Tranh cãi về tiến trình đàm phán TTIP trong nội bộ Chính phủ Đức

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã lên tiếng chỉ trích sự vội vàng trong đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) của Thủ tướng Angela Merkel.
Tranh cãi về tiến trình đàm phán TTIP trong nội bộ Chính phủ Đức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã lên tiếng chỉ trích sự vội vàng trong đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) của Thủ tướng Angela Merkel.

Tuyên bố của ông Gabriel trước báo chí Đức nhằm thể hiện sự phản ứng trước việc bà Merkel vừa tái khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Nhật Bản về mong muốn hoàn tất đàm phán TTIP với Mỹ vào cuối năm 2016.

Theo ông Gabriel, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của ông sẽ không thông qua một hiệp định TTIP “tồi” được đàm phán chóng vánh, đặc biệt nếu vấn đề về tòa trọng tài không được quy định rõ ràng hay hiệp định này không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu ngang bằng với hiệp định thương mại tự do mà Liên minh châu Âu (EU) mới đàm phán với Canada.

Ông Gabriel cũng cho rằng việc tiếp tục đàm phán với Mỹ về TTIP cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. SPD là một đảng trong liên minh chính phủ cầm quyền cùng liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU).

Trước đó, trong một phát biểu hồi đầu tháng này sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức sẽ nỗ lực hết sức để kết thúc đàm phán TTIP ngay trong năm 2016.

Bà Merkel cho biết Berlin cũng mong muốn sớm ký một thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) với Nhật Bản. Mặc dù tiến trình đàm phán đang gặp nhiều khó khăn nhưng một hiệp định thương mại tự do như vậy sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

EU và Mỹ bắt đầu đàm phán về TTIP từ giữa năm 2013, mục tiêu là thiết lập một hiệp định thương mại tự do khu vực mới, trong đó dỡ bỏ các rào cản về đầu tư, thuế và các quy định khác biệt khác. TTIP cũng nhằm kết nối hai khu vực siêu cường kinh tế EU và Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã nhận định mặc dù trong thời gian qua mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã có nhiều tiến triển quan trọng song hai bên chỉ có cơ hội duy nhất để đạt được hiệp định này trong thời gian từ nay cho đến cuối năm 2016.

Mỹ và EU đã có mối quan hệ kinh tế sâu rộng - đạt 3 tỷ USD trao đổi thương mại mỗi ngày, tạo ra 14 triệu việc làm cho cả hai bên. Đó là lý do hai bên bắt đầu đàm phán về hiệp định này từ nhiều năm trước - một thỏa thuận có thể khiến cả hai bên cùng có lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp với quy mô nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều rào cản.

Những rào cản này tuy không cao như ở những thị trường khác nhưng nó vẫn tạo nên sự khác biệt giữa hàng xuất khẩu của hai bên vào thị trường của nhau.

Hơn nữa, đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp nhỏ chính là yếu tố quyết định việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Tại Mỹ, 98% các doanh nghiệp xuất khẩu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và chỉ một số phần trăm rất nhỏ các doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu tới một quốc gia.

Tại châu Âu, cứ 50 doanh nghiệp nhỏ thì mới có 1 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ. Vì vậy, Mỹ và châu Âu cần tạo cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài hàng rào và việc tiếp cận thị trường, TTIP cũng nhắm vào những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, từ việc đưa sản phẩm vào thị trường đến thủ tục pháp lý - những yếu tố thường khiến các doanh nghiệp nhỏ lúng túng.

Các doanh nghiệp lớn có thể thuê đội ngũ cố vấn và luật sư để vạch ra con đường phù hợp với quy định của các quốc gia, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với trình tự pháp lý khác nhau ở mỗi quốc gia, họ không biết những sản phẩm của họ bị đối xử thế nào khi đến thị trường đó, từ đó không thể định giá và quảng bá sản phẩm. Đây là một trở ngại lớn trong hội nhập thương mại quốc tế.

Thông qua TTIP, Mỹ và châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều này dễ dàng hơn, giảm nguy cơ gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào thị trường.

Về mặt quy định, mục tiêu của hai bên là duy trì và tăng cường các tiêu chuẩn thương mại giữa Mỹ với châu Âu. Hai bên đã có những cơ quan giám sát đang cố gắng bảo vệ công dân, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và an toàn.

Mục tiêu của việc giám sát không phải là để hạ thấp các tiêu chuẩn mà là để duy trì và nâng cao tiêu chuẩn, đồng thời tìm cách kết nối những bất đồng trong thiết lập những tiêu chuẩn và các quy định giám sát.

Thông qua TTIP, EU và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận chấp nhận quá trình điều tra của bên kia và tạo dựng niềm tin lẫn nhau, đồng thời hai bên có thể tiếp cận với những báo cáo điều tra, các chương trình hành động của nhau.

Vì vậy, những cơ quan giám sát sẽ tập trung nhiều hơn vào những nguy cơ mà người dân phải đối mặt. Điều này, theo một số chuyên gia phân tích, sẽ tốt cho người dân và có lợi cho các công ty./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục