Thép và ximăng đang bất hợp lý trong quy hoạch

Việc tiền trảm, hậu tấu trong quy hoạch ximăng, thép đang gây lãng phí lớn cho nền kinh tế, cùng đó là công tác dự báo cung ứng điện.
Thiếu điện cùng với những bất hợp lý trong quy hoạch ngành thép, ngành ximăng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường sáng 1/11.

Công tác dự báo tình hình cung cấp điện còn nhiều yếu kém

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Huỳnh Ngọc Đáng, Phạm Thị Loan cho rằng mặc dù đã có nhiều cố gắng song trong công tác dự báo tình hình cung cấp điện còn nhiều yếu kém, quy hoạch thủy điện và chỉ đạo xử lý thiếu điện chưa tốt. Tình trạng thiếu điện kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng chỉ rõ hơn 10 năm qua, năm nào cũng thiếu điện. Để xảy ra thiếu điện là cản trở đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.

Làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết chưa bảo đảm cũng ứng điện trong thời gian vừa qua có một phần trách nhiệm của Bộ Công Thương. Năm 2010, đặc biệt trong trong mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7), tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Điều này trước hết có trách nhiệm về mặt chỉ đạo. Đó là việc thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 6 (2006-2010) và có tầm nhìn đến 2015. Nếu thực hiện theo đúng giai đoạn 6, Việt Nam sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi. Các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện đã dự báo trong tổng sơ đồ 6 cho đến nay vẫn thể hiện dự báo đúng đắn.

Theo tính toán, từ 2006 đến 2015, bình quân tăng phụ tải điện từ 16-17% và trên thực tế, trong các năm qua (2007-2010) cũng tăng mức đó (15-16%). Năm 2010, dự báo là tăng 15,7%. Như vậy là dự báo về nhu cầu điện tương đối phù hợp với diễn biến nhưng trên thực tế việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng điện có chậm trễ. Chậm trễ này do nhiều lý do, trong đó có vấn đề thiếu vốn.

Trong giai đoạn 2008-2009, đứng trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có một số giải pháp thắt chặt chi tiêu, trong đó có giải pháp hạn chế đầu tư. Vì vậy, một số công trình trong ngành điện trong giai đoạn 2008-2009 cũng rất khó khăn trong việc vay vốn, làm ảnh hưởng đến tiến độ đưa một số công trình điện vào huy động trong giai đoạn 2010 và một số năm sau.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số nhà phát điện độc lập (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) tham gia vào việc cung ứng điện.

Chính phủ chỉ đạo trước hết để khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay cũng như trong các năm tới, giải pháp quyết liệt nhất là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo tổng sơ đồ 6 và sắp tới là tổng sơ đồ 7.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng đã đi vào hoạt động phải ổn định. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đưa một số nhà máy nhiệt điện chạy than vào hoạt động như Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả... các nhà máy này họat động chưa ổn định do những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật.

Chính phủ yêu cầu cuối 2010, đầu 2011 phải đưa các nhà máy này vào hoạt động ổn định. Trong năm 2009, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án về tái cơ cấu ngành điện tuy nhiên do một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu nên vừa qua Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn chỉnh Đề án này và từ nay đến cuối 2010 trình Chính phủ.

Theo yêu cầu của Chính phủ, dù khó khăn đến mấy, trong năm 2011-2012 phải bảo đảm nhu cầu điện cho tất cả sản xuất thiết yếu và phục vụ cho đời sống nhân dân. Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai việc tính toán và trong đó có phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các công trình sử dụng điện không có hiệu quả, lãng phí, công nghệ lạc hậu. Ở đây có một số công trình về thép, công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ cuối 2010.

Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục Đề án điều chỉnh giá điện theo hướng cơ chế giá thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện điều này phải bảo đảm các hộ khó khăn phải có hỗ trợ của nhà nước. Các hộ tiêu dùng khác phải có biện pháp vừa khuyến khích tiết kiệm điện vừa sử dụng điện có hiệu quả, cuối cùng cần tăng cường vận động tiết kiệm điện

Nhiều lãng phí trong quy hoạch ngành ximăng và thép

Đề cập đến những bất cập, tình trạng tiền trảm, hậu tấu trong quy hoạch ngành ximăng và thép, gây lãng phí lớn, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chỉ ra rằng chỉ một tỉnh miền Đông Nam Bộ có tới 18 dự án thép trong đó đa phần là ngoài quy hoạch, khiến cho ngành điện hụt hơi với ngành thép. Đại biểu đề nghị Chính phủ chấn chỉnh ngay các dự án ngoài quy hoạch, lách quy hoạch.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình quy hoạch ximăng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết quy hoạch ngành và lãnh thổ là 2 phạm trù khác nhau.

Nói về quy hoạch ngành, nếu xét trong quan hệ cung-cầu ximăng, các dựa án ximăng trong nước thì hiện nay cung đang vượt cầu. Năm 2010, Việt Nam tiêu thụ khoảng 51,5 triệu tấn/năm, dự báo đến cuối năm sẽ có khoảng 55-56 triệu tấn/năm.

Nhiệm vụ quan trọng nhất là mục tiêu bình ổn thị trường, cung-cầu nhất trí. Bộ Xây dựng xác định quy hoạch vật liệu trên các vùng nguyên liệu theo 6 vùng nguyên liệu ximăng, gắn với phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng.

Thị trường ximăng Việt Nam có đặc điểm miền bắc nguyên liệu dồi dào, cung lớn nhưng cầu thấp, miền Nam ngược lại. Khi làm quy hoạch ximăng cũng phải tính đến điều này để bảo đảm cân đối, hợp giữa các vùng miền và cân đối cung-cầu.

Bộ Xây dựng dự báo trong những năm tới thị trường ximăng sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, các dự án ximăng đưa vào quy hoạch đang bảo đảm cung phù hợp với cầu. Bộ Xây dựng đang đề xuất với Chính phủ các biện pháp tăng cường tiêu thụ ximăng hơn nữa kể cả trong việc đưa ximăng vào các công trình giao thông, thủy lợi, quốc lộ. Việc này đang được bàn với bộ Giao thông Vận tải.

Thứ hai là tăng các dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng không nung thay thế cho gạch, ngói, đất sét nung, giúp không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ ximăng còn môi trường, tiêu thụ năng lượng, đất đai... Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án này. Hiện nay, cả nước đang có 10 dự án xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu không nung và hai nhà máy đã đi vào sản xuất.

Thứ ba là tính đến tăng cường xuất khẩu ximăng, trên cơ sở tính toán thị trường. Việc điều chỉnh quy hoạch cân đối cung-cầu ximăng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, Bộ Xây dựng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh, phê duyệt nhằm bảo đảm bình ổn ximăng trong cả nước.

Ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương nghèo muốn tăng cường đầu tư nhưng không biết được bức tranh cung-cầu trên thị trường nên để xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề. Cần một quá trình thay đổi nhận thức, sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương. Bộ Xây dựng đang giúp Chính phủ tuyên truyền về vấn đề này

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian vừa qua đúng là có tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Việc này cũng tương tự như vấn đề quy hoạch ximăng.

Đối với một số địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nghèo rất mong muốn có đầu tư nên không tránh khỏi tình trạng một số nơi có những dự án nằm ngoài quy hoạch.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch ngành thép trên tinh thần. Quy hoạch ngành thép phải xác định quy hoạch “cứng”- những dự án nằm trong quy hoạch mới được phép triển khai.

Thứ hai là qua rà soát, kiểm tra, nếu phát hiện các dự án nằm ngoài quy hoạch, họat động không hiệu quả phải thay đổi thiết bị, nếu không đáp ứng được phải đình chỉ, thậm chí là chấm dứt hợp đồng.

Thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp cùng với các ngành, các địa phương để bảo đảm quy hoạch thép đáp ứng được yêu cầu, trong đó tập trung vào các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm./.

Thanh Vân-Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục