Kinh tế Mỹ-Trung: Đối thoại để hóa giải bất đồng

Vòng đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ tư tại Bắc Kinh diễn ra đầu tháng này đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây không chỉ là dịp để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường đối thoại, thu hẹp những bất đồng ảnh hưởng đến cục diện quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa quan trọng khi kinh tế thế giới chưa thoát khỏi bóng ma khủng hoảng.
Vòng đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ tư tại Bắc Kinh diễn ra đầu tháng này đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây không chỉ là dịp để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường đối thoại, thu hẹp những bất đồng ảnh hưởng đến cục diện quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa quan trọng khi kinh tế thế giới chưa thoát khỏi bóng ma khủng hoảng.

Cơ hội hóa giải bất đồng ...

Tại cuộc đối thoại lần này, các nhà lãnh đạo hai bên đã thảo luận để tháo gỡ những bất đồng về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng như yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây không phải lần đầu tiên, tỷ giá đồng Nhân dân tệ lại trở thành một trong những chủ đề gai góc nhất trong cuộc đối thoại thường niên giữa hai nước, khi Mỹ một lần nữa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cố tình ghìm giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhờ đó đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng mặc dù giá trị đồng Nhân dân tệ đã tăng thêm khoảng 13% so với đồng USD trong vòng hai năm qua, song vẫn cần được định giá cao hơn nữa. Ông Geithner nhấn mạnh, việc tăng tỷ giá đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ giúp củng cố các mục tiêu cải cách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để thu hẹp bất đồng trong vấn đề này, Bộ trưởng Geithner mong muốn Trung Quốc nỗ lực hơn trong cải cách kinh tế bằng cách tập trung vào tiêu dùng trong nước hơn là phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, hiện đại hóa hệ thống tài chính và cho phép các công ty tư nhân giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
 
 Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn khẳng định nước này đang hướng tới việc áp dụng các biện pháp nhằm gia tăng tính linh hoạt của đồng Nhân dân tệ hơn nữa cũng như thực hiện các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vốn là một trong những nguyên nhân gây tranh cãi giữa hai nước trong thời gian qua.

Như một bước đi thể hiện thiện chí, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa điều chỉnh tăng 0,19% tỷ giá tham chiếu của ngoại tệ quốc gia lên 6,267 Nhân dân tệ đổi lấy 1 USD. Với sự thay đổi hiếm hoi này, tỷ giá của đồng Nhân dân tệ đã ở mức cao kỷ lục kể từ khi được gắn với đồng USD vào năm 2005. Tín hiệu nới lỏng vừa phát đi từ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần hóa giải một bất đồng còn tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn cũng khẳng định việc nới lỏng chính sách nhập khẩu để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ là một trong những giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện. Tại cuộc đối thoại lần này, phía Trung Quốc cũng đồng ý đàm phán về việc áp dụng các nguyên tắc quốc tế về cấp tín dụng xuất khẩu. Đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu siết chặt quản lý cấp tín dụng cho xuất khẩu, hạn chế bảo hộ các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời có thể hạn chế cả những mặt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Đến nay, lập luận của các quan chức Mỹ rằng chính sách tỷ giá của Trung Quốc là nguyên nhân khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với nước này dường như đang yếu dần. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 31% giá trị so với đồng USD trong vòng 7 năm qua, làm giảm bớt lợi thế về giá hàng hoá xuất khẩu mà Trung Quốc từng có được trên thị trường thế giới.

Mới đây, Trung Quốc đã quyết định mở rộng gấp đôi biên độ giao dịch giữa đồng Nhân dân tệ so với USD từ 0,5% lên 1% kể từ ngày 16/4. Bộ Tài Chính Mỹ cho đó là một bước đi tích cực góp phần tái cân bằng cán cân thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ.

Ngược lại, trong khi Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách tỷ giá, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng từ 273 tỷ USD năm 2010 lên 295 tỷ USD năm 2011. Thực tế này cho thấy vấn đề của Mỹ vẫn là ở việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhất là khi nước này chuẩn bị cho quá trình thay đổi mô hình phát triển kinh tế, từ chỗ lấy xuất khẩu và đầu tư làm mũi nhọn sang tập trung vào tiêu dùng trong nước.

... trong một mối quan hệ phức tạp

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới là khá phức tạp. Mặc dù hai nước đã có bước hợp tác khả quan và có lợi cho đôi bên, song quan hệ giữa song phương cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn. Hai mâu thuẫn nổi cộm trong quan hệ giữa hai nước là vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ và kế hoạch “phát huy sáng tạo nội địa” của Trung Quốc mà phía Mỹ cho là một hình thức chiếm đoạt công nghệ tiên tiến của Mỹ để lại xuất khẩu hàng công nghệ cao vào nước này.

Trong một mối quan hệ mang tính chất phức tạp, hai mâu thuẫn căn bản này cần được đặt vào bối cảnh rộng chứ không nên giới hạn vào vài con số về lượng giao dịch hai chiều.

Về vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, điều đáng chú ý là một nước đang phát triển như Trung Quốc mà mở cửa buôn bán với bên ngoài, chủ yếu là với các nền kinh tế phát triển của phương Tây, thì đồng tiền của nước này tất yếu phải lên giá do các nước phải mua đồng Nhân dân tệ để nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc mua bán tài sản đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu hay bất động sản thì cũng trên nguyên tắc đồng Nhân dân tệ phải lên giá vì giới đầu tư mua vào để đổ vào thị trường đang lên của Trung Quốc, vốn có tốc độ sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, đồng tiền của Trung Quốc thay vì tăng giá lại xuống giá đến mức chỉ bằng một nửa cái giá của 30 năm trước và bằng khoảng 15-20% giá trị của nó nếu nước này tôn trọng các quy luật thị trường.

Về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, giới chức Mỹ cho là Trung Quốc không những không triệt để bảo vệ tác quyền mà còn ào ạt xuất khẩu vào Mỹ những sản phẩm sao chép lậu công nghệ của nước này khiến doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại và kinh tế nước này có thể bị mất hơn 2 triệu việc làm.

Mặc dù hai nước đang nỗ lực giải quyết những bất đồng, Giám đốc Viện Kissinger chuyên Nghiên cứu về Mỹ và Trung Quốc, J. Stapleton Roy, nhận định chừng nào Trung Quốc và Mỹ chưa tìm được các biện pháp để ngăn những bất đồng hiện nay phát triển thành cạnh tranh chiến lược, căng thẳng giữa hai nước sẽ còn gia tăng. Hơn nữa, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh trong khi Mỹ vẫn phải nỗ lực kiểm soát các khoản thâm hụt ngân sách ngày càng tăng thì Trung Quốc có thể nổi lên nhờ GDP đứng đầu thế giới. Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa chiến lược và có thể tác động bất lợi đến mối quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, không ít người ngạc nhiên khi kim ngạch thương mại Trung - Mỹ lại có thể đạt 447 tỷ USD (năm 2011) sau bốn thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều mà không ít chuyên gia kinh tế nhận định là dù Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành siêu cường kinh tế số một thế giới trong 10 năm tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn không thể không lệ thuộc lẫn nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra quyết liệt. Vì thế, cuộc đối thoại vừa khép lại tại Bắc Kinh được đánh giá là cơ chế thường niên quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục