Xây dựng công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa

Giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm chung, song cần có sự phân biệt và bảo đảm chuyển đổi công bằng trên cơ sở hoàn cảnh, trình độ phát triển và năng lực của từng nước.

Rác thải nhựa tại điểm thu thập rác ở Lhokseumawe, tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Rác thải nhựa tại điểm thu thập rác ở Lhokseumawe, tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Đây cũng là vòng đàm phán áp chót của các bên tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa. Nước chủ nhà Canada đang nỗ lực để có thể đảm bảo đạt được 70% sự đồng thuận trước khi đi tới thống nhất vào cuối năm 2024 ở Busan, Hàn Quốc.

Mục tiêu đầy tham vọng là như vậy nhưng việc chấm dứt rác thải nhựa sẽ không thể đạt được nếu trong bộ công cụ pháp lý quốc tế nêu trên không đưa ra được những giới hạn đối với việc sản xuất nhựa.

Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cũng đã đề cập tới vấn đề này khi phát biểu rằng một thỏa thuận nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ thất bại nếu không bao gồm một số giới hạn đối với ngành sản xuất nhựa.

Ý tưởng về việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa được đưa ra tháng 3/2022, với mục tiêu tiến hành 5 vòng đàm phán để đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay.

ttxvn_rac thai nhua 2.jpg
Rác thải nhựa trôi trên Ấn Độ Dương, gần thị trấn Ahangama ở Galle, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Inger Andersen, đánh giá đây sẽ là thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất mà thế giới đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ sau Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, bởi ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt.

Theo số liệu của UNEP, hiện thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa mỗi năm và chưa đến 10% số này được tái chế. Hơn 25% lượng rác thải nhựa được vứt bừa bãi ra môi trường và đang gây hại cho con người cùng môi trường thiên nhiên.

Tuy nhiên, sau 3 vòng đàm phán, các bên vẫn chưa thống nhất được cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ hợp chất polymer đến sản xuất sản phẩm, đóng gói và thải bỏ.

Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya… kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm.

Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa. Theo những quốc gia này, hiệp ước cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, thông qua khái niệm "tuần hoàn nhựa" bởi nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là "việc quản lý chưa hiệu quả" nhựa và chất thải nhựa.

Do đó, tại vòng đàm phán thứ tư diễn ra trong tuần này, các bên phải tìm cách thu hẹp bất đồng, thống nhất được một số vấn đề chung trước khi diễn ra vòng đàm phán cuối mang tính quyết định (INC-5) vào tháng 11 tới tại Busan.

ttxvn_rac thai nhua 3.jpg
Vận chuyển rác thải nhựa tại Lahore, Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cho tới nay, khoảng 130 nước ủng hộ mạnh mẽ việc yêu cầu các công ty nhựa phải công bố số lượng nhựa đang sản xuất cũng như các loại hóa chất sử dụng trong quy trình này. Với dự kiến, sản lượng nhựa có thể sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060, những người ủng hộ cho rằng những thông tin như vậy là bước cơ bản đầu tiên trong việc kiểm soát rác thải nhựa có hại.

Giám đốc UNEP Inger Andersen nhận xét các nước đang có sự đồng thuận trong việc loại bỏ sử dụng nhựa trong những lĩnh vực có thể dùng sản phẩm khác thay thế. Thế giới vẫn tiếp tục cần nhựa cho những mục tiêu cụ thể như công nghệ năng lượng tái tạo. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói rằng việc sử dụng nhựa một lần và ngắn hạn nên kết thúc.

Theo các nhóm môi trường, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm lượng sản xuất nhựa là cách duy nhất để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường.

Greenpeace - nhóm môi trường hoạt động nổi trội tại vòng đàm phán này, đang mong muốn vận động để thỏa thuận sẽ gồm việc giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhựa lại cho rằng chưa cần phải có ngay hạn định bởi các vật liệu thay thế có giá thành cao và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để cho ra sản phẩm.

Nhà vận động không rác thải nhựa Marian Ledesma của Greenpeace cho rằng với việc giảm sản xuất nhựa, điều các chính phủ có thể làm là đảm bảo cho người lao động trong ngành này được chuyển đổi sinh kế. Hiện là thời điểm thích hợp để áp dụng các hệ thống tái sử dụng hay tái tạo vì chúng cũng mang lại cơ hội về việc làm, khả năng tiếp cận và lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, chứ không chỉ riêng cho một ngành nào.

Giám đốc chương trình về nhựa Karen Wirsig của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Canada nhận xét thế giới đang phải đối mặt với tác hại của số lượng sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do các nhà sản xuất chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Đã đến lúc phải kết thúc thực trạng gây hại cho môi trường này. Tuy nhiên, cách tiến hành và lộ trình thực hiện như thế nào cũng là điều rất quan trọng do mỗi quốc gia có một trình độ phát triển và hoàn cảnh riêng, không thể áp dụng một công thức chung.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tham dự INC-4, nêu rõ là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam ủng hộ thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Đây sẽ là bộ khung để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường xung quanh vấn đề rác thải nhựa.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng cần bao gồm cả trách nhiệm của các quốc gia, với những mức độ khác nhau và phù hợp với trình độ cũng như năng lực phát triển của nước đó.

ttxvn_rac thai nhua 4.jpg
Rác thải nhựa trên những tảng băng ở Vaasa, Phần Lan, ngày 8/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng vì bên cạnh những biện pháp kiểm soát, cũng phải tính tới phương pháp thực hiện, trong đó có việc hỗ trợ về tài chính, công nghệ hay năng lực để các nước đang phát triển đảm bảo tốt hơn những đóng góp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Nói cách khác, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm chung, song cần có sự phân biệt và bảo đảm chuyển đổi công bằng trên cơ sở hoàn cảnh, trình độ phát triển và năng lực của từng nước, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển. Việc chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra theo lộ trình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia. Đó có thể là hướng tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa.

Như nhận định của Bộ trưởng Guilbeault, việc đạt được thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay sẽ đánh dấu một trong những quyết định môi trường quan trọng nhất và có ý nghĩa lớn, bởi đây là thỏa thuận đầu tiên nhằm đoàn kết thế giới xung quanh mục tiêu chung là chấm dứt ô nhiễm nhựa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục