ASEAN Para Games: Võ Thanh Tùng và bí quyết "không bao giờ bỏ cuộc"

Cho dù đôi chân tật nguyền, Võ Thanh Tùng vẫn tự thấy mình may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác và điều đó khiến anh không cho phép mình đầu hàng trước bất kỳ khó khăn nào.
ASEAN Para Games: Võ Thanh Tùng và bí quyết "không bao giờ bỏ cuộc" ảnh 1 Vận động viên Võ Thanh Tùng, Huy chương vàng bơi 200 mét tự do. (Nguồn: TTXVN)

Võ Thanh Tùng - vận động viên vừa giành huy chương vàng ở nội dung bơi 200m tự do trong khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật (ASEAN Para Games) lần thứ 9 đang diễn ra tại Malaysia - chia sẻ, dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, cũng nên trân trọng những gì mà bản thân mình đang có và không được phép bỏ cuộc trước bất kỳ khó khăn nào.

Chàng trai sinh năm 1985 chia sẻ năm lên 6 tuổi, dịch sốt bại liệt đã quét qua vùng quê anh tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tăng, tỉnh An Giang. Với điều kiện chung còn nhiều khó khăn và thiếu thốn khi đó, dịch bệnh quái ác này đã khiến đôi chân của cậu bé Tùng đang "tuổi ăn tuổi lớn" khi ấy dần teo tóp lại.

Vốn sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ, ngay từ nhỏ cậu bé Tùng đã ham mê bơi lội, tuổi thơ gắn liền với những con kênh con rạch quê hương. Ấy vậy mà bỗng chốc, đôi chân ấy đã không còn chạy nhảy được như bình thường. Đó quả là cú sốc quá lớn đối với một cậu bé hiếu động như Tùng.

Thanh Tùng nhớ lại, sau cơn bạo bệnh, anh vừa buồn vừa rất sợ hãi. Người thân trong gia đình, nhất là mẹ, rất hay khóc khi nhìn thấy anh nặng nhọc lê từng bước chân. Mọi việc bỗng chốc trở nên khó khăn, từ việc di chuyển, vệ sinh cho đến các hoạt động thể chất khác. Buồn hơn cả là cậu bé Tùng phải tạm rời xa con nước thân thuộc, không còn được thỏa thích vẫy vùng như ngày nào.

Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, cậu bé Tùng đã sớm nhận ra rằng, so với các bạn đồng lứa trong xóm, Tùng còn may mắn hơn nhiều. Có nhiều bạn còn bị liệt hẳn nằm một chỗ. Dù sao thì Tùng cũng còn khập khiễng đi lại được.

Suy nghĩ như vậy nên cậu bé Tùng cũng bớt dần nỗi buồn. Và niềm yêu thích bơi lội đã kéo Tùng trở lại. Dần dần từng bước, với sự hỗ trợ của người cha, Tùng đã tập bơi trở lại trong niềm vui sướng của cả gia đình.

ASEAN Para Games: Võ Thanh Tùng và bí quyết "không bao giờ bỏ cuộc" ảnh 2Vận động viên Võ Thanh Tùng, hạng thương tật S5 thi đấu ở nội dung 50m bơi bướm với thành tích 39 giây 44, vượt chuẩn A Ol​ympic London. (Ảnh: Ngọc Trường/TTXVN)

Năm 2005, khi lên nhà chị gái ở Cần Thơ để đi học ngành điện tử, Tùng vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê bơi lội của mình. Những khó khăn của những năm tháng đầu đời bước vào cuộc sống sau khi tốt nghiệp cũng không làm mất đi niềm đam mê ấy trong Tùng.

Và cũng nhờ đó, chàng sinh viên mới ra trường đã được huấn luyện viên Bùi Văn Tâm của trường Trung cấp Thể dục Thể thao Thành phố Cần Thơ phát hiện và đưa về huấn luyện.

[ASEAN Para Games: Được mùa 'vàng', Việt Nam vươn lên top 3 toàn đoàn]

Trong giải bơi lội toàn quốc cùng năm, Tùng đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Năm 2009, Tùng đã được gọi vào đội tuyển bơi lội Việt Nam, bắt đầu một chặng đường mới với nhiều vinh quang nhưng không ít thử thách.

Thanh Tùng cho biết quãng thời gian tính từ khi bắt đầu bước chân vào làng thể thao người khuyết tật Việt Nam, anh đã phải trải qua khá nhiều thăng trầm. Có nhiều lần khi đi thi đấu mà không có giải do chưa có nhiều kinh nghiệm đã khiến chàng trai này dằn vặt suy tư khá nhiều.

Nhất là hồi năm 2012, Tùng bị chấn thương bả vai, giãn dây chằng trong lúc tập luyện. Khi ấy, cũng có lúc Tùng tưởng phải giã sự nghiệp do thường xuyên bị cơn đau hoành hành. Tuy nhiên, chàng trai ấy đã không đầu hàng.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh nói: “Vào làng thể thao, tôi thấy có nhiều anh chị, các bạn đồng nghiệp thậm chí còn bị nặng hơn mình. Nhưng họ đã quá nỗ lực để có được những thành tích rất lớn. Vậy tại sao tôi lại không thể vượt qua khó khăn và thử thách như họ, trong khi tôi còn may mắn hơn rất nhiều người? Tôi đã suy nghĩ rằng, mình không được phép bỏ cuộc. Mình cần phải đứng lên từ những thất bại, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu.” 

Chính vì những suy nghĩ ấy, Tùng đã dần tiến bộ và đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi. Năm 2014, tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Para Games), anh đã giành được 5 huy chương vàng và phá 3 kỷ lục.

Năm 2016, anh đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước khi giành được tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao thế giới dành cho người khuyết tật (Paralympic) ở Rio de Janeiro (Brazil). Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích của Thanh Tùng, Nhà nước đã trao thưởng cho anh Huân chương Lao động hạng 2 cùng nhiều danh hiệu khác.

Chốt lại câu chuyện của mình, Thanh Tùng muốn gửi đôi lời nhắn nhủ, chia sẻ với các bạn trẻ không may phải chịu thiệt thòi như mình: “Các bạn hãy sống lạc quan và hãy tự tin hơn. Tùng trước đây cũng rụt rè và có nhiều mặc cảm về thân phận. Nhưng thực tế, xã hội vẫn chấp nhận mình, vẫn rất trân trọng những gì mà người khuyết tật làm được. Tùng mong rằng các bạn khuyết tật hãy tự tin lên rằng mình có thể làm được tất cả nếu như có đủ niềm tin và sự kiên trì. Dù bị tật nguyền hay ở hoàn cảnh khó khăn như thế nào, các bạn cũng nên trân trọng những gì mình đang có. Thay vì chán nản và bi quan, hãy cố gắng vươn lên để không phụ lòng bậc sinh thành, không phụ lòng tin yêu của mọi người. Còn đối với các bạn trẻ khác, Tùng mong rằng các bạn hãy nhìn vào những người khuyết tật, để thấy rằng họ bị thiệt thòi như thế nào trong cuộc sống. Trong sâu thẳm lòng mình, không người khuyết tật nào là không muốn có được phép màu, để trở thành một người bình thường như bao người. Nhưng điều này là không thể và họ đã biết chấp nhận và vượt qua để vươn lên. Vì thế, các bạn trẻ không bị tật nguyền, hãy biết trân quý những gì mình đang có, đồng thời phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống để trở thành những người tốt, hữu ích cho xã hội”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục