Apple, Meta và Google sắp đối mặt với điều tra theo đạo luật mới của EU

EC dự kiến công bố thông tin cuộc điều tra Apple, Meta, Google trong những ngày tới và công bố kết quả điều tra trước khi nhiệm kỳ của Ủy viên cạnh tranh chống độc quyền Margrethe Vestager kết thúc.

Apple, Meta và Google sắp đối mặt với điều tra theo đạo luật mới của EU.
Apple, Meta và Google sắp đối mặt với điều tra theo đạo luật mới của EU.

Theo các nguồn thạo tin, cơ quan chức năng châu Âu có kế hoạch điều tra Apple, Meta Platforms và Google của Alphabet để xác định việc có hay không việc các công ty này vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU).

Các nguồn tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ công bố thông tin về các cuộc điều tra trong những ngày tới và công bố kết quả điều tra trước khi nhiệm kỳ của Ủy viên cạnh tranh chống độc quyền Margrethe Vestager kết thúc vào tháng 11.

Vi phạm quy định DMA có thể khiến các công ty này phải trả tới 10% doanh thu hằng năm toàn cầu.

Theo DMA, EU yêu cầu các công ty công nghệ phải cung cấp cho người dùng và các đối thủ cạnh tranh nhiều lựa chọn hơn để đảm bảo sân chơi bình đẳng.

EC từ chối bình luận trước thông tin trên. Trong khi đó, Apple, Meta và Google không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Đầu tuần này, trong một cuộc phỏng vấn, bà Vestager cho biết các khoản phí mới của Apple và Meta cho các dịch vụ của họ có thể cản trở người dùng hưởng lợi ích từ DMA.

Bà cũng chỉ ra các chiến thuật được sử dụng bởi một số công ty để hạ thấp uy tín các sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh nhằm ngăn người dùng chuyển sang sử dụng chúng, đồng thời cho rằng các công ty không nên làm như vậy.

Bà Vestager cho biết thêm bà muốn đẩy nhanh các cuộc điều tra DMA, với mục tiêu đưa ra quyết định trong thời gian là 6 tháng để người dùng và nhà phát triển ứng dụng có thể sớm nhìn thấy những lợi ích của các quy tắc mới. Ngược lại, các cuộc điều tra chống độc quyền theo truyền thống của EU thường mất nhiều năm.

Trước đó, DMA yêu cầu ba công ty trên, cùng với Microsoft, Amazon.com và ByteDance (chủ sở hữu TikTok) cho phép người dùng xóa bất kỳ phần mềm hoặc ứng dụng cài đặt sẵn nào nếu họ muốn, và phải có được sự đồng ý của người dùng để sử dụng dữ liệu của họ trên các dịch vụ khác nhau hoặc cho các nội dung quảng cáo cá nhân hóa.

Các công ty không được phép ưu tiên dịch vụ hoặc sản phẩm của họ so với các đối thủ cạnh tranh trên nền tảng của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục