Công trình cửa khẩu Huổi Puốc “đắp chăn” chờ vốn nhiều năm nay

Được khởi công từ năm 2009, công trình cửa khẩu chính Huổi Puốc nối tỉnh Điện Biên với tỉnh Luang Prabang vẫn nằm "đắp chăn" từ gần 2 năm nay mà chưa thể hoàn thiện.
Công trình cửa khẩu Huổi Puốc “đắp chăn” chờ vốn nhiều năm nay ảnh 1Thông xe kỹ thuật tuyến đường vành đai biên giới đi cửa khẩu Huổi Puốc. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Được khởi công từ năm 2009, công trình cửa khẩu chính Huổi Puốc nối tỉnh Điện Biên với tỉnh Luang Prabang của Lào đến nay đã hoàn thành cơ bản các phần việc chính.

Tuy nhiên, dù đã xong phần thô, nhưng công trình trạm kiểm soát liên hợp, khu nhà chức năng duy nhất của khu cửa khẩu này vẫn nằm “đắp chăn” từ gần 2 năm nay mà không thể hoàn thiện.

Nguyên nhân được chủ đầu tư xác nhận là do thiếu vốn, nên nhà thầu không thể hoàn thành khối lượng công trình còn lại.

Cặp cửa khẩu Huổi Puốc-Na Son nằm trên địa phận xã Mường Lói của huyện Điện Biên, được Chính phủ ra quyết định nâng cấp lên thành cửa khẩu chính từ năm 2007, khai trương vào tháng 4/2009.

Tháng 3/2010, tỉnh Điện Biên bắt đầu tổ chức san nền, xây dựng các công trình Khu I-Cửa khẩu chính Huổi Puốc.

Công trình này gồm các hạng mục san lấp mặt bằng; hệ thống điện; quảng trường kết hợp bãi đỗ xe và khu chức năng với trạm kiểm soát liên hợp, trạm viễn thông, nhà ở cán bộ biên phòng, kho hàng hóa với tổng mức đầu tư trên 46 tỷ đồng.

Sau gần 3 năm triển khai, các gói thầu san nền, hệ thống điện và quảng trường kết hợp bãi đỗ xe đã cơ bản hoàn thành. Riêng khu nhà trạm kiểm soát liên hợp, hạng mục quan trọng nhất của cửa khẩu mới xây dựng xong phần thô đã phải dừng lại từ tháng 7/2013.

Trong khi đó, hạng mục chính là trạm kiểm soát liên hợp đã thi công xong phần thô nhưng chỉ có vài người của đơn vị thi công (Công ty 7/5 - Bộ Quốc phòng) ở lại trông coi. Khối nhà 3 tầng này có diện tích sàn lên tới 1.600m2 với kết cấu khá đẹp và hiện đại, nhưng đang ở trong giai đoạn xuống cấp do chưa được hoàn thiện, chống thấm và lắp cửa.

Từ tầng 1 đến tầng 3, nhiều đoạn tường đã bị bong lở, bám rêu và mọc cỏ dại; nhiều khu vực ngập nước mưa. Những người trông coi ở đây cho biết từ tháng 7/2013 đến nay, công trình đã bị dừng do không có vốn đầu tư. Thời điểm nào mới tiếp tục hoàn thiện, họ cũng không biết.

Một hiện trạng khá bất hợp lý là đơn vị thi công gói thầu quảng trường và bãi đỗ xe (nhà thầu khác), do chờ đợi quá lâu nên đang thực hiện lát gạch trên sân để hoàn thiện phần việc của mình. Trong khi đó, khu nhà chưa hoàn thiện lại nằm giữa sân.

Tình trạng này sẽ dẫn đến việc khi nhà thầu thi công tiếp tục hoàn thiện khu trạm kiểm soát, tập kết phương tiện, thiết bị vào sẽ làm hỏng phần sân đã hoàn thiện và nghiệm thu, gây lãng phí về kinh phí và nhân lực.

Thông tin về sự việc này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Điện Biên (đơn vị chủ đầu tư công trình) cho biết công trình này khởi động từ năm 2009 với tổng đầu tư là 46,29 tỷ đồng, riêng trạm kiểm soát liên hợp là 11,3 tỷ đồng.

Công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hợp tác Việt-Lào. Từ khi khởi công đến nay, mỗi năm công trình này chỉ được cấp 1 lượng vốn nhất định, năm nhiều nhất là 13 tỷ, ít nhất là 3 tỷ và đến nay mới cấp trên 40 tỷ đồng.

Trường hợp tiếp tục thực hiện, sẽ phải đầu tư thêm dự án cấp thoát nước, công trình mới có thể đưa vào sử dụng. Theo quy định, tỉnh Điện Biên phải có 10% vốn đối ứng, nhưng hiện tỉnh vẫn chưa có nguồn để đầu tư.

Do vốn cấp nhỏ giọt, nên nhà thầu chỉ thi công đúng số vốn đã cấp. Mặt khác, thời gian đầu tư kéo dài, chế độ chính sách tiền lương thay đổi và trượt giá nhiều lần khiến tổng giá trị công trình tăng, nhà thầu thiệt thòi, thi công cầm chừng và kéo dài tiến độ.

Chủ đầu tư công trình kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư cho công trình để nhà thầu đủ điều kiện thi công tiếp; đồng thời bố trí vốn kịp thời cho các gói thầu còn lại.

Đối với vấn đề nhóm phóng viên phản ánh, ông Nguyễn Đức Trung đã chỉ đạo Ban quản lý dự án triển khai các biện pháp tạm thời che chắn mưa nắng, tránh làm ảnh hưởng đến công trình; chỉ đạo đơn vị thi công gói thầu sân quảng trường và bãi đỗ xe để lại phần đường đi và khu vực tập kết vật liệu xung quanh công trình, tránh tình trạng nhà thầu sau làm hỏng phần việc đã hoàn thành của nhà thầu trước, gây thất thoát, lãng phí cho nhà nước.

Cặp cửa khẩu khẩu chính Huổi Puốc-Na Son có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển giao thương giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào.

Sau khi hoàn thành, cửa khẩu này được đánh giá là có tiềm năng phát triển tốt hơn cả cửa khẩu quốc tế Tây Trang nối liền Điện Biên với tỉnh Phongsaly (Lào) đã hoạt đồng từ nhiều năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục