Cuồng vì Premier League

Vì sao dân châu Á phát cuồng vì Premier League?

Những hình ảnh "phát cuồng" tại châu Á cho thấy tình cảm của người hâm mộ với bóng đá Anh không chỉ dừng ở mức đam mê nữa.
Mọi thứ bắt đầu như một cú "say nắng" vào những năm 80 và dần trở thành một mối quan hệ bền vững, song những hình ảnh "phát cuồng" tại châu Á cho thấy tình cảm của người hâm mộ với bóng đá Anh không chỉ dừng ở mức đam mê nữa. Dù cho tình yêu của châu Á với giải Premier League từ lâu đã được biết đến nhưng chuyến du đấu trước mùa giải này vẫn tạo cảm giác sững sờ cho những người quan tâm. Từ Việt Nam cho tới Australia, các cầu thủ đều được chào đón như thể những siêu sao nhạc rock. Các fan la hét cuồng nhiệt ở mọi sân bay, khách sạn; các sân vận động đều cháy vé và hàng nghìn người thậm chí sẵn sàng trả tiền để xem những thần tượng tập luyện. Tại Jakarta, các cầu thủ Liverpool đã phải ngạc nhiên khi nghe ca khúc truyền thống "You'll Never Walk Alone" vang lên khắp các khán đài sân Gelora Bung Karno với đúng ngữ âm của vùng Merseyside. Fajar Nughara, người điều hành fanclub BIGREDS chia sẻ: "Người hâm mộ Liverpool tại đây biết rõ hết mọi ca khúc của đội bóng và học theo ngữ âm từ các video trên YouTube." Đã có hơn 95.000 người tới xem trận giao hữu của Liverpool tại Melbourne - số lượng cao thứ nhì trong lịch sử bóng đá Australia. Tại Bangkok, các xe ôm lẫn taxi đều thể hiện sự trung thành với Manchester United bằng cách chỉ lấy tiền 200 baht với những ai muốn xem Quỷ đỏ và 300 baht cho cùng một hành trình tới xem Chelsea. Ở Việt Nam, anh chàng Vũ Xuân Tiến thậm chí còn gây ấn tượng mạnh khi chạy hơn năm cây số theo xe bus chở Arsenal tại Hà Nội và đã được mời lên xe, gây sốt trên mọi phương tiện truyền thông suốt tuần qua.
[Running Man Arsenal làm Đại sứ du lịch Việt Nam?]
Tại Kuala Lumpur, một nhóm người hâm mộ Chelsea đã vây quanh một fan của Manchester United và lột chiếc áo màu đỏ truyền thống của anh ta để thay bằng màu xanh của the Blues. Tân huấn luyện viên của Manchester United là David Moyes cho biết ông bị bất ngờ bởi sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ tại Bangkok và đem so sánh nó với cơn sốt Beatlemania (sốt nhóm the Beatles hồi thập niên 60). "Chúng tôi vừa tới sân bay và ngay lập tức nghe thấy nhiều tiếng thét của cô những cô gái trẻ. Tôi không thể nghĩ rằng nó được dành cho mình, mà như thể một nhóm nhạc pop nổi tiếng mới hạ cánh vậy. Đó là một sự chào đón cực kỳ tuyệt vời." Julian Jackson, một chuyên gia marketing thể thao tại Total Sports Asia (TSA), cho biết rằng độ phổ biến của Premier League (thường được gọi tắt là EPL) tăng lên là điều "không phải bàn cãi". "Mức phổ biến ngày càng tăng mạnh trong những năm qua," anh chia sẻ với AFP. "Các đội bóng mới chỉ chạm vào bề mặt của mỏ vàng kiếm tiền từ châu Á mà thôi." Anh chỉ ra rằng việc tăng giá trị các bản quyền truyền hình tại EPL ở châu Á, một nơi giàu tiềm năng phát triển với dân số đông đảo, chính là chìa khóa cho việc này.

[Cuộc chiến bản quyền giải Ngoại hạng Anh lại nóng]
Trong chuyến du đấu châu Á, các đội bóng đã nhận một khoản tiền để đá giao hữu và được chia lợi nhuận bán đồ có liên quan tới họ. Và họ còn tăng thêm mức phổ biến bằng cách ký hợp đồng tài trợ với các thương hiệu ở đủ mọi lĩnh vực, từ ngân hàng, thẻ tín dụng, viễn thông, bia, hàng không cho tới cả nước cà chua. "Lượng fan toàn cầu của chúng tôi là gần một tỷ và có đến một nửa trong số đó là ở châu Á. Do vậy đây là một phần rất quan trọng trong những kế hoạch của chúng tôi," giám đốc điều hành Richard Scudamore của EPL chia sẻ.
Vì sao dân châu Á phát cuồng vì Premier League? ảnh 1
Hotgirl hâm nóng trận đấu giữa Việt Nam và Arsenal. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Jackson cho biết Liverpool đã tập trung mục tiêu vào châu Á bằng cách thuê Ian Ayer, người từng làm cho TSA tại Kuala Lumper để làm giám đốc quản lý. Ngoài ra, Lữ đoàn đỏ còn ký hợp đồng tài trợ với Standard Chartered, một ngân hàng nổi tiếng tại châu Á. Giờ đây EPL đang sở hữu một vị thế độc tôn mà những đối thủ cạnh tranh như giải bóng rổ NBA hay bóng chày MLB, hay thậm chí cả La Liga lẫn Bundesliga có mơ cũng chưa chắc thấy được. Để làm được điều này là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ, sau khi các công ty Anh ký hợp đồng phát sóng giải Anh tại Châu Á từ lâu trước khi nơi đây bùng nổ về mặt kinh tế. "Đây là một vấn đề lịch sử. Đài BBC và ITV đã bán bản quyền bóng đá Anh từ lâu trước những người Italy, Đức hay Tây Ban Nha." "Bóng đá Anh là cả một thương hiệu: chạy 100 dặm mỗi giờ, cực kỳ hấp dẫn... và người Anh cũng luôn giỏi trong việc tổng hợp các pha bóng, giới thiệu tạp chí hay chương trình phỏng vấn. Điều này đồng nghĩa với việc các fan được thông tin đầy đủ hơn hẳn." Khi mà EPL được cả châu lục quan tâm, các đài truyền hình châu Á lẫn báo giới đều dành nhiều thời lượng hay tin bài để dành cho giải đấu này, đẩy lùi cả độ phổ biến của thể thao trong nước. Chính vì lẽ đó, các cầu thủ EPL được xem như những thần tượng, người hùng và được chào đón nồng nhiệt khi người hâm mộ có cơ hội hiếm hoi được gặp gỡ họ trực tiếp.
Vì sao dân châu Á phát cuồng vì Premier League? ảnh 2
Một cổ động viên Manchester United lọt vào giữa một rừng cổ động viên Chelsea (Nguồn: Chelsea FC)
Peerawit Anantasirarat, một phóng viên thể thao đài Modern9 TV của Thái nhận định: "Họ như những ngôi sao Hollywood. Khi John Terry bước ra hay khi Rooney hạ cánh, chúng tôi được nhìn thấy những siêu sao bằng xương bằng thịt. Điều này thật tuyệt." Tại Việt Nam, nơi lần đầu được đón một đội bóng Premier League, nhiều người đã xếp hàng cả đêm không chỉ để mua vé xem Arsenal mà còn để đón đội bóng tại sân bay. Tuy vậy, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Ở Indonesia, một nhà tổ chức đã phải trả lại tiền mà họ đã thu trái phép từ người hâm mộ để cho gặp các cầu thủ, còn tại Thái Lan, con trai của thủ tướng còn tham gia nhóm các cậu bé dẫn các cầu thủ Chelsea ra sân - gây ra không ít ý kiến tiêu cực vì tranh suất của một cậu bé con nhà dân thường khác./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục