Theo một nghiên cứu quốc tế được công bố ngày 25/4, hơn 50% ô nhiễm nhựa từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu có liên quan 56 công ty sản xuất.
Nghiên cứu được đăng trên trang chủ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), theo đó 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan khoa học quốc gia của Australia và CSIRO, đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.
Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle của Thụy Sĩ và công ty thực phẩm Danone của Pháp đều chiếm 3%. Trong khi đó, 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.
Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra rằng lượng ô nhiễm nhựa có thương hiệu và không thương hiệu ngoài môi trường ở mức gần tương đương nhau.
Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Kathy Willis của tổ chức CSIRO nhấn mạnh, những phát hiện trên cung cấp hiểu biết mới về những sản phẩm nhựa thải ra môi trường và nêu bật tầm quan trọng của các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trong số các giải pháp có các thiết kế sản phẩm an toàn và bền vững giúp cắt giảm nhu cầu toàn cầu về sản phẩm mới và tăng khả năng tái sử dụng, sửa chữa, cũng như tái chế.
Nhà nghiên cứu Willis cũng kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế cải thiện việc xây dựng thương hiệu bao bì để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình về ô nhiễm nhựa./.
Xây dựng công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa
Giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm chung, song cần có sự phân biệt và bảo đảm chuyển đổi công bằng trên cơ sở hoàn cảnh, trình độ phát triển và năng lực của từng nước.