Các công ty "nhóm A" sẽ định hình kinh tế toàn cầu

Các công ty hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng và sẽ định hình kinh tế toàn cầu thập kỷ tới.
Các công ty hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng tại các khu vực và sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.

Đây là kết luận mới nhất của một nghiên cứu do Nhóm Tư vấn Boston (BCG) thực hiện và công bố ngày 15/1.

Nghiên cứu có tên "Những liên minh và các đối thủ" của BCG đã chỉ ra rằng, trong tốp 100 các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, các công ty đến từ các nền kinh tế mới nổi (tạm gọi là Nhóm A), đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm ưu thế vượt trội.

Ngoài các đại diện của hai cường quốc châu Á nói trên, còn phải kể tới các doanh nghiệp đến từ 15 nước đang phát triển khác như công ty chế tạo máy bay Embraer của Brazil, Golden Agri-Resources của Indonesia, Công ty dầu khí Petronas của Malaysia và các công ty khác đến từ Mexico, Nga, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia của BCG cho biết những công ty đến từ các nền kinh tế mới nổi đã bỏ xa đối thủ đến từ các nước phát triển (tạm gọi là Nhóm B) trên phương diện địa bàn hoạt động, khả năng tạo việc làm mới, hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.

Trong giai đoạn 2008-2011, các công ty Nhóm A đạt mức tăng trưởng bình quân 16%, gấp bốn lần so với đối thủ thuộc Nhóm B đến từ các nước giàu. Thu nhập trung bình của những công ty này năm 2011 là 26,5 tỷ USD, cao hơn mức thu nhập 21 tỷ USD của các công ty phi tài chính có tên trong danh sách 500 công ty có mức vốn hóa trên thị trường lớn nhất tại Mỹ.

Theo BCG, các công ty Nhóm A là những "người chơi" đầy bản lĩnh và tiềm năng trên sân chơi toàn cầu và sẽ định hình nền kinh tế thế giới trong một thập kỷ tới, đặc biệt trong các lĩnh vực vốn là ưu thế của các công ty Nhóm B như chế tạo máy bay, trang thiết bị y tế, điện thoại di động và thương mại điện tử.

BCG cho rằng những doanh nghiệp này có lợi thế bởi lẽ họ đang hưởng lợi từ chính những thị trường mới nổi có sức cầu lớn với người tiêu dùng có thu nhập ổn định.

BCG cũng chỉ ra trong khi những công ty thuộc Nhóm B chỉ tập trung vào các thị trường trong khu vực, thì các đối thủ Nhóm Á lại có tầm nhìn xa hơn khi bắt tay làm ăn với các nước cũng đang nổi lên hoặc các quốc gia ở châu lục khác có nguồn tài nguyên dồi dào.

Chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng xâm nhập thị trường châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, nơi tập trung những nền kinh tế đang lên của thế giới.

Trong khi đó, một nghiên cứu riêng của ngân hàng HSBC chỉ ra rằng các doanh nghiệp Nhóm B đều không làm ăn hiệu quả bằng các đối thủ Nhóm A khi đầu tư vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tuy nhiên, BCG cũng cảnh báo rằng sự thành công của những công ty thuộc Nhóm A không bền vững và những doanh nghiệp này dễ bị những đối thủ tiềm năng khác qua mặt.

Trong danh sách mà BCG công bố, có bảy công ty vẫn giữ vững vị trí hàng đầu của mình trong bảy năm qua gồm: Hãng hàng không Emirates của Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Tập đoàn sản xuất ximăng Cemex của Mexico, các công ty khai mỏ ở Brazil.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục