DATC: Loay hoay "bài toán" nợ xấu, tài sản tồn đọng

Việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia vào việc mua lại nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) vào tháng 6 vừa qua mới làm người ta thực sự chú ý đến cái tên này, dù thực tế công ty đã có mặt trên thị trường từ năm 2003!

Sự "mờ nhạt" của DATC trong các thương vụ mua bán nợ và tài sản tồn đọng-như đúng với chức năng, nhiệm vụ của nó đã và đang là trở ngại cho chính công ty này trong quá trình tái cấu trúc nợ xấu.

Việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia vào việc mua lại nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) vào tháng 6 vừa qua đã khiến cho nhiều người thực sự chú ý đến cái tên này, dù thực tế công ty đã có mặt trên thị trường từ năm 2003!

Tuy điều đó chưa đủ nói lên tất cả, song sự "mờ nhạt" của DATC trong các thương vụ mua bán nợ và tài sản tồn đọng-như đúng với chức năng, nhiệm vụ của nó đã và đang là trở ngại cho chính công ty này trong quá trình tái cấu trúc nợ xấu. Mâu thuẫn ngay từ mục tiêu? Bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng mua lại một số khoản nợ của Bianfishco, DATC cho thấy mình không thiếu khả năng "ôm nợ" và xử lý nó. Thế nhưng, hầu như các trường hợp nợ xấu mà DATC thực hiện thường có giá trị không lớn. Trong khi đó, DATC cũng chưa được tham gia xử lý các trường hợp phức tạp và phần lớn các trường hợp chỉ xử lý tài chính, việc tái cơ cấu còn hạn chế. Một loạt những "nút thắt" này của DATC đang khiến công ty thuộc Bộ Tài chính loay hoay trong việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng. Thực tế, DATC ra đời từ năm 2003. Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước này trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính. Nhiệm vụ chính của công ty là mua để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng trong các doanh nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của công ty này vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi trong kết quả kiểm toán năm 2010, DATC đã phải đối mặt với những đánh giá khá thẳng thắn của cơ quan kiểm toán. Cụ thể, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, DATC không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ là mua bán nợ. Mặt khác, công ty này đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, thanh khoản kém, có nguy cơ mất vốn, tiếp nhận bàn giao còn một số tồn tại. Sự hạn chế của DATC cũng được chính ban lãnh đạo công ty thừa nhận trong cuộc hội thảo vừa được tổ chức sáng nay 17/9 với nội dung: “Chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nợ xấu trong tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước”. Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, hiện công ty đang có hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau. "DATC được giao nhiệm vụ là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu tồn đọng. Tuy nhiên, công ty cũng được yêu cầu phải có hiệu quả kinh tế trong mỗi giao dịch, đảm bảo an toàn như doanh nghiệp kinh doanh thông thường, " ông Thường nhấn mạnh. Điều này, theo ông Thường, mục tiêu tạo ra lợi nhuận là rất khó khăn và khó đạt được trong tất cả trường hợp. Thực tế hoạt động mua bán nợ, xử lý tồn đọng, đặc biệt là với doanh nghiệp Nhà nước là rất rủi ro do những khoản nợ này về bản chất là rất xấu, dễ gây thua lỗ. Yêu cầu hoạt động có lãi làm DATC có xu hướng sợ rủi ro, chỉ mua những khoản nợ nào chắc chắn có lãi. Do vậy, số lượng các giao dịch, quy mô nợ đã mua và xử lý rất thấp so với yêu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đại diện DATC cũng cho rằng, hiện công ty vẫn thiếu hướng dẫn chi tiết trong việc tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông Thường, việc chưa có hướng dẫn chi tiết quyền, biện pháp DATC được phép thực hiện giúp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước về mặt hoạt động kinh doanh. Điều này khiến công ty mua bán nợ rất khó tham gia vào quá trình tái cơ cấu một cách hiệu quả. Nhìn nhận từ góc độ khác, ông Kotegawa Daisuke, chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cũng thừa nhận, việc lập ra những công ty quản lý tài sản rất khó đạt hiệu quả kinh tế. Nợ xấu ngân hàng: Khó với tới Trong khi DATC đang có xu hướng sợ rủi ro, chỉ dám mua những khoản chắc chắn có lãi thì các ngân hàng thương mại lại không hề muốn bán những khoản nợ có khả năng thu hồi ấy. Thậm chí, với những khoản nợ muốn loại bỏ, phía ngân hàng lại một mực không muốn bán ở mức giá thấp. Theo ông Thường, mặc dù tình hình nợ xấu đang báo động nhưng các ngân hàng vẫn không chịu áp lực để chuyển giao hoặc bán nợ xấu cho DATC. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ không muốn bán nợ xấu có tài sản bảo đảm và nợ có khả năng thu hồi. Đối với các khoản nợ xấu mà họ thực sự muốn loại bỏ, các ngân hàng lại không muốn bán ở mức giá thấp vì như vậy có thể làm cho ngân hàng phải ghi nhận khoản lỗ từ nợ xấu ngay lập tức. Ông Thường tiết lộ, có trường hợp, số nợ xấu của một ngân hàng lớn hàng đầu ở Việt Nam đã vượt qua vốn điều lệ nhưng ngân hàng này vẫn đòi bán nợ với 100% giá trị. “Chính vì thế, mặc dù DATC đã mua số nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng nhưng so với tỷ trọng nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn nhỏ,” ông Thường nhấn mạnh. Ông Thường cũng thẳng thắn, nên có cơ chế rõ ràng yêu cầu các ngân hàng minh bạch những khoản nợ xấu. “Ngân hàng nào làm tốt sẽ được thưởng với hình thức ưu đãi thuế, tái chiết khấu trái phiếu… Ngược lại, đơn vị nào trì hoãn cần chế tài mạnh mẽ như không cho phép tăng trưởng tín dụng, không cho mở chi nhánh hay yêu cầu nâng mức trích dự phòng,” ông Thường đưa ra ý kiến./.
Đại diện JICA, ông Daisuke cũng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình của Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ). Không giống với DATC, toàn bộ số tiền thành lập tập đoàn này của Nhật Bản là của các ngân hàng chứ không phải từ tiền thuế của người dân.

Cách làm của Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản là lực chọn các tập đoàn, công ty cần phải tái thiết, sau đó sẽ tách đơn vị ấy thành nhiều phòng, ban và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng phòng, ban. Nếu một ban không sinh lời, tập đoàn có thể bán ban đó kèm chiết khấu dựa vào giá trị tài sản sau khi định giá. Cuối cùng, nguồn lực sẽ được một cách có chọn lọc vào những phòng, ban làm ăn có lãi hoặc có sức cạnh tranh.

Ông Daisuke cho biết, trong giai đoạn 2004 – 2006, IRCJ đã tái thiết được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực như siêu thị, mỹ phẩm, bất động sản, khách sạn, vận tải, công nghệ cao…. Điều này đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán trong giai đoạn này giúp tái cơ cấu nền công nghiệp Nhật Bản.
X. Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục