thoải mái.”

Vụ bán độ năm 2005 của Lê Quốc Vượng tại SEA Games 25 đã để lại một vết nhơ trong nền bóng đá nước nhà. Và cũng từ đấy, cái tên Quốc Vượng hoàn toàn biến mất khỏi sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng tại HPL - S2 lần này, người ta lại thấy anh xuất hiện trong màu áo của một đội bóng nghiệp dư với lối đá trưởng thành và điềm tĩnh hơn. Chứng kiến số lượng cổ động viên khổng lồ trên sân “phủi”, Quốc Vượng không hề tỏ ra bất ngờ. Anh thành thật chia sẻ: “Khán giả là người đánh giá cầu thủ tinh tường nhất. Cầu thủ thi đấu không hết mình thì người ta không xem. Họ đến đây để thỏa nguyện đam mê với bóng đá. Cầu thủ đá thật và hết mình thì khán giả ủng hộ. Vì khán giả bây giờ thích bóng đá đẹp, bóng đá sạch. Họ đến đây để xem các cầu thủ cống hiến những pha bóng đẹp, thi đấu hết mình mà chẳng cần mục đích gì khác cả.”

Còn nhớ, tháng Một vừa qua, trong trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản, hàng nghìn cổ động viên đã bỏ về khi trận đấu vẫn còn 15 phút. Sau đấy, một số tờ báo đã gọi người hâm mộ là “những người tình bội bạc”. Thế nhưng, tháng Tám này, tại một giải bóng đá không chuyên và được “cảnh báo” là nếu muốn thưởng thức một trận đấu trọn vẹn thì “thận phải khỏe,” vì nếu muốn đứng lên đi.... vệ sinh, ắt sẽ mất chỗ khi người hâm mộ cứ ùn ùn kéo đến sân.

Họ cổ vũ, họ gào thét, họ vui cùng cầu thủ, buồn cùng cầu thủ và không hề bỏ rơi đội bóng bất kể nắng to mưa lớn. Một “người tình bội bạc” thực sự có hành xử như thế?

Người hâm mộ không bao giờ phản bội bóng đá, mà có thể là ngược lại.

Bóng đá "phủi" và "những người tình "không bao giờ bội bạc" ảnh 3Ảnh chụp tại chung kết Cúp quốc gia trên sân Lạch Tray - trận đấu hiếm hoi mà người hâm mộ đất cảng tới sân rất đông ở mùa giải 2014. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục