"Cần tách biệt quản lý cạnh tranh và bộ ngành ban hành chính sách"

"Luật cạnh tranh, kể cả các hình thức xử phạt phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương.”
"Cần tách biệt quản lý cạnh tranh và bộ ngành ban hành chính sách" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo phát triển thị trường. Luật cạnh tranh, kể cả các hình thức xử phạt phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương.”

Đây là một trong những điểm nhấn được tiến sĩ Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng, Ủy viên ban Năng suất, Australia trao đổi tại buổi Tọa đàm “Thể chế quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức.

- Theo ông, những kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam trong thực thi các quy định pháp luật hướng tới thúc đẩy cạnh tranh công bằng?

Tiến sĩ Warren Mundy: Thúc đẩy cạnh tranh hướng tới kinh tế thị trường đối với những nền kinh tế chuyển đổi khi mà phần lớn các hoạt động cung cấp dịch vụ công trước đây đều do nhà nước thực hiện là thách thức đáng kể, bên cạnh đó khu vực tư nhân lại chưa thực sự phát triển.

Trong khi đó, một khuôn khổ cạnh tranh hiệu quả phải đảm bảo được tính minh bạch, uy tín và trách nhiệm giải trình.

Theo đó, các thể chế cần phải rõ ràng, có chức năng riêng biệt. Cụ thể, Việt Nam cần có sự tách biệt giữa cơ quan quản lý cạnh tranh với các bộ ngành chịu trách nhiệm ban hành chính sách.

Bên cạnh đó, thể chế thiết kế phải cho phép quyền kháng cáo khi cần thiết cũng như quyền khởi kiện ra tòa nếu các quy định là trái pháp luật.

Cũng tương tự như những quốc gia mới chuyển đổi, Việt Nam cũng phải đổi mặt với những thách thức trong việc phát triển thể chế mới, đó là việc xây dựng uy tín với các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó là hiện tượng tái định hình mối quan hệ giữa quyền lực và kinh tế hiện có.

Ngoài ra vấn đề nguồn lực cũng là một thách thức không nhỏ, để có được cơ quan quản lý độc lập và hiệu quả đòi hỏi phải có đủ nguồn lực về tài chính, năng lực lãnh đạo và đội ngũ nhân viên, chuyên gia tra vấn có trình độ.

Trong khuôn khổ Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý cần được xây dựng quy định trên cơ sở thực tiễn với sự cân nhắc về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật nói chung và thực tiễn quản lý cần phải được cơ cấu dựa trên giả định các doanh nghiệp đều là nhỏ. Các doanh nghiệp lớn có thể yêu cầu các quy định đặc biệt (như độc quyền tự nhiên, các dịch vụ thiết yếu, rủi ro môi trường, vấn đề an ninh quốc gia…) song chỉ có thể xác định dựa trên đặc điểm từng ngành.

- Theo đánh giá chung, những quy định pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam là khá tương đồng với quốc tế, song trong qua thực thi lại có khoảng cách khá xa, theo ông vấn đề là ở đâu?

Tiến sĩ Warren Mundy: Cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo phát triển thị trường. Luật cạnh tranh, kể cả các hình thức xử phạt, phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương.

Các trường hợp áp dụng miễn trừ đối với bất kỳ công ty hoặc nhóm công ty nào, luật cần quy định rõ thời quan nhất định nếu có việc miễn trừ để phục vụ cho các lợi ích công.

Tôi nhấn mạnh, các hình thức xử phạt nên phản ánh đầy đủ mức độ thiệt hại kinh tế đã gây ra. Theo đó, luật cần phải cung cấp các quyền thực thi theo sơ đồ kim tự tháp, đi từ quyền thu thập thông tin, cam kết thi hành, lệnh của tòa án, tố tụng dân sự và trường hợp nghiêm trọng sẽ phải áp dụng tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của luật không phải là truy tố sai phạm mà mức độ cần thiết là nhằm ngăn chặn cũng như hướng dẫn hành vi của các công ty trong tương lai.

- Vậy, thể chế quản lý và thực thi các quy định về thúc đẩy cạnh tranh công bằng cần phải quy định rõ những hành vi gì?

Tiến sĩ Warren Mundy: Mục tiêu của khuôn khổ cạnh tranh là hướng tới hỗ trợ phúc lợi cho người dân thông qua sự thúc đẩy phát triển thị trường, ngăn chặn hành vi cấu kết đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng sức mạnh thị trường của các công ty độc quyền, hướng tập trung tới lợi ích lâu dài của người tiêu dùng.

Điển hình các hành vi vi phạm cạnh tranh được đưa vào luật tại một số quốc gia gia nhập APEC (như Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore, Mỹ, Canada và cả Việt Nam) bao gồm hành vi lạm dụng vị thế chi phối ảnh hưởng đến cạnh tranh, lạm dụng vị thế chi phối bằng việc đặt giá quá cao, thỏa thuận thông đồng, đặc biệt là kinh doanh độc quyền…

Bên cạnh đó, những hành vi không công bằng đối với khách hàng, đối với doanh nghiệp khác cũng đều bị quy vào các hành vi vi phạm luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh không phải là cấu thành duy nhất của chính sách cạnh tranh. Các yếu tố khác cũng có mức độ quan trọng tương tự như việc quản lý thực thi các luật có liên quan, như cấp giấy phép kinh doanh, lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, việc làm và an toàn nơi làm việc…

Cuối cùng tôi muốn nói rằng, nếu việc thực thi các luật này không phù hợp sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cách doanh nghiệp nhỏ, vốn đã thua kém hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục