Tăng trưởng kinh tế phải gắn với an sinh xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nhiều tới tính song hành giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống.
Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 2/10, các đại biểu  tập trung thảo luận  về tính song hành giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, chăm lo người nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định với những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế của Việt Nam đã dần phục hồi sau khi chịu tác động rất lớn của suy thoái; giữ được sự ổn định, tăng trưởng đạt mức khá so với nhiều nước.

Tuy nhiên, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 - 2010 như bội chi ngân sách cao; tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng; giải ngân chậm; giảm nghèo chưa thật bền vững.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra không đạt thuộc về lĩnh vực xã hội như các chỉ tiêu liên quan đến việc làm, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề đáng lưu tâm.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 11% năm nay, nhưng theo một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả này chưa thật bền vững, chất lượng giảm nghèo còn chưa bảo đảm.

Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ nghèo chưa được chú trọng lồng ghép nên hiệu quả còn hạn chế; nhiều đầu mối quản lý nhưng thiếu cơ quan chỉ đạo phối hợp nên phân bổ còn dàn trải; cần sớm tập hợp lại nguồn lực, đánh giá tổng thể tác động.

Chia sẻ những khó khăn trong điều hành của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định điều hành nền kinh tế trong thời gian ngắn lại xuất hiện những tình huống bất thường là một việc khó khăn, cho thấy những chủ trương, biện pháp, chính sách đưa ra là đúng đắn và đạt hiệu quả. Nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực như tốc độ tăng trưởng dần tăng cao; thu ngân sách Nhà nước trong từng quý cũng dần tăng; số lao động mất việc cũng dần ít đi, xã hội ổn định.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá sát hơn một số chi tiêu như thu ngân sách, giảm nghèo; nêu bật một số kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn năm nay, kể cả hoạch định lẫn tổ chức thực hiện; khó khăn, thách thức của những vấn đề đang đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục