Hạ dự báo tăng trưởng

ADB hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế châu Á

ADB giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á nhưng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á xuống 6% năm 2013, so với mức tăng 6,1% năm 2012, trước khi tăng nhẹ lên 6,2% năm 2014, do các nền kinh tế đầu tàu như Trung Quốc và Ấn Độ giảm tốc.

Hồi tháng 3/2013, ADB đã dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng 6,6% năm 2013 và 6,7% năm 2014. Điều đáng chú ý là ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo ADB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7,6% năm 2013 và 7,4% năm 2014, so với các con số dự kiến tăng 8,2% và 8% đưa ra trước đó.

Động thái này diễn ra khi kinh tế Trung Quốc đang chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước.

Còn với Ấn Độ, ADB cho rằng hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư ở nước này sẽ bị hạn chế do cơ sở hạ tầng yếu kém và sự trì hoãn trong cải cách cơ cấu, cùng với tình trạng thâm hụt tài khóa và cán cân vãng lai cao của nước này.

ADB dự báo, GDP của Ấn Độ sẽ tăng 4,7% năm 2013 và 5,7% năm 2014, so với mức dự báo tăng tương ứng 6% và 6,5% đã đưa ra trước đó.

Nhà kinh tế Changyong Rhee của ADB cho rằng "mặc dù các hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á đang phát triển sẽ cải thiện trong năm 2014, tình hình hiện nay cho thấy khu vực này cần thận trọng để đảm bảo sự ổn định tài chính trong ngắn hạn, cùng với việc thúc đẩy các cải cách cơ cấu để duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn."

Theo ADB, các nền kinh tế Đông Á dự kiến tăng trưởng 6,6% năm 2013 và 2014, trong khi các nền kinh tế Nam Á có thể tăng 4,7% năm 2013 và 5,5% năm 2014, thấp hơn nhiều các mức dự báo trước đó là 5,7% và 6,2%.

Còn tại Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế của khu vực này dự kiến là 4,9% năm 2013, so với mức dự kiến tăng 5,4% đã đưa ra trước đó, trong bối cảnh phải chịu những tác động bất lợi của tình hình sức khoẻ của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang đối mặt với tình trạng hoạt động xuất khẩu và đầu tư trì trệ.

Về phần Việt Nam, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 5,2% năm 2013.

Theo ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều trong tình trạng trì trệ. Ngoài ra, ADB cũng dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 6% vào cuối năm 2013, so với mức dự kiến 6,5% trước đó, nhờ giá lương thực-thực phẩm tăng thấp hơn dự kiến.

ADB cho rằng các cải cách để khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đa dạng hóa hoạt động sản xuất công nghiệp, thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và kỹ năng, giảm bớt hoạt động trợ cấp kém hiệu quả, và tăng cường phúc lợi xã hội là những vấn đề quan trọng đối với kinh tế châu Á trong tình hình hiện nay.

Theo ADB, kinh tế châu Á hiện tại đã khá hơn nhiều so với trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực hồi năm 1997. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực hiện đều có thặng dư cán cân vãng lai mạnh và dự trữ ngoại hối cao.

Cũng theo ADB, thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng lớn đặt một số nền kinh tế như Ấn Độ và Indonesia vào tình trạng dễ bị tổn thương. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo tài sản tại các quốc gia này do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương nước này) sẽ sớm cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng.

Tuy vậy, theo báo cáo, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ và Indonesia tính đến cuối tháng Tám vừa qua vẫn đủ cho hoạt động nhập khẩu trong bảy tháng đối với Ấn Độ và năm tháng đối với Indonesia./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục