Những người hái ra tiền nhờ đam mê thể thao

Ai cũng biết, làm thể thao là khổ và thiếu thốn, nhưng ở TP.Hồ Chí Minh vẫn có những người  "sống khỏe" bằng năng lực và đam mê thể thao.
Ai cũng biết, trở thành vận động viên là…khổ. Chỉ vì lương tháng không như người ta mà thể thao Thành phố Hồ Chí Minh gần đây phải “mệt tim” chì chuyện chảy máu tài năng. Nhưng vẫn có những huấn luyện viên, vận động viên Thành phố Hồ Chí Minh sống khỏe bằng năng lực và đam mê thể thao của mình.

Trở thành chủ doanh nghiệp nhờ cờ vua

Sinh năm 1972, và chơi cờ vua từ năm 9 tuổi, Từ Hoàng Thông là đại kiện tướng quốc tế đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Người hâm mộ vẫn nhớ sự kiện Từ Hoàng Thông không chịu “bán độ” theo đề nghị của một kỳ thủ Australia khi anh dự giải truyền thống tại đây hồi tháng 7/1995.

Giải thưởng hạng nhất của Thông là 300 USD, trong lúc “thù lao” bán độ là 700 USD. Dám từ chối món tiền “trời cho” nhờ cờ vua, nhưng Từ Hoàng Thông lại nhờ cờ vua mà tích lũy được “gia tài” riêng.

Năm 1997, Thông là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên được Tổng thư ký FIDE, Ignatius Leong mời dạy cờ dài hạn cho học sinh ở Singapore.

Từ năm 1997-2000, Thông làm việc cho công ty Int-chess do Leong thành lập, sau đó chuyển sang công ty Power Chess. Sau khi trừ các chi phí, Thông để dành gần 1.000 USD/tháng từ thu nhập dạy cờ ở Singapore.

Năm 2006, Từ Hoàng Thông về lại Việt Nam vì quá ngán ngẩm cái cảnh làm thuê xứ người, vật chất có vẻ ngon lành nhưng tinh thần thì nặng trĩu, như tâm sự: “Tôi rời khỏi nhà trọ từ 13 giờ-22 giờ mỗi ngày vì phải chạy “show” giữa các địa điểm khác nhau. Trong lúc đợi đến giờ dạy ca sau, tôi ra công viên, và luôn đem theo cái radio nhỏ bên người bởi cứ sau 18 giờ là có thể “bắt” được sóng phát thanh của đài Tiếng nói Việt Nam, hoặc đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho đỡ nhớ nhà”.

Về quê nhà, đang từ thu nhập cả ngàn USD, nay là vận động viên với hơn 2 triệu đồng/tháng, Từ Hoàng Thông lại tìm cách cải thiện thu nhập bằng kinh nghiệm dạy cờ, lần này là dạy qua Internet. Từ tháng 3-7/2007, Từ Hoàng Thông có học trò đầu tiên là một thanh niên người Mỹ gốc Hoa, với học phí “mềm” 30 USD/giờ. Kết quả 5 tháng thọ giáo Đại kiện tướng quốc tế Từ Hoàng Thông là anh này phấn khởi khoe mình vừa đoạt chức vô địch một giải nghiệp dư với tiền thưởng 1.270 USD.

Tháng 5/2009, anh em song sinh Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái thành lập công ty cổ phần thể thao Trí Tuệ, gồm 3 cổ đông, để kinh doanh trường dạy cờ Smart Chess Training School tại khu Hưng Phước II-Phú Mỹ Hưng.

Mới xuất hiện, nhưng trường cờ tư nhân gần như đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh dám thuê cơ sở vật chất ở khu đô thị hạng sang như Phú Mỹ Hưng, học phí lớp căn bản 350.000 đồng/khóa (4 buổi), lớp sơ cấp là 1.040.000 đồng/khóa (8 buổi), lớp trung cấp là 1.360.000 đồng/khóa (8 buổi) cao hơn hẳn so với nhiều câu lạc bộ dạy cờ vua của ngành thể dục thể thao (có chỗ còn miễn phí dịp hè).

Sự liều lĩnh này, hóa ra có cơ sở, vì phương châm dạy cờ ở đây là “học mà chơi”, với giáo trình do đại kiện tướng quốc tế Từ Hoàng Thông, kiện tướng quốc tế Từ Hoàng Thái tự soạn thảo và đúc kết bằng kinh nghiệm dạy cờ vua ở Singapore, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt.

Mới đây, “ông chủ” Từ Hoàng Thông khoe là đã thu hồi vốn, và có lãi. Đúng là hào quang của vận động viên đỉnh cao với anh em họ Từ thu hút học viên buổi đầu, nhưng không thể phủ nhận sự đầu tư nghiêm túc vào việc dạy và học ở trường cờ này, trong đó thế mạnh giảng dạy “ngon lành” bằng tiếng Anh đã giúp họ có những học trò ngoại quốc học cờ rất chăm chỉ. Theo đại kiện tướng quốc tế Từ Hoàng Thông, dạy cờ cho trẻ em là mơ ước từ lâu của anh.

Cầu lông là lẽ sống

Tập cầu lông từ năm 12 tuổi (1984), đến năm 1988, Nguyễn Anh Hoàng khoác áo đội tuyển Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay năm sau, anh đoạt ngôi vô địch quốc gia đơn nam. Suốt từ đó đến năm 2000, Anh Hoàng là tay vợt số 1 Việt Nam với thành tích rất đáng nể: 9 lần vô địch quốc gia đơn nam, 11 lần vô địch đôi nam, 12 lần vô địch đồng đội.

Chuẩn bị cho khúc quanh nghỉ thi đấu vào cuối năm 2002, từ năm 2001, Anh Hoàng mở cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao và sớm nhận được sự hỗ trợ của đại diện hãng Pro Ace tại Việt Nam. Giao khoán “tay hòm chìa khóa” cho hai chị ruột, Anh Hoàng nhận phần “chạy chợ” bên ngoài để tìm đại lý phân phối hàng hóa ở các tỉnh, thành khác; rồi mở rộng qua Campuchia từ năm 2003.

Trong số khách hàng quen thuộc, có người còn trở thành Mạnh Thường Quân, như chú Phước tài trợ 1.000 USD/năm cho Liên đoàn Cầu lông Thành phố Hồ Chí Minh, rồi tài trợ vợt Yonex cho vận động viên đội tuyển thành phố dự SEA Games 22.

Điều này khiến Anh Hoàng xúc động nhận ra: “Nhờ được rất nhiều người xa lạ ủng hộ khi tập tành buôn bán, tôi mới biết một chút thành tích thể thao của mình vẫn được xã hội trân trọng”. Còn trong mắt khách hàng thân thuộc, Nguyễn Anh Hoàng vẫn giữ được cái “chất” chuyên môn khi.. buôn bán, chẳng hạn không vì chạy theo lợi nhuận mà tư vấn cho khách hàng mua đồ đắt tiền.
 
Thời nay, sân cầu lông mọc như nấm vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thuê sân giờ cao điểm, nhiều huấn luyện viên làng nhàng có thu nhập vài chục triệu mỗi tháng, huấn luyện viên từng giữ vai trò huấn luyện viên trưởng cầu lông Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Anh Hoàng vẫn giữ nguyên tắc tối đa 6 học viên/nhóm chứ không nhận học viên ào ào để thỏa sức kiếm tiền.

Anh Hoàng cũng không “phá sức” mà chỉ dạy 2 giờ cho các buổi sáng, chiều mà vẫn đạt thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng nhờ sẵn có “thương hiệu” 9 lần vô địch quốc gia đơn nam.

Đến nay, Nguyễn Anh Hoàng có 26 năm gắn bó với cầu lông ở nhiều vai trò vận động viên, huấn luyện viên đỉnh cao, doanh nghiệp, huấn luyện viên phong trào. Và anh nghiệm ra rằng: “Ở công việc nào, tôi cũng phải thể hiện bằng năng lực và trách nhiệm của mình để có được thu nhập đảm bảo cho gia đình mình sống vui, sống khỏe”./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục