Iran sẽ vượt qua khó khăn trong xuất khẩu dầu mỏ

Tổng thống Iran thừa nhận nước này gặp "vấn đề" trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, song chính phủ của ông sẽ vượt qua khó khăn này.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 4/9 thừa nhận nước này gặp "vấn đề" trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, song chính phủ của ông sẽ vượt qua khó khăn này cũng như những thách thức khác do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây gây ra.

Trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ahmadinejad cáo buộc "kẻ thù" đã tiến hành một "cuộc chiến tranh tâm lý" chống Iran thông qua các biện pháp cấm vận gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Ông tố cáo các biện pháp trừng phạt kinh tế như phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu, trao đổi ngoại tệ, giao dịch ngân hàng... đã gây ảnh hưởng như như "một cuộc chiến" và Iran sẽ mất nhiều thời gian để vượt qua những khó khăn này.

Tuy nhiên, Tổng thống Ahmadinejad cho biết, Chính phủ Iran đang nỗ lực hết sức và sẽ vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nhấn mạnh tới lợi thế Iran giàu nguồn năng lượng dầu mỏ trong khi đây là mặt hàng thế giới luôn cần, Tổng thống Ahmadinejad cũng khẳng định nền tảng ngân sách của Iran rất vững chắc.

Hiếm khi nhà lãnh đạo Iran thừa nhận khó khăn trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Trước đó, Iran cho biết hoạt động xuất khẩu dầu của nước này vẫn "bình thường." Tuy nhiên, theo thống kê tháng Tám của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm xuống mức 2,8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 20 năm gần đây.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) còn cho rằng Iran chỉ xuất khẩu được 1 triệu thùng dầu/ngày, chưa bằng một nửa mức xuất khẩu của Iran vào đầu năm 2012.

Nhằm gây sức ép buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân, từ đầu năm nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Iran, trong đó chủ yếu là cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và trừng phạt hệ thống ngân hàng-tài chính của nước này.

Về phần mình, chính quyền Iran đã nhiều lần khẳng định nước này không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, song cũng không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Tehran tuyên bố sẽ xây dựng khả năng "đề kháng kinh tế," trong đó chú trọng tới mở rộng sản xuất trong nước và tự cung tự cấp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục