299 đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

Sáng 28/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX chính thức khai mạc với sự tham dự của 299 đại biểu chính thức.
Sáng 28/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX chính thức khai mạc với sự tham dự của 299 đại biểu chính thức đại diện cho 39.499 đảng viên thuộc 19 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương tinh thần chủ động, sáng tạo cùng những thành tích đạt được của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Trương Tấn Sang lưu ý Đại hội nghiêm túc đánh giá những hạn chế tồn tại để có căn cứ xác định  đúng phướng hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. Kinh tế của thành phố tuy tăng trưởng khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Quy mô kinh tế còn nhỏ, vai trò động lực liên kết khu vực và lan tỏa của Đà Nẵng nhìn chung còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư phát triển nhanh nhưng chưa đồng bộ. Kết quả giảm nghèo còn chưa bền vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế.

Cơ bản tán thành với phương hướng mục tiêu nhiệm vụ của Đảng bộ đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhấn mạnh thứ nhất, Đà Nẵng phải đi đầu trong các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và cả nước trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu phát triển chiều rộng sang dần tăng trưởng theo chiều sâu.

Đà Nẵng phải đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, từng bước trở thành trung tâm dịch vụ, trung tâm kinh tế biển lớn của khu vực và cả nước. Mục tiêu chung của cả nước là trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì Đà Năng phải đạt mục tiêu này trước năm 2020.

Thứ hai, trong 5 năm tới, thành phố cần tiếp tục hoàn chỉnh từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, tập trung vào các dự án trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đảm bảo phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống nhân dân, xứng đáng là đô thị loại một trong cả nước và là trung tâm phát triển kinh tế của cả miền Trung-Tây Nguyên.

Thứ ba, cùng với phát triển kinh tế, Đà Nẵng cần phải phát triển văn hóa đồng bộ, xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm với vị trí thành phố; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, tạo việc làm ổn định cho bộ phận dân cư bị giải tỏa, thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Thứ tư, phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với an ninh quốc phòng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả cao việc phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, Đảng bộ thành phố cần tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, kiến thức, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; thường xuyên chăm lo, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đề nghị Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, lựa chọn để bầu những đồng chí thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của Đảng bộ, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ.

Ông mong muốn Đà Nẵng tiếp tục vươn lên, phát triển nhanh, bền vững đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, trở thành địa phương về đích sớm trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước theo hướng hiện đại.

Với tiêu đề "Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung," báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XIX do ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trình bày trước Đại hội nêu rõ 5 năm qua, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt những thành tựu to lớn và quan trọng; kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục phát triển, chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế mở rộng, vị thế thành phố được nâng cao, tạo thế và lực mới cho thành phố đẩy mạnh và hội nhập.

Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, đạt tốc độ tăng trưởng khá; hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng bình quân 11%/năm. GDP bình quân đầu người nâng lên rõ rệt, năm 2010 ước đạt 33,2 triệu đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2005 và bằng 1,6 lần mức bình quân chung cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp (dịch vụ đạt 50,5%; công nghiệp-xây dựng 46,5% và nông nghiệp 3,0%) phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIX và Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư phát triển mạnh, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải... Việc phát triển các khu đô thị mới được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị đã tạo nên một diện mạo mới cho thành phố.

Tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư; 3 năm liên tiếp (2005, 2006, 2007) đứng thứ nhì và hai năm 2008, 2009 được công nhận dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội có tiến bộ nhiều mặt; chủ trương gắn phát triển kinh tế với văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng và quân sự địa phương được tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được tiến hành thường xuyên, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm có gần 78% tổng số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó có 18% đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Mục tiêu và phương hướng tổng quát trong 5 năm đến là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước.

Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng sẽ kết thúc ngày 30/9, có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2005-2010); quyết định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng thành phố giai đoạn 2010-2015, tạo nền tảng để xây dựng thành phố cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; bầu Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Đại hội được Bộ Chính trị chọn thực hiện thí điểm chủ trương trực tiếp bầu bí thư Thành ủy, nhiệm kỳ 2010-2015./.

Hoàng Giang-Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục