ASEAN+3 tăng hợp tác đảm bảo an ninh lương thực

Hội nghị AMAF+3 diễn ra với mong muốn tăng cường hiệu quả hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Sáng 7/10, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (AMAF+3) lần thứ 11 đã khai mạc tại thủ đô Jakarta, Indonesia.

Phát biểu khai mạc AMAF+3, Phó Tổng thống nước chủ nhà Boedino khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội nghị đối với sự hợp tác và phát triển của các ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản của ASEAN; tăng cường sức mạnh và sự đóng góp của khối cho cộng đồng kinh tế toàn cầu.

Ông Boedino nêu rõ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng cao, cũng như các thảm họa thiên tai, như động đất, sóng thần, lũ lụt và các thảm họa do con người gây ra đã một lần nữa cho thấy vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu là những thách thức hàng đầu và mang tính toàn cầu hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác ASEAN+3 là cần thiết, phù hợp với xu thế thời đại và có ý nghĩa rất quan trọng.

Phó Tổng thống Boedino nhấn mạnh rằng để đối phó với những thách thức trên, ASEAN cũng như thế giới cần thúc đẩy sản xuất lương thực và nâng cao năng suất thông qua tăng cường nghiên cứu và đổi mới trong nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhanh chóng hoàn tất vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại và quản lý tình trạng biến động giá bất lợi trên thị trường.

Hội nghị đã đánh giá cao kết quả và công tác chuẩn bị cho AMAF+3 của Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN+3; nhất trí thông qua Chương trình Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR), theo đó 10 nước ASEAN đóng góp tổng cộng 87.000 tấn và 1,015 triệu USD, ba nước Đông Á 700.000 tấn và 3 triệu USD, và mỗi năm các nước ASEAN sẽ đóng góp tổng cộng 74.000 USD cộng với 225.000 USD của ba nước Đông Á cho chi phí hoạt động trong 5 năm đầu tiên của chương trình này.

Hội nghị cũng đề nghị Ban thư ký ASEAN xem xét từng bước tiến tới xây dựng các chương trình dự trữ khẩn cấp tương tự đối với một số mặt hàng nông sản quan trọng khác, ngoài đảm bảo an ninh lương thực còn giúp bình ổn thị trường; khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác trong ASEAN và ASEAN +3 thông qua việc triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh lương thực, đánh bắt cá bền vững, bảo vệ rừng và năng lượng thay thế từ khí sinh học.

Hội nghị kêu gọi ủng hộ hoàn toàn Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực giai đoạn 2009-2013 của ASEAN, bao gồm tăng cường các thỏa thuận về an ninh lương thực, thúc đẩy thị trường và thương mại lương thực-thực phẩm, xây dựng hệ thống thông tin an ninh lương thực liên kết chặt chẽ hơn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nâng cao năng lực đảm bảo an ninh lương thực.

Hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố chung AMAF+3, trong đó khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác ASEAN+3 trong các lĩnh vực lương thực-thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp; coi APTERR là chương trình thường trực cho những trường hợp cứu trợ lương thực khẩn cấp; tiếp tục triển khai chương trình chiến lược hợp tác ASEAN+3 (APTCS) bao gồm các lĩnh vực củng cố an ninh lương thực, phát triển năng lượng sinh học, quản lý rừng bền vững, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và kiểm soát bệnh trên động vật; đề nghị tiếp tục triển khai và tăng cường hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN (AFSIS) giai đoạn tiếp theo, sau khi dự án AFSIS hiện nay kết thúc vào năm 2012.

Các nhà lãnh đạo nông nghiệp và lâm nghiệp ASEAN cũng đã ra Tuyên bố chung về “ASEAN và Năm quốc tế về Rừng 2011” do Liên hợp quốc đề xướng, trong đó khẳng định tầm quan trọng và sự đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển bền vững; cam kết tăng cường hợp tác trong ASEAN và ASEAN với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và các tổ chức tài trợ như FAO, USAID, CIFOR... để tăng cường bảo vệ và bảo tồn rừng tự nhiên.

Hội nghị AMAF-34 sẽ được tổ chức tại Campuchia và Hội nghị AMAF+3 lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Lào trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục