Lương thực và thực phẩm “đẩy” CPI tháng 1 tăng

Với “lực đẩy” lớn nhất đến từ nhóm lương thực và thực phẩm, CPI tháng 1 của cả nước đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010.
Theo Tổng cục Thống kê, với “lực đẩy” lớn nhất đến từ nhóm lương thực và thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của cả nước đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010 và tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2010.

Nếu loại trừ năm “bất thường” 2008, CPI tháng 1/2011 đã đạt mức tăng cao “kỷ lục” so với các tháng đầu năm kể từ 2002 đến nay.

CPI tháng 1 tăng tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,36 đến 2,89%. Dẫn đầu về mức tăng là nhóm giáo dục với mức tăng 2,89%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,47%; trong đó lương thực tăng 2,28% và thực phẩm tăng 2,74%.

Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng trên 1% theo thứ tự sau đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; hàng hóa và dịch vụ khác.

Các nhóm hàng hóa có mức tăng dưới 1% gồm: giao thông; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Theo Vụ trưởng Vụ Giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, cùng với quy luật tiêu dùng “nóng” của tháng Tết Nguyên đán, CPI tháng 1 tăng mạnh mẽ là do các tác động đồng thời của nhiều yếu tố khác nhau.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa chung, việc giá lương thực, thực phẩm tăng cao do nhu cầu tiêu dùng đột biến chính là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 1 đạt mức tăng kỷ lục.

Giá thịt lợn tăng 4,98% so với tháng 12/2010; trong đó giá thịt lợn mông sấn hiện ở mức 70.000-75.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng/kg); giá thịt lợn thăn từ 85.000-95.000 đồng/kg (tăng 7.000- 10.000 đồng/kg).

Giá thịt lợn tăng cao làm cho giá các loại thịt chế biến đóng hộp cũng tăng 2,54%. Cùng với thịt lợn, các loại thực phẩm khác cũng được mùa tăng giá khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Điển hình như dầu ăn tăng 7,4%; bánh mứt kẹo tăng 3,17%; sữa nội tăng 2,07%...

Đóng góp đáng kể vào mức tăng kỷ lục của CPI chung, nhóm giáo dục đã có mức tăng cao nhất do một số tỉnh như Điện Biên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Tiền Giang bắt đầu tăng học phí giáo dục từ ngày 1/1/2011. Bên cạnh đó, việc khối doanh nghiệp bắt đầu tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2011 với mức thưởng Tết đã khiến sức mua của thị trường tăng lên.

Cũng trong tháng 1, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại miền Bắc khiến giá cả của hầu hết các loại quần áo may sẵn mùa đông tăng cao. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng, giá khí hóa lỏng LPG (gas) tăng 2,55% cũng là các nguyên nhân kéo CPI tháng 1 tăng mạnh mẽ.

Ông Thắng cũng cho biết: tháng 2 tới trùng với tháng Tết Nguyên đán trong khi năm nay, số ngày nghỉ Tết kéo dài tới 8 ngày liên tục nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng cao. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 sẽ còn cao hơn nhiều so với tháng 1.

Tháng 1, giá vàng trong nước biến động thất thường theo giá vàng thế giới với xu hướng giảm hơn tháng trước, hiện giá vàng 9999 khoảng 3,562 triệu đồng/chỉ. Bình quân cả tháng, giá vàng giảm nhẹ 0,05% so với tháng 12/2010 nhưng vẫn tăng tới 33,87% so với tháng 1/2010.

Cùng nhịp giảm với vàng, giá USD trên thị trường giảm 0,32% so với tháng 12/2010 (khoảng 21.000-21.200 đồng/USD trước những tin xấu về nợ công và sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục