Anh và Đức lạc quan về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định một thỏa thuận tốt đẹp vẫn đang ở phía trước, đồng thời bày tỏ mong muốn có cuộc thảo luận tốt đẹp với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.
Anh và Đức lạc quan về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Adobe Stock)

Ngày 9/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố vẫn còn triển vọng cho một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh ông chuẩn bị đến Brussels (Bỉ) để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Phát biểu trong phiên chất vấn trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Johnson khẳng định một thỏa thuận tốt đẹp vẫn đang ở phía trước, đồng thời bày tỏ mong muốn có cuộc thảo luận tốt đẹp với bà Ursula von der Leyen.

Ông Johnson nhấn mạnh, các đề xuất của EU về quyền đánh bắt cá sẽ đồng nghĩa với việc Anh là quốc gia duy nhất không có quyền kiểm soát vùng lãnh hải đánh bắt của nước này. Đây không phải là điều kiện mà bất kỳ Thủ tướng Anh nào nên chấp nhận.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Johnson cũng khẳng định Anh sẵn sàng chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp để rời khỏi EU, bất kể có đạt được thỏa thuận hay không. Anh sẽ nắm lấy mọi cơ hội mà Brexit mang lại thông qua việc giành lại quyền kiểm soát tiền tệ, biên giới và luật pháp. Ông Johnson bày tỏ tin tưởng rằng nhờ có Brexit, nước Anh sẽ phát triển thịnh vượng với thêm nhiều việc làm được tạo ra.

[Lãnh đạo Anh và EU chạy đua nhằm đạt được thỏa thuận Brexit]

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà vẫn nhận thấy triển vọng cho một thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU, song EU cần phải bác bỏ các điều kiện không phù hợp.

Phát biểu tại Hạ viện Đức trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh và Chủ tịch EC, bà Merkel đã tỏ thái độ lạc quan về thỏa thuận thương mại hậu Brexit, song cảnh báo EU không được phép làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thị trường chung EU.

Theo bà Merkel, EU cần phải duy trì "giới hạn đỏ". Trong trường hợp phía Anh đòi hỏi điều kiện khó chấp nhận, EU cần chấp nhận viễn cảnh không thỏa thuận thay vì chịu đựng các điều kiện cạnh tranh không công bằng trong tương lai.

Hiện Anh và EU vẫn bất đồng về 3 nội dung chính liên quan đến thỏa thuận hậu Brexit, bao gồm việc tạo dựng một sân chơi bình đẳng, trợ cấp của nhà nước và quyền đánh bắt cá. Việc không đạt được thỏa thuận và phê chuẩn trước "thời hạn chót" 31/12 có thể gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, trong đó Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất lớn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục