"ASEAN cần phải ổn định, hòa bình và liên kết hơn"

Tổng thống Indonesia, Chủ tịch ASEAN, Yudhoyono nhấn mạnh ASEAN cần phải là khu vực ổn định, hòa bình và liên kết hơn bao giờ hết.
Sáng 8/8, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 44 ngày thành lập Hiệp hội và nghi thức thượng cờ ASEAN tại thành phố Jakarta của Indonesia.

Tham gia buổi lễ có Tổng thống nước chủ nhà, Chủ tịch ASEAN năm 2011 Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, cùng các Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực các nước tại ASEAN và nhiều quan chức ngoại giao khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Yudhoyono đã điểm lại chặng đường hình thành, phát triển của ASEAN trong 44 năm qua, đồng thời đưa ra những định hướng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến năm 2015, thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN.

Ông Yudhoyono nhấn mạnh những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng và nêu rõ những định hướng, công việc cần làm để đưa ASEAN trở thành một cộng đồng hữu ích không chỉ cho người dân Đông Nam Á, mà còn cho cộng đồng các quốc gia toàn cầu với tinh thần ASEAN phải là khu vực ổn định, hòa bình và liên kết hơn bao giờ hết.

Về những thành công mà ASEAN đã đạt được trong năm Indonesia làm chủ tịch, Tổng thống Yudhoyono nêu rõ ASEAN đang ngày càng chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng đây là một tổ chức khu vực có khả năng tự giải quyết hiệu quả các công việc riêng của mình.

Điều này được thể hiện rõ qua những nỗ lực của ASEAN nói chung và Indonesia trong vai trò là Chủ tịch ASEAN nói riêng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Trong vấn đề Biển Đông, sự kiện ASEAN và Trung Quốc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một thông điệp mạnh mẽ cho thấy trong tương lai có thể quản lý được vùng biển quan trọng này.

Ngoài ra, một thành công đáng ghi nhận khác của ASEAN trong năm 2011 là việc, thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Bali cuối tháng Bẩy vừa qua, ASEAN đã nối lại đối thoại với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, mở ra triển vọng thu hút các nước này tham gia Hiệp ước về Khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); đồng thời tạo môi trường tiếp xúc hữu ích cho các đối tác Đông Bắc Á, nhất là các cuộc tiếp xúc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cũng qua diễn đàn ARF vừa qua, ASEAN đã xác định được những đường hướng cơ bản cho vị trí lãnh đạo của Hiệp hội tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Về kinh tế-xã hội, ASEAN tiếp tục là khu vực phát triển năng động với mức tăng trưởng dự kiến 5,7-6,4% trong năm nay và nỗ lực đảm bảo sự phát triển hài hòa, dựa vào nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước và khu vực trên thế giới vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Tổng thống Yudhoyono, những bước tiến đó chứng tỏ ASEAN tiếp tục đảm bảo vị trí dẫn dắt trong các vấn đề khu vực đang nổi lên, khẳng định rõ hơn vị trí trung tâm chính trị không thể thiếu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là EAS với sự tham gia chính thức của Nga và Mỹ. Những thành công này cũng tạo động lực quan trọng giúp ASEAN phát huy, đóng góp vào những vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và thúc đẩy xây dựng quan hệ với các cường quốc chủ chốt.

Tổng thống Yudhoyono nêu rõ ASEAN phải không ngừng nỗ lực xây dựng cộng đồng và để có thể hoàn toàn hội nhập trong Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ngay từ bây giờ các nước thành viên phải nỗ lực nhiều hơn cho sự phát triển quốc gia và phát triển khu vực theo hướng bền vững, khuyến khích sự tham gia rộng rãi, chủ động của người dân và đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ những thành tựu kinh tế của ASEAN.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các đối tác đối thoại; đảm bảo môi trường hoà bình, an ninh và hợp tác bằng việc thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn; tăng cường đối thoại để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tiếp cận SEANWFZ, đóng góp vào tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và các vấn đề chính trị-kinh tế-an ninh toàn cầu khác.

Cũng theo Tổng thống Yudhoyono, bên cạnh các nỗ lực tự chuẩn bị, ASEAN cần có cách tiếp cận tích cực và sáng tạo hơn nhằm nâng cao năng lực ứng phó, giải quyết các thách thức chung đang đặt ra; góp phần chuyển xung đột tiềm ẩn thành cơ hội hợp tác, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết về xây dựng Cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục