DN Việt nhận rõ nhu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm

Trước những cơ hội, thách thức mới trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt nhận thức rõ nhu cầu cải tiến chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Phan Minh Tân khẳng định rằng trước những cơ hội và thách thức mới trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ hơn nhu cầu cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất doanh nghiệp.

Tại Hội nghị năng suất chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, tổ chức ngày 15/11, ông Phan Minh Tân cho biết nếu trong giai đoạn thập niên 1996-2006, các doanh nghiệp tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm thì từ năm 2006 đến nay, các doanh nghiệp đã không ngừng áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng thông qua việc áp dụng các công cụ, giải pháp như chuẩn đối sánh; thẻ điểm cân bằng; quản lý quan hệ khách hàng; ngăn ngừa sai lỗi; sản xuất tinh gọn... nhằm gia tăng giá trị và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000/ISO 14000 và các tiêu chuẩn khác như HACCP, GMP, SA8000 đã liên tục tăng. Đồng thời, các đơn vị quản lý hành chính công, dịch vụ công, các đơn vị sự nghiệp công áp dụng ISO 9000 cũng tăng mạnh. Thành phố là địa phương dẫn đầu cả nước với 7/25 doanh nghiệp cả nước đạt Giải thưởng chất lượng châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh những chuyển biến nêu trên, bà Lê Lan Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng cũng đánh giá, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn e ngại vì cho rằng làm năng suất, chất lượng phải cần nhiều nguồn lực vật chất; doanh nghiệp còn khá chậm trong việc tiếp cận các công cụ quản lý và áp dụng, phát triển các tài sản vô hình của mình. Vì vậy, hiện năng suất của các doanh nghiệp thành phố còn thấp so với thế giới.

Trước thực trạng này, trong giai đoạn 2013-2015, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng yếu của Thành phố; trong đó có tăng cường thông tin tuyên truyền; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về lĩnh vực năng suất, chất lượng; phát triển hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức đánh giá sự phù hợp... và tập trung kinh phí thúc đẩy các dự án liên quan đến nâng cao năng suất, chất lượng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục