Áp lực trên thị trường vốn dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023

Chuyên gia dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1/2023 và trở về ổn định vào cuối quý 2/2023, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2/2023 trở đi.
Áp lực trên thị trường vốn dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023 ảnh 1Áp lực thị trường vốn được dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại Tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023," do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/12, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dù còn nhiều khó khăn do xu hướng tăng lãi suất mang đến, song áp lực trên thị trường vốn dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023.

Dẫn số liệu dự báo của các tổ chức tài chính, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023 sẽ giảm dưới 7%, song đây vẫn là mức tăng trưởng tốt so với khu vực ASEAN (4,9%), châu Á-Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%).

Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt GDP trong năm 2023 của Việt Nam ở mức khoảng 6,5%, cũng gần ngang với các dự báo trên.

Từ các tổ chức tài chính thế giới đến các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, khó khăn thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Đặc biệt là sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn sẽ là những yếu tố được cho sẽ tác động đến Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định bên cạnh những bi quan xung quanh yếu tố lãi suất và lạm phát.

Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, kể từ tháng Chín đến nay, cơ quan quản lý đã từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, thiếu room tín dụng...

Những khó khăn này không phải đến từ chính sách mà từ bất ổn của cách sử dụng vốn, từ đó từng bước kiểm soát uyển chuyển, linh hoạt, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012.

Vì thế, những lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế; điểm xấu của lãi suất, tín dụng trong cuối năm nay sẽ được tháo gỡ vào năm sau.

Vị chuyên gia này dự báo, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1/2023 và trở về ổn định vào cuối quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2/2023 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong 2 quý đầu năm 2023, nhưng sẽ phục hồi tăng vào quý 3/2023.

"Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi nhẹ kể từ quý 4/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh," Tiến sỹ Đinh Thế Hiển phân tích.

[Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 12,87%]

Liên quan đến những lo lắng xung quanh vấn đề thanh khoản thị trường, ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu WiGroup cũng có nhận định lạc quan cho năm 2023.

Theo ông Báu, năm 2023 dự báo kinh tế khó khăn hơn năm 2022. Các dấu hiệu đã bắt đầu với số lượng các đơn hàng của doanh nghiệp có xu hướng suy giảm từ những tháng cuối năm 2022 và sẽ kéo dài sang quý 1/2023.

Tuy nhiên, đây sẽ là yếu tố để Chính phủ mở thị trường tiền tệ để kích thích phát triển kinh tế. Do đó, tình hình thanh khoản thị trường có thể sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.

CEO WiGroup cũng cho rằng, trong thời gian qua dòng tiền chịu áp lực lớn do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm nhanh chóng thể hiện qua việc lãi suất huy động 12 tháng tăng.

Tổng cung tiền trong nền kinh tế (M2) đi ngang và giảm nhẹ trong cả năm 2022. Đây là hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, cung tiền cần duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 12-13% để cho nền kinh tế tăng trưởng.

Tăng trưởng cung tiền đã chạm mốc thấp nhất trong 20 năm qua. Trong đó, có ba nguyên nhân ảnh hưởng tới thanh khoản, do chênh lệch tín dụng và huy động; lãi suất tăng và siết quá mạnh trái phiếu doanh nghiệp gây đổ vỡ niềm tin.

“Sự thắt chặt này không do vấn đề nội tại mà phần nhiều đến từ áp lực tỷ giá từ bên ngoài, khiến chúng ta phải thắt chặt và nâng lãi suất. Nhưng tỷ giá năm sau không còn thắt chặt, mà sẽ gia tăng bơm tiền, lãi suất từ quý 2/2023 bắt đầu giảm. Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là "ánh sáng cuối đường hầm” của một năm 2023 nhiều khó khăn," ông Trần Ngọc Báu nhận định.

Về các kênh vốn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty cổ phần FiinGroup đánh giá, thị trường vốn có điểm sáng phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, có việc triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp quản lý nhà nước với các kênh vốn như cơ sở dữ liệu pháp lý bất động sản để nhà đầu tư trái phiếu, ngân hàng, nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin…

Với tín dụng ngân hàng, ông Thuân cho rằng, đây vẫn là kênh vốn chính cho doanh nghiệp, song năng lực vốn trung và dài hạn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, các kênh vốn khác sẽ có nhiều tác động.

Đại diện FiinGroup kỳ vọng, năm 2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn với kỳ vọng các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu nhiều hơn, vì họ đã phân hóa rõ và thay đổi chính sách; đồng thời thị trường thứ cấp tập trung HNX sẽ đi vào vận hàng chính thức trước thời hạn.

Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng sau khi được xếp hạng tín nhiệm.

Ngoài ra, các kênh vốn khác như phát hành trái phiếu xanh, vay/phát hành trái phiếu quốc tế… cũng được dự đoán sôi động hơn, giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp cần thiết rà soát danh mục đầu tư, hạn chế dự án rủi ro cao/đòn bẩy cao; rà soát nghĩa vụ nợ hiện tại, chủ động minh bạch thông tin; cải thiện hồ sơ tín dụng để có chiến lược vốn dài hạn hơn…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục