An Giang: 34 công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện

Theo kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ, tỉnh An Giang hiện có 34 công chức lãnh đạo, quản lý (quyết định bổ nhiệm sau ngày 28/12/2017) chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ An Giang trao quyết định nghỉ hưu cho các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang quản lý. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ An Giang trao quyết định nghỉ hưu cho các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang quản lý. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tỉnh An Giang hiện có 34 công chức lãnh đạo, quản lý (quyết định bổ nhiệm sau ngày 28/12/2017) chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo.

Đây là kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, giai đoạn từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2019 vừa được Thanh tra Bộ Nội vụ công bố.

Chín trường hợp đã được tuyển dụng nhưng không qua thi tuyển mà qua xét tuyển. Tám trường hợp thiếu quy trình xét tuyển trong trường hợp đặc biệt (từ viên chức thành công chức). Một số trình tự, thủ tục bổ nhiệm chưa được phản ánh bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm; thời điểm làm quy trình, ban hành quyết định bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 47 trường hợp còn chậm so với quy định.

Nhiều sai phạm trong tuyển dụng, sử dụng công chức

Kết luận thanh tra cho thấy, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang và các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sử dụng các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó cơ bản phù hợp quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh chưa ban hành đầy đủ văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban của các cơ quan, tổ chức.

Từ năm 2015 đến thời điểm thanh tra, có 49 công chức được tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, 160 công chức nghỉ hưu đúng tuổi và 127 công chức thôi việc hoặc chuyển công tác.

Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức đã thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về quản lý biên chế công chức theo quy định; thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có nội dung quản lý biên chế công chức; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý biên chế. Tuy nhiên, năm 2017 và năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh không lập kế hoạch và báo cáo về tình hình biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ.

Về thi tuyển công chức, trong giai đoạn thanh tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức 3 kỳ tuyển dụng công chức năm 2017, 2018, 2019 bằng phương thức thi tuyển, qua đó tuyển dụng được 192 công chức. Về cơ bản, 3 kỳ tuyển dụng công chức được thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, thông báo điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng (lần 2) năm 2017, 2018 không được đăng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; kỳ thi năm 2017, 2018, các môn thi không xác định cụ thể đề thi dự phòng. Các bài thi viết (môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành và môn ngoại ngữ) trong kỳ thi năm 2018 chưa thể hiện được việc 2 giám khảo chấm độc lập.

Việc tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt được Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định. Tuy nhiên, 10/10 trường hợp chưa đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển.

[An Giang: Đảng bộ huyện Châu Phú xác định 3 khâu đột phá mới]

Một số trường hợp quyết định tuyển dụng sau ngày 28/12/2017 không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch hoặc Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thành lập chưa bảo đảm quy định.

Trong giai đoạn thanh tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định xét chuyển 50 cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên (01 trường hợp đã nghỉ việc, 01 trường hợp đã nghỉ hưu).

Qua kiểm tra 48 hồ sơ (trong đó 42 trường hợp là cán bộ cấp xã và 6 trường hợp là công chức cấp xã), nhìn chung các công chức được xét chuyển đã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục theo quy định.

Một trường hợp không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, đến ngày 1/7/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định xét chuyển cán bộ cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên. Ba trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học; một số trường hợp tuyển dụng trước ngày 28/12/2017 không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch, không có quyết định xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh mà chỉ có quyết định chuyển công tác của Sở Nội vụ.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang thực hiện và chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 31/01/2021 đối với 6 trường hợp chưa đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; 34 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sau ngày 28/12/2017 không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có 18 trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và 16 trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức; 19 trường hợp đã được tuyển dụng công chức nhưng không qua thi tuyển mà qua xét tuyển không đảm bảo quy định và 8 trường hợp được bổ nhiệm nhưng thiếu quy trình xét tuyển từ viên chức thành công chức.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang xem xét, xử lý một số trường hợp quyết định tuyển dụng sau ngày 28/12/2017 không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch hoặc Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thành lập chưa bảo đảm quy định; tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung thường xuyên hồ sơ công chức, đặc biệt là văn bằng, chứng chỉ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức.

Tỉnh rà soát điều kiện, tiêu chuẩn đối với các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng, Chính phủ và Bộ Nội vụ, kịp thời phát hiện các trường hợp bổ nhiệm trước ngày 28/12/2017 còn chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung, hoàn thiện trước ngày 31/12/2020; miễn nhiệm, không bổ nhiệm lại, thu hồi quyết định bổ nhiệm đối với các trường hợp từ ngày 28/12/2017 không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm về trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo địa phương này thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm đối với các hạn chế, tồn tại có liên quan nêu trong Kết luận thanh tra này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục