Ấn Độ cấm nhập thiết bị viễn thông Trung Quốc

Ấn Độ lo ngại thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể được cài đặt phần mềm gián điệp, cho phép nước này tiếp cận viễn thông Ấn Độ.
Trong một thông báo mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà điều hành mạng di động nước này không nhập khẩu bất kỳ một thiết bị viễn thông nào của các nhà sản xuất Trung Quốc, do những lo ngại về an ninh quốc gia - một động thái làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn châu Á này.

Các quan chức Ấn Độ lo ngại các thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể được cài đặt phần mềm gián điệp, cho phép các cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận mạng lưới viễn thông Ấn Độ.

Lệnh cấm trên cùng với những quy định mới khác được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi có tin tin tặc Trung Quốc đã đột nhập hệ thống máy tính của các cơ quan ngoại giao, quốc phòng và an ninh Ấn Độ.

Theo người phát ngôn Bộ Viễn thông Ấn Độ Satyendra Prakash, các công ty viễn thông Ấn Độ sẽ phải công bố chi tiết về các thiết bị mà họ sử dụng để đảm bảo an ninh.

Ông cho rằng nhiều nước cũng có quy định tương tự mà theo đó các công ty buộc phải tiết lộ các nhà cung cấp dịch vụ của họ để bảo vệ cơ sở dữ liệu và hệ thống an ninh mạng.

Bản thân Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối của Mỹ và châu Âu khi yêu cầu các nhà cung cấp công nghệ an ninh máy tính của nước ngoài phải công bố phương thức hoạt động của những công nghệ này.

Những người sẽ được hưởng lợi trước tiên từ lệnh cấm của Ấn Độ là các nhà chế tạo thiết bị viễn thông Ấn Độ, Mỹ và châu Âu trong lúc nhu cầu về thiết bị di động của Ấn Độ đang bùng nổ.

Số người sử dụng điện thoại di động tại Ấn Độ có thể tăng gần hai lần so với hiện nay, lên 1 tỷ vào năm 2014, khi số người sử dụng mới tăng khoảng 20 triệu mỗi tháng.

Năm ngoái, Ấn Độ đã cấm nhập khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc không có số nhận dạng thiết bị di động quốc tế (IMEI), cũng do các vấn đề an ninh.

IMEI là một chuỗi gồm 15 số được gán cho mỗi máy điện thoại di động, giúp chặn cuộc gọi từ các máy bị mất cắp và cho phép các cơ quan an ninh tìm ra người sử dụng./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục