[Video] Tham vọng lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Trung Quốc quá xa vời

Trung Quốc đang nuôi hy vọng củng cố vị thế của một cường quốc và dẫn dắt sân chơi kinh tế thế giới với nhiều đề xuất táo bạo, tuy nhiên những tham vọng này còn rất xa để trở thành hiện thực.

Trong vai trò chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc đang hy vọng sẽ củng cố vị thế như một cường quốc toàn cầu và là người dẫn dắt sân chơi kinh tế thế giới với nhiều đề xuất táo bạo. Tuy nhiên, những tham vọng của Bắc Kinh được cho là còn rất xa để trở thành hiện thực.

Thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang là đại bản doanh của nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc. Công nghệ thông tin chiếm 23% GDP của Hàng Châu, đóng góp hơn 45% vào tăng trưởng GDP của thành phố này trong năm 2015.

Có thể nói, Hàng Châu được cho là hiện thân của sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất chi phí thấp sang phát triển bằng công nghệ cao.

Vì vậy, việc chọn thành phố này làm nơi đăng cai hội nghị G20 là thông điệp của Trung Quốc rằng G20 nên tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế theo phương châm “nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối với nhau,” phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi chậm chạp, Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội là nước chủ nhà đăng cai hội nghị G20 để đưa ra những “liều thuốc” mới, thúc đẩy tiềm năng kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn theo hướng đổi mới, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp mới và nền kinh tế kỹ thuật số, từ đó mang lại “sức sống mới” cho nền kinh tế thế giới và xa hơn là phục vụ tham vọng của Trung Quốc: trở thành nước điều hành kinh tế toàn cầu.

Trước hết là vấn đề của Trung Quốc. Trong khi kêu gọi chính sách “cởi mở về thương mại và đầu tư” để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, Trung Quốc lại bị chỉ trích là “chơi sai luật” khi có cáo buộc rằng chính phủ nước này trợ giá cho các ngành công nghiệp địa phương để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế.

Không những vậy, Bắc Kinh muốn các quốc gia phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng chính Trung Quốc lại không làm gì nhiều để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

[Video] Tham vọng lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Trung Quốc quá xa vời ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp 20 tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)
(Vnews)