New Zealand thúc giục Canada dỡ bỏ bảo hộ thị trường sữa

Trong chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Canada Harper trước thềm hội nghị G20, hai nước sẽ thảo luận về ngành công nghiệp sữa vẫn còn đang vướng mắc.
 
New Zealand thúc giục Canada dỡ bỏ bảo hộ thị trường sữa ảnh 1Thủ tướng Canada Stephen Harper (phải) và Thủ tướng New Zealand John Key. (Nguồn: pm.gc.ca)

Theo báo Thư tín địa cầu ngày 12/11, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã bắt đầu chuyến công du chính thức tới New Zealand, một đồng minh của Canada trong gần như mọi chủ đề, trừ ngành công nghiệp sữa được bảo hộ nặng của Canada.

Trong khi đó, New Zealand, quốc gia xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới, đang hy vọng các cuộc đàm phán thương mại tự do khu vực sẽ giúp mở cửa thị trường Canada.

Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dường như đạt được tiến bộ và có thể sớm gây sức ép, buộc Canada phải có những nhượng bộ, cụ thể là hạ bớt bức tường thuế cao ngất mà Ottawa đang dùng để ngăn chặn sữa và phomát nước ngoài xâm nhập thị trường nước này.

Trong cuộc gặp song phương trước khi tham dự hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), dự kiến được tổ chức tại Brisbane (Australia) từ 15/11, hai Thủ tướng có thể đề cập đến các cuộc thương thuyết TPP, nơi New Zealand đang thúc giục Canada mở cửa thị trường sữa.

New Zealand đang ngày càng thịnh vượng nhờ xuất khẩu các sản phẩm sữa và mong muốn được tiếp cận các thị trường mới.

Các biện pháp bảo hộ thị trường sữa của Canada là một vấn đề mà hai đồng minh lâu năm này sẽ tiếp tục mâu thuẫn trong những tháng tới, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm cách đạt được một thỏa thuận để tự do hóa thương mại giữa các thành viên thương thuyết có dân số tổng cộng là 792 triệu người.

New Zealand và Canada có nhiều điểm chung như đều là thuộc địa cũ của Anh, có thế mạnh trong hoạt động canh tác nông nghiệp, dân số gồm nhiều cộng đồng người nhập cư...

Tuy nhiên, New Zealand là quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, trong khi Canada có thể là quốc gia bảo hộ ngành sữa nhất thế giới.

Lâu nay, New Zealand vẫn hy vọng Canada thay đổi và hồi năm 2011 còn khăng khăng cho rằng Ottawa không nên tham gia các cuộc thương thuyết TPP nếu không chịu thảo luận về các biện pháp bảo hộ "quản lý nguồn cung" của mình.

Wellington đang hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại có thể hạ thấp bức tường bảo hộ xung quanh hoạt động sản xuất sữa và gia cầm của Canada.

Theo giới quan chức New Zealand, các cuộc thương thuyết TPP chỉ có thể thành công nếu có thể giảm thành công những rào cản thương mại, trong đó có bức tường thuế đang bảo hộ ngành sữa của Canada.

Mức thuế đánh vào các sản phẩm sữa nước ngoài tại Canada có thể lên đến 300% và lâu nay, Chính phủ Canada luôn khẳng định họ sẽ không nhượng bộ về "hệ thống nguồn cung" của mình.

Các chuyên gia thương mại cho rằng vẫn còn những trở ngại lớn đối với TPP, trong đó có vấn đề liệu Nhật Bản, một nhà bảo hộ cương quyết khác trong một số lĩnh vực, có đồng ý những nhượng bộ lớn hay không.

Tuy vậy, ông Obama dường như đang tìm cách hoàn tất các cuộc đàm phán TPP vào giữa năm 2015 và Nhà Trắng sẽ hết sức nỗ lực đạt được một hiệp định tham vọng.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục