Tại một sự kiện gần đây, Apple cuối cùng đã công bố việc các sản phẩm máy tính cá nhân (PC) của hãng sử dụng bộ vi xử lý (chipset) do hãng tự thiết kế, với tên gọi là Apple Silicon.
Dù không phải là một thông tin bất ngờ khi giới quan sát đã chỉ ra rằng hầu hết các sản phẩm khác của Apple đều đã chạy trên bộ vi xử lý này, song động thái của “Táo khuyết” cho thấy 5G đã thúc đẩy Apple tiến nhanh hơn tới việc tích hợp các chip tự sản xuất vào các sản phẩm của mình.
Nhìn lại thời còn nhiều phụ thuộc
Vào thời điểm sơ khai, Apple đã xuất xưởng những chiếc iPhone với chipset của Samsung, bộ vi xử lý đồ họa (GPU) PowerVR của Imagination với modem (bộ chuyển đổi các tín hiệu số thành tín hiệu tương tự và ngược lại trên mạng thoại) từ Infineon cùng sự kết hợp của các nhà cung cấp khác.
Sau đó vào năm 2010, Apple đã loại chipset Samsung và thay bằng chip Apple A4 bên trong chiếc iPad đầu tiên, bắt đầu hành trình tự phát triển chip của mình.
Apple khi đó vẫn giữ lại GPU PowerVR của Imagination. Nhưng sau nhiều năm điều chỉnh GPU của Imagination theo ý muốn, Apple hiện đã thành công tạo ra một GPU của riêng họ.
[Apple tập trung vào các dòng sản phẩm chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng]
GPU không phải là thành phần duy nhất mà Apple muốn tích hợp vào danh mục sản phẩm silicon của mình. Hãng đang tự phát triển modem di động sau khi mua lại bộ phận phát triển modem của Intel.
Trước đây, Apple là khách hàng duy nhất mua modem từ Intel theo số lượng lớn. Nhưng sau khi Intel không cung cấp modem cho mạng 5G đúng hạn, Apple đã thông báo rằng họ sẽ rời Intel để đến với Qualcomm.
Tuy nhiên, câu chuyện này không hề đơn giản. Trong giai đoạn Apple vẫn sử dụng modem của Intel, họ cũng tiến vào cuộc chiến với Qualcomm về vấn đề cấp phép và giá cả cho mẫu chip modem do Qualcomm nắm bản quyền.
Toàn bộ vụ kiện vô cùng lộn xộn, nhưng nó chỉ ra một điều: tham vọng tự phát triển chất bán dẫn của Apple không hoàn toàn là nhằm mang lại trải nghiệm người dùng hoặc hiệu suất tốt nhất. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là để hạ chi phí và tăng biên lợi nhuận.
Tầm nhìn dài hạn của Apple
Apple luôn muốn loại bỏ càng nhiều yếu tố không chắc chắn khỏi chuỗi cung ứng càng tốt. Với tư cách là nhà cung cấp, Intel đã đặt ra hai rủi ro khác nhau, bao gồm việc không cung cấp sản phẩm đúng thời hạn và như mong đợi của Apple. Bằng cách loại bỏ cả hai rủi ro đó, Apple đang kiểm soát vận mệnh của chính mình.
Đặc biệt hơn, Apple hiểu tầm quan trọng của mạng 5G và rằng cuối cùng tất cả các thiết bị của họ sẽ phải có một loại modem 5G. Họ cũng nhận ra rằng ngoài việc tích hợp modem 5G vào hệ thống trên vi xử lý (SoC), Apple không còn cách nào khác dễ dàng hơn để đưa modem này vào tất cả các sản phẩm của mình.
Trong một thời gian dài, Qualcomm đã tích hợp modem vào SoC của riêng họ và chiến lược đó đã mang lại cho hãng lợi thế về cả về tiêu thụ điện năng và hiệu suất.
Không thể phủ nhận rằng Qualcomm có những modem tốt nhất trên thị trường. Ngay cả Apple cũng thừa nhận điều đó trong các tài liệu nội bộ của chính mình.
Tuy nhiên, các modem cao cấp của Qualcomm lại không hề rẻ, đặc biệt là khi tính tới các thiết bị dành riêng cho mạng 5G đời mới nhất được tích hợp trong các modem này.
Với việc tự phát triển sản phẩm bán dẫn, Apple có thể kiểm soát chi phí của những sản phẩm này và qua đó kiểm soát tốt hơn biên lợi nhuận cũng như lợi nhuận tổng thể của các thiết bị.
Triển vọng thành công của "Táo khuyết"
Mặc dù vẫn còn những nghi ngờ rằng liệu Apple có đủ sức chuyển đổi các sản phẩm hiệu suất cao hơn như MacBook Pro và Mac Pro sang Apple Silicon, đa số vẫn đánh giá đó là một nhiệm vụ khả thi khi vẫn có các chip máy chủ sử dụng cấu trúc ARM và lõi ARM hiệu suất cao.
Giới quan sát cho hay nếu Apple chuyển sang sử dụng các sản phẩm bán dẫn của riêng mình cho dòng MacBook, hãng có thể đẩy bộ xử lý trung tâm (CPU) đa lõi lên tầm cao mới và tối đa hóa hiệu suất của bộ xử lý mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ pin.
Apple vốn đã nổi tiếng về việc thiết kế CPU với bộ xử lý của iPhone. Vì vậy không có gì khó khăn nếu “Táo khuyết” muốn thiết kế một bộ xử lý cho MacBook hoặc MacBook Air.
Một lợi ích khác của việc Apple chuyển sang sử dụng sản phẩm bán dẫn của riêng mình là đơn giản hóa môi trường phát triển phần mềm, giúp các ứng dụng có thể tương tác trên tất cả các thiết bị mà không có bất kỳ xung đột nào.
Về lý thuyết, việc mọi thứ chạy trên chip sét cấu trúc ARM sẽ cho phép nhà phát triển tạo một ứng dụng và chuyển nó sang tất cả các thiết bị của Apple. Dù giao diện người dùng và hiệu suất sẽ khác nhau đáng kể, nhưng phần lớn các mã cơ bản có thể được sử dụng lại và điều chỉnh quy mô ứng dụng dựa trên khả năng của thiết bị.
Đó là lý do tại sao Apple đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo cổng xuất nhập thông tin từ các ứng dụng trên Mac OS thông qua Apple Silicon trở nên đơn giản và dễ dàng.
Để rồi từ đó mở ra cánh cửa cho tất cả các thiết bị của Apple có thể chạy hiệu quả trên các nền tảng lõi giống nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng không chỉ những điều trên khả thi, các sản phẩm như MacBook sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi “Táo khuyết” có thể thử nghiệm các dạng thiết kế mới như không trang bị quạt tản nhiệt.
Một số người hy vọng Apple sẽ tập trung nhiều vào thời lượng pin và khả năng phản hồi của sản phẩm vì họ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với phần cứng.
Không chắc rằng màn hình cảm ứng sẽ xuất hiện trên những chiếc MacBook, nhưng khả năng kết nối 5G là hoàn toàn khả thi với việc các mẫu iPhone 5G mới dự kiến sẽ ra mắt vào cuối mùa Thu này.
Suy cho cùng, việc tích hợp các thành phần bán dẫn tự phát triển của Apple cho phép hãng kiểm soát tốt hơn chi phí và tiến độ theo cách mà không chiến lược nào khác có thể đạt được.
Apple sẽ không thể đưa modem 5G vào tất cả các thiết bị của mình một cách hiệu quả về mặt chi phí nếu họ phải mua modem đó từ Qualcomm. Nó cũng sẽ không hiệu quả về mặt năng lượng nếu modem không được tích hợp với chip.
Theo một số chuyên gia, Apple đã chứng minh thông qua iPhone rằng họ có thể thiết kế những chiếc smartphone kiểu mẫu cho toàn thế giới. Vì vậy, họ đang kỳ vọng Apple sẽ làm được điều tương tự cho mọi thiết bị hỗ trợ 5G khác trong tương lai./.