Saudi Arabia "phản pháo" quyết định hạ bậc của S&P

Saudi Arabia "phản pháo" quyết định hạ bậc tín nhiệm của S&P

Saudi Arabia ngày 31/10 đã lên tiếng chỉ trích hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor (S&P) vì đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này, với nguyên nhân là giá dầu sụt giảm.
Saudi Arabia "phản pháo" quyết định hạ bậc tín nhiệm của S&P ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wsj.com)

Saudi Arabia ngày 31/10 đã lên tiếng chỉ trích hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor (S&P) vì đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này, với nguyên nhân là giá dầu sụt giảm.

Hãng thông tấn quốc gia SPA trích dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Saudi Arabia cho rằng quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Riyadh hai lần chỉ trong một năm (từ AA- với triển vọng tích cực xuống A+ với triển vọng tiêu cực) chỉ vì giá dầu sụt giảm là "một động thái vội vàng, không công bằng, cũng không phản ánh thực tế” mà chỉ dựa vào những yếu tố nhất thời và không bền vững.”

Theo Bộ này, S&P đã không xét đến khả năng tài chính vững chắc của Saudi Arabia với nguồn dự trữ ngoại tệ và khối tài sản lớn.

Trước đó, S&P ngày 30/10 đã tiến hành hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của Saudi Arabia xuống A+, đồng thời giữ nguyên đánh giá “triển vọng tiêu cực” đối với quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, sau khi thâm hụt ngân sách của nước này tăng mạnh vì giá dầu lao dốc.

S&P cho hay quyết định này phản ánh những thách thức đối với Riyadh trong nỗ lực nhằm cải thiện cán cân tài chính công của Saudi Arabia trước những bất ổn trên thị trường năng lượng, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hạ xếp hạng của thành viên quan trọng trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này, nếu Riyadh không thể cắt giảm thâm hụt ngân sách chính phủ.

Năm ngoái, Saudi Arabia ghi nhận thâm hụt ngân sách 17 tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2009. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự đoán con số này có thể sẽ tăng vọt lên khoảng 130 tỷ USD trong năm nay.

Theo S&P, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đã chiếm tới 16% GDP của nước này trong năm 2015, so với mức chỉ 1,5% GDP được ghi nhận trong năm ngoái, khi thị trường năng lượng xuống dốc. Để giải quyết tình trạng trên, Riyadh cần cắt giảm các khoản đầu tư chính và các khoản trợ cấp năng lượng, nước cũng như nhiên liệu trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục