ADB đưa đồng tiền của Trung Quốc và Ấn Độ vào TFP

Việc đưa đồng NDT và đồng Rupee vào “Chương trình Tài chính Thương mại” (TFP) sẽ lấp đầy khoảng trống thị trường tài chính thương mại.
Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các giao dịch thương mại trong khu vực bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Rupee (RP) của Ấn Độ sẽ gia tăng nhờ sự hỗ trợ của ADB khi thiết chế tài chính khu vực này ngày 17/7 đã đưa Nhân dân tệ và RP vào “Chương trình Tài chính Thương mại” (TFP) của mình.

Với quyết định trên của Ban giám đốc ADB, đồng Nhân dân tệ và RP sẽ lấp đầy khoảng trống thị trường tài chính thương mại bằng cách cung cấp bảo lãnh và tín dụng cho các ngân hàng để hỗ trợ thương mại.

Trên 50% danh mục đầu tư của TFP đã hỗ trợ thương mại trong khu vực, và việc bổ sung Nhân dân tệ và RP sẽ tăng cường hơn nữa khả năng của TFP hỗ trợ cho thương mại giữa các nước đang phát triển ở châu Á.

Kể từ năm 2009 đến nay, TFP đã hỗ trợ hơn 10,6 tỷ USD trong thương mại, được sử dụng để trang trải các giao dịch bằng đồng USD, yen và euro.

Giám đốc TFP Steven Beck nói rằng, việc đưa thêm Nhân dân tệ và RP vào chương trình sẽ khuyến khích việc sử dụng các đồng tiền khu vực trong thương mại và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền tệ thanh toán, mà nhiều nước trong khu vực có nguồn cung rất hạn chế.

Động thái này không chỉ phản ánh sự tiến bộ về xúc tiến thương mại trong khu vực, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Thương mại nội vùng ở châu Á trong 10 năm tới được dự báo sẽ chiếm ít nhất 50% tổng giá trị thương mại với nước ngoài của tất cả các nước châu Á.

Hiện nay, 90% các giao dịch thương mại với nước ngoài ở châu Á được thanh toán bằng đồng USD, nhưng tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm.

Khoảng trống thương mại tài chính đang mở rộng do giảm nợ tài chính, cung tín dụng từ các ngân hàng bị thắt chặt, nhiều thành viên ADB muốn tránh rủi ro, và các yêu cầu chặt chẽ hơn của quy định Basel III. Vì vậy ADB đã quyết định mở rộng TFP (sẽ hết hạn vào cuối năm 2013) thêm một khoảng thời gian chưa xác định. So với cùng kỳ năm 2011, khối lượng của TFP đã tăng 40% trong nửa đầu năm 2012./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục