Những thách thức trong quá trình thực hiện FTA Việt Nam-EU

Hiệp định FTA Việt Nam-EU sẽ là động cơ thúc đẩy sự phát triển không chỉ giữa EU với Việt Nam mà còn ảnh hưởng đối với cả nền kinh tế khu vực.
Những thách thức trong quá trình thực hiện FTA Việt Nam-EU ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp với Văn phòng Viện Konrad Adenauer (Đức), Dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức tọa đàm “Những thách thức và giải pháp trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu.”

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã điểm lại mối quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đồng thời nhấn mạnh để tiếp tục nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU, gần đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo cấp cao EU đã tăng cường tiếp xúc, trong đó nhấn mạnh nội dung định hướng kết thúc đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU, qua đó khẳng định mạnh mẽ ý chí chính trị của hai bên trong việc thúc đẩy giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán, tiến tới sớm ký kết Hiệp định này vào khoảng đầu năm 2015.

Nhấn mạnh tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và EU, ông Hoàng Bình Quân cho biết EU đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Các nước thành viên EU đang là những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Theo ông Hoàng Bình Quân, khi Hiệp định được ký kết và đi vào cuộc sống sẽ mở nhiều cơ hội lớn cho cả hai bên. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn để tiếp cận thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân và khoảng 90% dòng thuế xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế; đồng thời tăng sức thu hút nguồn vốn từ EU vào Việt Nam.

Ông Hoàng Bình Quân cho rằng để đảm bảo sau khi ký kết và phê chuẩn, Hiệp định sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; đồng thời nắm bắt và khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi và cơ hội, vấn đề có ý nghĩa cốt yếu là phải nhận dạng chính xác các thách thức và đề ra các giải pháp khả thi, hữu hiệu trên tất cả các mặt, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, pháp luật và tổ chức thể chế. Vì vậy, tọa đàm với sự hiện diện của các diễn giả, đại diện nhiều cơ quan, nhiều tổ chức khác nhau của Việt Nam và quốc tế, từ các cơ quan hoạch định chính sách, các học giả, chuyên gia kinh tế, thương mại, cộng đồng doanh nghiệp, sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai Hiệp định.

Ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ, đề xuất những ý kiến, góp phần thiết thực vào việc triển khai Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU sau khi văn kiện quan trọng này được ký kết.

Bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Văn phòng Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam, phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết đối với mỗi quốc gia là hội nhập mạnh mẽ hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Bà Rabea Brauer cho rằng Hiệp định sẽ là động cơ thúc đẩy sự phát triển không phải chỉ giữa các nước thành viên EU với Việt Nam mà còn ảnh hưởng đối với cả nền kinh tế khu vực và nó sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai khu vực.

Bà Brauer hy vọng tọa đàm sẽ nhận được những ý kiến, khuyến nghị sâu sắc và ý nghĩa, là cơ sở để xây dựng lộ trình tiếp theo.

Tọa đàm gồm hai phiên thảo luận với tiêu đề: “Thách thức và giải pháp về khía cạnh kinh tế và thương mại,” “Thách thức và giải pháp về khía cạnh pháp lý.”

Tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung làm rõ: “Những tác động kinh tế và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU đối với Việt Nam, những thách thức và hệ quả,” “Một góc nhìn của châu Âu về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU: Những cơ hội, thách thức và kết quả có thể,” những thách thức và giải pháp từ góc độ tài chính, từ góc độ doanh nghiệp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục